Multimedia Đọc Báo in

Truyền thống tôn sư trọng đạo và triết lý giáo dục thời Hùng Vương

09:59, 27/11/2017

Ngay từ thời Hùng Vương, ông cha ta đã coi trọng vai trò của người thầy trong giáo dục nhân cách con người. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn được các Vua Hùng đề cao trong quá trình xây dựng nền giáo dục của đất nước…

Các Vua Hùng đặc biệt quan tâm đến việc dạy chữ cho các Quan Lang, Mỵ Nương, coi trọng nhân cách, đạo đức và chữ nghĩa của các Lạc hầu, Lạc tướng. Còn về phía nhân dân, các Vua Hùng luôn răn dạy nhân dân cách ăn ở, trồng cấy, làm nhà cửa để ổn định cuộc sống. Một bằng chứng sinh động và thiêng liêng còn in dấu ấn về sự học trên vùng đất Tổ đó là Thiên Cổ Miếu thờ thầy cô Vũ Thê Lang. Đây là ngôi miếu thờ sự học cổ nhất trên đất nước Việt Nam, là biểu tượng thiêng liêng cho truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam từ thời Hùng Vương.

Theo cuốn “Ngọc phả đình thôn Hương Lan”, chuyện kể rằng vào thời Hùng Vương thứ 18, niên hiệu Hùng Duệ Vương, từ vua đến dân rất quan tâm đến việc học hành, “tôn sư trọng đạo”, tu thân và lập thân của con người. Vì thế, Vua Hùng thứ 18 đặc biệt chú trọng đến việc dạy chữ, dạy người. Biết được tâm đức, tài năng của thầy giáo Vũ Thê Lang và cô giáo Nguyễn Thị Thục, Hùng Duệ Vương đã mời hai thầy cô vào cung dạy học trực tiếp cho hai Công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Hai Công chúa được thầy Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục dạy chữ, dạy đạo làm người và nhanh chóng trở thành những công nương hiền thục, giỏi giang và tháo vát.

Thiên cổ miếu - biểu tượng thiêng liêng cho giáo dục thời Hùng Vương.
Thiên cổ miếu - biểu tượng thiêng liêng cho giáo dục thời Hùng Vương.

Khi thầy Vũ Thê Lang và cô Nguyễn Thị Thục tạ thế, Vua Hùng cùng người dân thôn Hương Lan tiếc thương công đức của hai thầy cô nên đã an táng ngay tại địa điểm thầy cô mở lớp dạy học, táng cùng một ngôi mộ. Nhà vua cũng cho phép thôn Hương Lan lập miếu để thờ cúng, hương hỏa cho thầy cô. Trước đây, Thiên Cổ Miếu chỉ là một ngôi miếu nhỏ và người dân vẫn thường gọi là Miếu Hai Cô vì trong miếu có thờ cả hai Công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Trong miếu có tượng thờ thầy Vũ Thê Lang, cô Nguyễn Thị Thục cùng tượng hai Công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, tượng hai hầu gái của hai Công chúa. Hiện nay ở ngôi miếu lưu giữ hai câu đối nói về sự học: “Ơn đức thầy cô, vạn thuở còn lưu trời Nghĩa Lĩnh/Danh thơm thiên cổ, ngàn đời vẫn ngát đất Hương Lan”.

