Multimedia Đọc Báo in

Liên minh Châu Âu sẵn sàng hỗ trợ việc bảo hộ, phát triển Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột

09:07, 21/11/2015

Sắp tới, các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực thì Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Cà phê Buôn Ma Thuột tự động được công nhận và bảo hộ trên toàn lãnh thổ EU. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng sản phẩm, phát triển CDĐL này vẫn còn những hạn chế và cần có những giải pháp khắc phục. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bà ESTER OLIVIAS CACERES, luật sư tư vấn cao cấp, chuyên gia Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - MUTRAP).

*Theo bà, tỉnh Đắk Lắk sẽ hưởng lợi gì khi cà phê Buôn Ma Thuột được bảo hộ thương hiệu tại EU?

Lợi ích của việc này là rất lớn. Thứ nhất, khi được bảo hộ tại EU, cơ quan chuyên trách hành pháp cao nhất của EU là Ủy ban châu Âu sẽ có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát về hệ thống quản lý chất lượng, đặc tính của cà phê có CDĐL có bảo đảm như tiêu chuẩn đăng ký hay không. Do đó, không có cá nhân, tổ chức nào có thể sử dụng, làm giả thương hiệu, nếu có sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn, sẽ có cơ chế loại bỏ ra khỏi thị trường. Thứ hai là lợi ích về thương mại. Tôi được biết, hiện nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Đắk Lắk mới đạt khoảng 500 triệu USD. EU gồm 28 quốc gia với dân số khoảng 800 triệu người là thị trường rất lớn và nhiều tiềm năng, có thể bảo đảm giá trị xuất khẩu với giá trị thặng dư cao, từ đó, đem lại lợi ích cho người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê.

*Việc phát triển CDĐL này còn có những hạn chế gì, thưa bà?

Có thể nói, hạn chế đầu tiên là CDĐL mới chỉ được cấp cho sản phẩm cà phê nhân chứ chưa được cấp cho cà phê qua chế biến, điều này khiến cho lợi nhuận của sản phẩm chưa tương xứng với chất lượng và giá trị vốn có của nó. Bên cạnh đó, việc xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng cà phê mang CDĐL còn có những thiếu sót; quy trình, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa hoàn chỉnh để người mua có thể biết lô cà phê này được sản xuất ở đâu, quy trình như thế nào. Ngoài ra, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cà phê về lợi ích mà CDĐL mang lại còn hạn chế, do đó, sản phẩm mang thương hiệu, có dán logo Cà phê Buôn Ma Thuột trên thị trường quốc tế vẫn chưa nhiều…

*Vậy theo bà, giải pháp nào để khắc phục những hạn chế trên nhằm phát triển CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột?

Đối với nhà chức trách, doanh nghiệp cà phê Việt Nam, nên cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm cà phê có CDĐL trên cơ sở đánh giá của một đơn vị chuyên môn độc lập để bảo đảm chất lượng cà phê khi xuất khẩu; cải thiện tính minh bạch trong chuỗi cung ứng sản phẩm mang CDĐL để người nông dân được hưởng lợi từ một phần giá trị tăng thêm, từ đó, họ mới có điều kiện tài chính đầu tư cho việc sản xuất một cách đúng quy trình, đáp ứng các tiêu chuẩn của sản phẩm; đồng thời, tổ chức các sự kiện quảng bá CDĐL ở phạm vi quốc tế và tăng cường các chiến dịch truyền thông trên sóng các đài truyền hình lớn trên thế giới để nhiều người biết đến sản phẩm này. Trong khuôn khổ Dự án EU – MUTRAP nói riêng và Liên minh Châu Âu nói chung, sẽ hỗ trợ về mặt kiến thức, pháp lý và tăng cường năng lực của các cơ quan liên quan trong việc giám sát, bảo hộ CDĐL thông qua các chương trình hội thảo, trợ giúp kỹ năng đàm phán thương mại; hỗ trợ tiếp cận thông tin về xu hướng tiêu dùng, cơ hội thị trường Châu Âu và quy định của luật pháp các nước sở tại; đồng thời, hỗ trợ quan hệ thương mại, đầu tư quốc tế, hợp tác, đàm phám và thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

 

Minh Thông (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc