Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hình thức tuyên truyền miệng

07:21, 21/02/2016
Tuyên truyền miệng là một hình thức tuyên truyền mà người nói trực tiếp nói với người nghe về một nội dung nào đó nhằm nâng cao nhận thức, niềm tin, ý thức cho người nghe và khuyến khích người nghe hành động theo mục đích của người tuyên truyền.
 
Đây là hình thức tuyên truyền linh hoạt, có thể tiến hành ở bất cứ nơi nào, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cho một hoặc nhiều đối tượng. Vì hai bên có thể trao đổi, thảo luận trực tiếp với nhau nên người nói có điều kiện thuận lợi để phân tích, làm sáng tỏ nội dung cần tuyên truyền, điều chỉnh được nội dung và phương pháp truyền đạt của mình để đạt được hiệu quả cao hơn, cũng có thể sử dụng cách thức hỏi - đáp trực tiếp để đáp ứng tối đa yêu cầu của đối tượng. Việc tuyên truyền miệng về pháp luật được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau như: đối thoại trực tiếp, tập huấn, hội nghị…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 103 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 394 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và hơn 3.000 tuyên truyền viên. Những người làm công tác tuyên truyền được trang bị những kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ và được cung cấp thông tin hằng tháng đáp ứng yêu cầu công việc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên luôn được cấp ủy các cấp quan tâm tổ chức nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuyển tải quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thông tin thời sự kịp thời đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nhà.

Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh tổ chức đố vui giải đáp kiến thức Luật Giao thông đường bộ tại một buổi tuyên truyền. Ảnh: Hồng Chuyên
Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh tổ chức đố vui giải đáp kiến thức Luật Giao thông đường bộ tại một buổi tuyên truyền. Ảnh: Hồng Chuyên

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua hình thức tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn bộc lộ một số hạn chế mà nguyên nhân chủ quan là do người làm công tác tuyên truyền miệng chưa gây thiện cảm cho người nghe; chưa tạo sự được sự hấp dẫn, gây ấn tượng trong khi nói; chưa bảo đảm nguyên tắc sư phạm trong tuyên truyền miệng; việc sử dụng phương pháp thuyết phục trong tuyên truyền miệng còn hạn chế… Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khách quan như: thông tin chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời; một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước chưa đến được với nhân dân; một số thắc mắc, kiến nghị chưa được giải thích, giải đáp kịp thời và xác đáng; cán bộ làm công tác tư tưởng, tuyên truyền chưa nhiệt tình, trình độ năng lực chưa theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội; chưa chú trọng đổi mới nội dung và phương pháp trong tuyên truyền; chất lượng đội ngũ làm công tác tuyên truyền chưa đồng đều, một số ít tinh thần, trách nhiệm chưa cao, thiếu nhiệt tình, còn thiếu mạnh dạn và kinh nghiệm, chế độ, chính sách, điều kiện cơ sở vật chất cho công tác tuyên truyền còn nghèo nàn, nhất là ở cấp cơ sở….

Để công tác tuyên truyền miệng về pháp luật tiếp tục phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, thiết nghĩ, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền miệng theo hướng kịp thời, nhạy bén, bám sát cơ sở, bám sát thực tiễn, đáp ứng nhu cầu, phù hợp với trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; nâng cao tính định hướng và sức thuyết phục của hoạt động tuyên truyền miệng; chủ động tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị; làm tốt việc truyền đạt nội dung đến người nghe, đồng thời chủ động tiếp nhận thông tin, đối thoại, trao đổi, giải quyết những vấn đề đặt ra. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền có phẩm chất, năng lực, bảo đảm các tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của hoạt động tuyên truyền miệng; tăng cường công tác quản lý đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Mặt khác, cần đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ làm công tác tuyên truyền; thường xuyên chỉ đạo tổ chức thông tin những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, cập nhật kiến thức mới, thông tin thời sự quốc tế, khu vực, trong nước và địa phương; tạo cơ chế, chính sách, đầu tư kinh phí để động viên, khuyến khích báo cáo viên…

Trần Thị Bích Luy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.