Nền giáo dục thời Hùng Vương không được cụ thể hóa nhiều trên sách vở hay đa dạng về trường lớp mà những bài học mang tính triết lý nhân sinh lại được cụ thể hóa từ trong thực tiễn đời sống của nhân dân. Ở đó, Vua Hùng chính là người thầy đưa ra cho quần thần, cho nhân dân những bài học về đạo lý, nhân nghĩa, răn dạy con người thông qua những sự việc cụ thể. Mỗi lần Vua kén rể hay gặp gỡ thần dân là mỗi lần để lại những bài học thấm sâu vào tâm khảm con người và được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Câu chuyện Vua Hùng Vương thứ 6 ra điều kiện để truyền ngôi cho con và chuyện Lang Liêu gói bánh chưng, bánh dày để dâng vua cha không phải là sự ngẫu nhiên mà chất chứa một bài học nhân sinh còn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Nhà vua dừng lại ở mâm bánh được làm từ ngọc thực gạo nếp dẻo thơm do bàn tay con người chăm chỉ cày cấy và quyết định chọn Lang Liêu để truyền ngôi, sự lựa chọn ấy là có mục đích. Nhà vua muốn răn dạy từ quần thuần cho đến nhân dân luôn phải biết quý trọng hạt gạo, thứ ngũ cốc nuôi sống con người, ăn không bao giờ biết chán và phải làm ăn cần cù chăm chỉ để có được. Bài học ấy từ đời này sang đời khác được nhân dân khắc ghi.

Ở vùng đất Tổ Phú Thọ có làn điệu hát Xoan vốn được hình thành từ thời Hùng Vương. Làn điệu này do người dân hát nên, sau đó vua nghe hay mà truyền cho các Mỵ Nương phải học lấy để hát, múa. Điều đó chứng tỏ, triết lý học từ nhân dân, học ở mọi nơi, mọi lúc, không phân biệt đẳng cấp, thứ dân, miễn là điều đáng học, đáng làm theo đã được thực hiện trong thực tiễn cuộc sống vô cùng sinh động thời Hùng Vương.

Những bài học được lưu giữ từ trong những truyền thuyết tích Hùng Vương và được truyền lại từ đời này sang đời khác đến hôm nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Đó là những triết lý giáo dục mang đậm tính nhân văn mà không hề cao siêu hay xa vời bởi những bài học ấy gắn với tâm hồn, nhân cách của cư dân đất Việt, gắn với cuộc sống đời thường của con người.

Tư tưởng “trọng nông” cũng khởi thủy từ thời Hùng Vương. Điều đó được lưu giữ trong huyền tích về hình ảnh Vua Hùng đích thân lội xuống ruộng, dạy dân trồng lúa nước, làm ra hạt gạo để nuôi sống con người. Truyền thuyết Hùng Vương vùng Đất Tổ Phú Thọ kể rằng: “Vua thấy lúa mọc hoang nhiều nên bày cách cho dân giữ hạt, gieo mạ, khi mạ lên xanh thì đem cấy vào các tràn ruộng có nước. Lúc đầu dân không biết cấy, tìm hỏi vua. Vua Hùng nhổ mạ lên, đem tới ruộng nước, lội xuống cấy cho dân xem, mọi người làm theo. Cấy tới khi mặt trời đứng bóng, Vua nghỉ tay cùng mọi người ăn uống ở dưới gốc đa lớn” (Nguồn sách: Lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ). Đó bài học Vua muốn răn dạy muôn dân hãy biết quý trọng cây lúa, chăm lo việc đồng áng để cuộc sống luôn no đủ. Vua Hùng đã đích thân cấy lúa, gieo vào lòng dân bài học vô cùng quý giá.

Từ thuở xa xưa cho đến hôm nay, khi nhắc đến hình tượng Vua Hùng, mỗi người dân Đất Việt đều không cảm thấy xa lạ bởi lẽ, trong những huyền tích, truyền thuyết trong thời đại Hùng Vương, hình ảnh Vua Hùng sống gắn bó, chan hòa với nhân dân đã nói lên tư tưởng “gần dân”, “trọng dân” của bậc quân vương thời kỳ đó. Dù đi đâu, làm gì, các Vua Hùng đều gần gũi, chan hòa với nhân dân, luôn dạy nhân dân những điều cần thiết trong cuộc sống để nhân dân được ấm no. Bài học về “lấy dân làm gốc” đã được hình thành ngay từ thời Hùng Vương và được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.