Multimedia Đọc Báo in

Người nặng lòng với hát then, đàn tính

11:31, 03/03/2017

Ông Hoàng Văn Dậu (thôn 7, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) là người dân tộc Tày, vốn sinh ra và lớn lên tại tỉnh Cao Bằng. Khi còn nhỏ, ông thường theo các anh chị đi xem và nghe các nghệ nhân trong bản biểu diễn hát then. Dần dần, những làn điệu hát then, đàn tính như ngấm vào máu thịt của ông khiến ông say đắm.

Say mê nên ông Dậu tự mày mò học hát, học đánh đàn tính. Ông thuộc nhiều bài hát then, đánh đàn tính thành thạo và trở thành một trong người biểu diễn hát then, đàn tính mỗi khi trong bản diễn ra lễ hội hay sự kiện vui. Sau này, khi cùng gia đình di cư vào Đắk Lắk lập nghiệp, ông Dậu mang theo cả tiếng đàn, điệu hát của dân tộc mình.

Những lúc rảnh rỗi, ông Dậu lại tìm đến với cây đàn tính và những làn điệu  hát then.
Những lúc rảnh rỗi, ông Dậu lại tìm đến với cây đàn tính và những làn điệu hát then.

Tiếng đàn, lời hát then như người bạn tâm giao chia sẻ cùng ông biết bao niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Nó đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với ông Dậu và bà con người Tày nơi quê hương mới. Ông Dậu có thể đánh đàn và hát thành thạo gần 20 bài hát then. Ông là một trong những hạt nhân văn nghệ, tích cực tham gia các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Cũng từ niềm đam mê âm nhạc, gắn bó với cây đàn tính nên ông Dậu đã mày mò chế tác được đàn tính, đàn nhị.

Say mê văn hóa truyền thống, ông Dậu luôn đau đáu nỗi niềm là làm sao gìn giữ được những làn điệu dân ca của cha ông. Ông thường động viên con cháu và các thanh niên ở địa phương học đàn tính, hát then và sẵn sàng chỉ dạy miễn phí cho lớp trẻ bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Đôi chút trầm tư, ông Dậu chia sẻ: “Tôi thấy buồn lòng bởi nhiều thanh niên giờ không mặn mà với âm nhạc dân gian. Chỉ mong rằng thế hệ trẻ quan tâm hơn đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó có hát then, đàn tính của dân tộc Tày”. 

Quốc An


Ý kiến bạn đọc