Multimedia Đọc Báo in

Mỗi giáo viên không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm, phẩm chất, đạo đức

17:46, 16/11/2015

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn thầy, cô giáo. Ngành Giáo dục cũng thường nhân dịp 20-11 đánh giá lại hoạt động giáo dục và lập phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã trao đổi với ông NGUYỄN NGỌC QUANG, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Ngọc Quang trao phần thưởng  cho các em học sinh đoạt
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Ngọc Quang trao phần thưởng cho các em học sinh đoạt giải Olympic Toán Tuổi thơ toàn quốc năm 2014.

+ Ngày 20-11 từ lâu đã trở thành ngày lễ "tôn sư trọng đạo" nhằm mục đích tôn vinh những nhà giáo Việt Nam. Vậy, trong ngày truyền thống của Ngành năm nay, ông có thông tin gì chia sẻ với các thầy, cô giáo?

Trước tiên, thay mặt lãnh đạo Sở GD-ĐT tôi gửi lời chúc mừng đến toàn thể thầy, cô giáo nhân ngày truyền thống của Ngành. Những năm gần đây, quy mô, mạng lưới trường lớp học trong tỉnh không ngừng mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập của con em và nhân dân trong tỉnh. Đội ngũ giáo viên theo đó cũng tăng lên, chiếm hơn 83% đội ngũ cán bộ, công chức toàn tỉnh. Với sự nỗ lực, tận tâm của thầy, cô giáo, chất lượng giáo dục đại trà của tỉnh nâng lên rõ rệt. Đặc biệt nhiều em học sinh của tỉnh đoạt thành tích cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi Olympic truyền thống 30-4, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia... Chỉ tính riêng trong 5 năm (2010-2015), toàn tỉnh có 177 em đoạt giải học sinh giỏi quốc gia. Về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có 6 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, 57 nhà giáo được tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu, 733 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 2.344 giáo viên có sáng kiến kinh ngiệm đoạt giải cấp tỉnh, 108 giáo viên đoạt giải Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và còn nhiều nhà giáo tiêu biểu vẫn thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp trồng người của tỉnh.

          +Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục yêu cầu phải đổi mới tất cả các mặt, trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Vậy các thầy, cô giáo trong tỉnh đã chuẩn bị tâm thế cho việc thay đổi này, thưa ông?

Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT không chỉ là đòi hỏi tất yếu của thời đại, mà còn là nhu cầu tự thân của nền giáo dục Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Có thầy giỏi mới có trò giỏi. Vì vậy, mấy năm gần đây, Sở GD-ĐT thường xuyên mời các chuyên gia giỏi, những giáo sư đầu ngành công tác tại các trường đại học danh tiếng trong nước để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên. Đồng thời khuyến khích đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Về phía ngành đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian để các thầy, cô giáo học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Nhờ đó, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn, trên chuẩn ở các cấp học ngày tăng. Đồng thời Sở GD-ĐT cũng thường xuyên phát động các phong trào thi đua sâu rộng, tạo sân chơi trí tuệ để các thầy cô giáo giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Trước đòi hỏi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, mỗi thầy, cô giáo đã ý thức phải thường xuyên bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, đổi mới, đánh giá, cập nhật kiến thức để không tụt hậu với yêu cầu của ngành, của đất nước. 

Cô giáo Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (huyện Kr ông Pắc) tận tình hướng dẫn các em học sinh dân tộc thiểu số
Cô giáo Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (huyện Krông Pắc) tận tình hướng dẫn các em học sinh dân tộc thiểu số làm quen với tiếng Việt. 

    +Xã hội bức xúc về tình trạng dạy thêm, học thêm, lạm thu trong các cơ sở giáo dục, về “văn hóa phong bì”  trong ngành Giáo dục? Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Toàn tỉnh hiện có hơn 36 nghìn cán bộ giáo viên các cấp. Đa số đội ngũ giáo viên bám trường, bám lớp, tâm huyết với nghề nghiệp, đem nhiệt huyết, trí tuệ để dạy dỗ học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số ít giáo viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, nên trình độ chuyên môn thấp, vi phạm kỷ luật đạo đức, lối sống, làm giảm uy tín, niềm tin của người học đối với đội ngũ nhà giáo. Về phía Sở GD-ĐT đã xây dựng chuẩn mực đạo đức nhà giáo và đã ban hành các văn bản quy định rèn luyện đạo đức cho các thầy cô giáo. Bên cạnh đó, yêu cầu cơ sở giáo dục, các nhà trường nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt đoàn thể, với tinh thần phát huy dân chủ trong nhà trường, nói thẳng, nói thật, động viên, giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì thế, song song với tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, ngành thường xuyên bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo, làm cho mỗi nhà giáo thấm sâu tư tưởng đó, nhận thức rõ hơn vị thế của nghề dạy học trong xã hội, giúp các thầy, cô giáo yêu nghề, yêu học sinh, nâng cao thái độ, trách nhiệm trong giảng dạy; thường xuyên tự bồi dưỡng, học hỏi đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm. Mặt khác, Sở GD-ĐT cũng quan tâm thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục đặc biệt là cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm tạo động lực để đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trước yêu cầu đổi mới giáo dục.

    +20-11 không chỉ là ngày hội, mà con là dịp để mỗi thầy cô tự “soi” lại mình để xứng đáng hơn với sự tin yêu của xã hội?

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và đánh giá rất cao nghề dạy học, đó là“nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Tôi rất cảm kích lớp lớp nhà giáo đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Và không giống những nghề cho ra đời những sản phẩm vật chất, nghề giáo đã tạo ra những con người tri thức, có đạo đức. Để có một bài giảng tốt, một lời khuyên hay, thầy, cô giáo đã phải chuẩn bị, trăn trở. Đó là chưa kể đến những thầy cô nhà ở rất xa trường, phải đi rất nhiều cây số mới đến được lớp học, rồi lại có những thầy cô có hoàn cảnh rất khó khăn… Ngày vui của ngành, của cá nhân là dịp để thầy, cô giáo nhìn lại thành quả do công sức khó nhọc của mình bỏ ra, song cũng cần thấy rõ đểlàm tròn nhiệm vụ “kỹ sư tâm hồn” nhất định phải tiếp tục nỗ lực không ngừng để nâng cao kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm, đạo đức nghề giáo.

    +Xin cảm ơn ông!

Gia Nguyên (thực hiện) 


Ý kiến bạn đọc