Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa thể thao: Nhìn từ các giải phong trào

09:45, 10/03/2017

Không trông chờ, ỷ lại kinh phí từ nguồn ngân sách cấp, nhiều địa phương đã linh động, sáng tạo, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tài trợ tiền của để duy trì, tổ chức các giải đấu, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân.

Hội vật truyền thống xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), một trong những hội làng được tổ chức hằng năm luôn diễn ra “hoành tráng”- nói theo ngôn ngữ nôm na, là niềm tự hào của những người dân nơi đây và luôn thu hút một lượng đông khán giả đến xem mà bất cứ giải đấu nào cũng mơ ước. Và để góp phần vào thành công chung của hội vật, không thể không kể đến những nhà tài trợ ở địa phương, bằng tấm lòng nhiệt huyết, đam mê thể thao, mong muốn giới thiệu môn thể thao này đến với đông đảo người hâm mộ, họ sẵn sàng đóng góp tùy theo khả năng, theo phương châm “góp gió thành bão” nhằm giúp địa phương có thêm kinh phí tổ chức. Hội vật năm 2017, Ban tổ chức huy động các nhà tài trợ, cá nhân được trên 20 triệu đồng. Vụ Bổn là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh, nên số tiền vận động được như trên là rất ý nghĩa, giá trị, số tiền này còn nhiều hơn so với kinh phí cấp cho hoạt động thể dục thể thao (TDTT) trong cả năm của xã (trung bình hằng năm xã được cấp từ 12- 15 triệu đồng). Ông Nguyễn Tú Anh, thành viên đã gắn bó, tổ chức hội vật từ những năm 90 của thế kỷ 20 phân tích: “Thử làm một bài toán đơn giản, để tổ chức một giải đấu trung bình kéo dài 3 ngày, tính tất cả chi phí, từ trọng tài, sân bãi, trang trí, hỗ trợ các đoàn vận động viên các tỉnh xa, tiền trao giải… cần tối thiểu 30- 40 triệu đồng, nếu không có nguồn tài trợ thêm của các cá nhân, tập thể ở địa phương thì hội vật khó mà duy trì được”.

Rất đông khán giả đến xem Hội vật truyền thống xã Vụ Bổn được tổ chức vào rằm tháng Giêng.
Rất đông khán giả đến xem Hội vật truyền thống xã Vụ Bổn được tổ chức vào rằm tháng Giêng.

Với TP. Buôn Ma Thuột, trung tâm kinh tế của tỉnh, nơi có nhiều doanh nghiệp đứng chân thì công tác kêu gọi xã hội hóa, tài trợ các hoạt động TDTT, những giải đấu phong trào thuận lợi hơn. Dễ dàng nhận ra điều này khi tất cả các giải đấu đều gắn liền với thương hiệu một doanh nghiệp, như: giải Bóng đá mini cúp Bia Sài Gòn, giải Quần vợt Vietinbank, giải Bóng bàn mở rộng cúp Abbott… Phó Giám đốc Trung tâm TDTT thành phố Nguyễn Chiêu Dương cho rằng, theo xu thế tất yếu, phong trào TDTT cũng phải tự chủ một phần về mặt kinh phí, không thể cứ mãi trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách nữa nên khi có một giải đấu sắp tổ chức, thành phố đều đi “gõ cửa” các doanh nghiệp, mời gọi tài trợ. Tất nhiên để doanh nghiệp sẵn sàng “mở hầu bao”, ngoài việc gắn liền giải đấu với thương hiệu của doanh nghiệp, thành phố cũng cam kết tổ chức các giải một cách chuyên nghiệp, có chất lượng chuyên môn cao.

Bên cạnh đó cũng không thể không kể đến vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc động viên tinh thần nhà tài trợ qua quảng bá, giới thiệu giải đấu đến với đông đảo người dân. Nhờ vậy mà những giải đấu phong trào của thành phố tổ chức luôn được các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ, công tác xã hội hóa thể thao được quan tâm đẩy mạnh, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu được chú trọng đầu tư đã tạo đà cho phong trào thể thao quần chúng trên địa bàn thành phố phát triển, khởi sắc mạnh mẽ. Hiện trên địa bàn thành phố có trên 150 câu lạc bộ võ thuật, tennis, cầu lông, bóng bàn; số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 33%; có 20% số gia đình tập luyện TDTT.

Theo kế hoạch phát triển TDTT, giai đoạn 2017-2020 của UBND tỉnh, để đáp ứng nhu cầu hoạt động, ngân sách dành cho TDTT cấp xã, phường, thị trấn mỗi năm phải tăng 20-25% so với năm trước. 

Từ công tác xã hội hóa thể thao phong trào, ngẫm lại chuyện huy động, tìm kiếm tài trợ cho những giải đấu đỉnh cao, chuyên nghiệp của các câu lạc bộ tỉnh hiện đang rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh hoạt động của các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức.  Trên thực tế hiện nay hầu như 100% đội tuyển của tỉnh để duy trì hoạt động, “sống” nhờ vào nguồn kinh phí của tỉnh cấp. Đơn cử như đội bóng đá Đắk Lắk hiện đang chơi tại một trong hai giải đấu chuyên nghiệp, cao nhất nước là Giải bóng đá hạng Nhất quốc gia song đã 4 mùa bóng đội tuyển hoạt động đều dựa vào ngân sách địa phương cấp. Không kêu gọi được doanh nghiệp tài trợ, đồng hành cùng đội bóng đồng nghĩa với không có thêm kinh phí để chi cho hoạt động chuyên môn, mua sắm cầu thủ, củng cố, tăng thêm sức mạnh, giúp đội có cơ hội cạnh tranh suất lên hạng với những đội khác nên những năm qua đội bóng luôn phải chật vật để trụ hạng.

Để giải đáp câu hỏi vì sao các doanh nghiệp chưa mặn mà với công tác tài trợ cho các đội tuyển Đắk Lắk, tại buổi gặp mặt đội tuyển bóng đá mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà thẳng thắn cho rằng, doanh nghiệp chưa thiết tha tài trợ, không riêng gì đội tuyển bóng đá mà còn các đội tuyển khác là bởi các đội tuyển chưa tạo nên một thương hiệu, chưa thực sự trở thành một đại diện, “sứ giả” để giới thiệu, quảng bá thương hiệu nhà tài trợ đến với công chúng. Đó là chưa kể những hình ảnh xấu xí, rất không chuyên nghiệp diễn ra tại một số giải  đấu có thể làm ảnh hưởng đến thương hiệu nhà tài trợ. Vì vậy để thu hút các doanh nghiệp tài trợ cho thể thao chuyên nghiệp như thể thao quần chúng, các vận động viên chuyên nghiệp cần thi đấu một cách trung thực, hết mình, trong sáng, trên tinh thần fair play, các giải đấu ngoài việc tổ chức quy mô, có chuyên môn cao còn phải có tính chuyên nghiệp, bài bản, uy tín.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc