Multimedia Đọc Báo in

Năm học 2016-2017: Bậc Trung học cơ sở triển khai mô hình trường học mới theo nguyện vọng

18:40, 07/08/2016

Hiện nay, có một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã tạm ngừng triển khai diện rộng mô hình trường học mới (VNEN) do có những bất cập. Trước thềm năm học mới, phóng viên Báo Đắk Lắk đã phỏng vấn ông PHẠM ĐĂNG KHOA, Giám đốc Sở GD-ĐT về việc triển khai mô hình trường học mới trên bàn tỉnh.

1
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa.

+Thưa ông, năm học 2016-2017, ngành Giáo dục tỉnh có tiếp tục triển khai diện rộng mô hình VNEN?

Đắk Lắk là một trong 6 tỉnh được Bộ GD-ĐT chọn triển khai thí điểm mô hình trường học mới đối với bậc tiểu học (TH). Từ 4 trường thí điểm, đến nay toàn tỉnh có 74 trường TH thực hiện mô hình VNEN và 56 trường TH nhân rộng mô hình VNEN. Năm học này, cấp tiểu học tiếp tục triển khai mô hình này. Đối với cấp trung học cơ sở (THCS), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT tại công văn số 3218, Sở GD-ĐT đã triển khai cho các trường đăng ký thực hiện trên cơ sở bảo đảm cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Nhằm tạo điều kiện cho học sinh lớp 6 và lớp 7 năm học 2015-2016 đã học theo mô hình trường học mới, năm học 2016-2017 cũng sẽ tiếp tục triển khai thí điểm mô hình này cho học sinh lớp 8 tại 4 trường THCS thuộc TP. Buôn Ma Thuột và huyện Krông Ana (mỗi địa phương 2 trường). Đối với khối lớp 7 có 43 trường đăng ký thực hiện với 82 lớp, 2.470 học sinh. Riêng khối lớp 6, các trường triển khai cho phụ huynh học sinh đăng ký học mô hình trường học mới trên tinh thần tự nguyện. Đến nay có 43 trường THCS đăng ký, 59 lớp với 1.848 học sinh.

+ Số lượng lớp 6 đăng ký học theo mô hình VNEN giảm gần 1/3 so với năm học 2015-2016, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Như đã nói ở trên, việc tổ chức dạy theo mô hình trường học mới được thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Số lượng học sinh đăng ký học giảm, một phần do phụ huynh chưa hiểu rõ về đặc điểm, ý nghĩa của mô hình này; mô hình trường mới bắt buộc phải học 2 buổi/ngày, trong khi đó nhiều trường THCS không bảo đảm về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên do đó số lớp đăng ký học giảm.

IMG_4316.JPG
 Giờ Sinh học của lớp 7, Trường THCS Ea Hu (huyện Cư Kuin). Ảnh: Minh họa.

+Xung quanh việc triển khai mô hình trường học mới, còn nhiều ý kiến trái chiều và đã có tỉnh tạm ngừng triển khai diện rộng mô hình này, nhưng ngành Giáo dục tỉnh vẫn quyết tâm thực hiện?

Từ năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT triển khai mô hình trường học mới đối với cấp tiểu học với mục tiêu đổi mới đồng bộ các hoạt động sư phạm trong nhà trường, bảo đảm cho học sinh được tự quản, tự tin trong học tập, chiếm lĩnh được kiến thức, kỹ năng qua tự học và hoạt động tập thể. Thực tế 4 năm triển khai ở cấp tiểu học đã khẳng định trường học mới là một kiểu mô hình nhà trường hiện đại, tiên tiến, phù hợp với mục tiêu đổi mới và đặc điểm giáo dục ở Việt Nam. Từ những thành công đó, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo 6 tỉnh triển khai  thực nghiệm mô hình này ở cấp THCS. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện có nhiều khâu; trong đó có công tác tuyên truyền, tổ chức ở các đơn vị trường học chưa phải đơn vị nào cũng làm tốt dẫn đến có nhiều phụ huynh, học sinh kể cả “người trong ngành” nghi ngờ về mô hình này.

Để duy trì và phát triển dạy học theo mô hình trường học mới ở các trường phổ thông trong tỉnh, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp phụ huynh, học sinh hiểu rõ đặc điểm, ý nghĩa của mô hình này, nhận được sự đồng thuận cao. Đồng thời quy định rõ hơn trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục; tăng cường công tác kiểm tra các trường THCS có tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới ở lớp 6 để điều chỉnh kịp thời những sai sót, tạo niềm tin của phụ huynh và HS đối với mô hình tổ chức dạy học mới. Hiệu quả của mô hình này đối với cấp tiểu học đã được Bộ GD-ĐT đánh giá, riêng  cấp THCS mới thực hiện được 2 năm, năm học này là năm thứ 3 triển khai do đó chúng tôi chưa đánh giá. Việc đánh giá này sẽ được thực hiện sau 2 năm nữa – khi mà lứa học sinh đầu tiên theo học mô hình này hoàn thành chương trình lớp 9. Nếu kết quả không như mong đợi, Sở GD-ĐT sẽ kiến nghị với Bộ GD-ĐT để điều chỉnh phù hợp.

+Đây là năm học thứ 3, ngành Giáo dục triển khai mô hình này đối với  bậc THCS, vậy còn những gì băn khoăn khi triển thực hiện  thưa ông?

Khó khăn nhất khi triển khai mô hình này là tổ chức lớp học theo nhóm và đánh giá học sinh theo năng lực. Như chúng ta đã biết, cơ sở vật chất của hầu hết các trường THCS trên địa bàn tỉnh tỉnh được xây dựng theo mô hình  trường học truyền thống, diện tích lớp học nhỏ, việc kê bàn cho học sinh làm việc theo nhóm rất khó. Đội ngũ giáo viên chưa quen đánh giá học sinh theo nhận xét và cho điểm. Và một khó khăn nữa là tài liệu học tập được chuyển đến học sinh chậm so với khung thời gian năm học, dẫn đến các trường lung túng trong công tác dạy học. Đối với khối lớp 8, đến thời điểm này Sở vẫn chưa nhận được tài liệu chính thống.

Trước sự quan ngại của phụ huynh, học sinh về mô hình trường học mới, ngày 18 và 19 tháng 8 này, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn triển khai mô hình trường học mới cho đại diện lãnh đạo, chuyên viên các phòng GD-ĐT và  giáo viên cốt cán các trường THCS triển khai mô hình VNEN. Về phía Sở GD-ĐT cũng tập huấn lại cho toàn bộ lãnh đạo, giáo viên cốt cán khối lớp 6,7 của tất cả các trường đăng ký dạy học theo mô hình trường học mới.

+ Xin cảm ơn ông!


 Gia Nguyên (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.