Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar gặp khó trong thực hiện tiêu chí môi trường xây dựng nông thôn mới

09:52, 15/04/2016

Xác định tầm quan trọng của tiêu chí số 17 về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, huyện Ea Kar đã đầu tư nguồn lực cũng như nâng cao công tác tuyên truyền nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng và thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường trong quần chúng nhân dân; tuy nhiên do gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nên hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.

Nỗ lực thực hiện

Mục tiêu của tiêu chí này là bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện chất lượng môi trường khu vực nông thôn thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức và đi đến hành động cụ thể của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng. Chính vì vậy, khi mới triển khai chương trình xây dựng NTM, bên cạnh việc chỉ đạo các phòng, ban chức năng và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ sự cần thiết phải thực hiện tiêu chí môi trường nhằm từng bước thay đổi thói quen, tập quán của người dân bằng cách huy động các tổ chức, đoàn thể, trường học và bà con nhân dân tổ chức các hoạt động ra quân thu gom rác thải từ nhà ra ngõ và các điểm công cộng; nạo vét khơi thông cống rãnh; trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh… huyện Ea Kar còn tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất công trình cấp nước sạch tập trung, điểm thu gom rác thải, lò giết mổ gia súc, gia cầm, quy hoạch nghĩa trang... với tổng kinh phí gần 62 tỷ đồng. Cụ thể như để thực hiện chỉ tiêu về nước sạch và nước hợp vệ sinh, UBND huyện đã hỗ trợ 4 máy bơm giếng khoan, 4 bồn chứa nước và xây mới 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các xã Ea Ô, Cư Bông, Cư Elang với công suất cấp nước cho hơn 3.500 người. Về việc thu gom và xử lý chất thải, nước thải hiện nay đã có 9/14 xã có đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; trong đó, các xã Ea Kmút, Ea Đar, Cư Ni, Ea Tyh và Cư Huê hợp đồng với đơn vị thu gom là Công ty TNHH Quản lý đô thị và Môi trường Buôn Hồ (chi nhánh tại huyện Ea Kar); các xã Ea Sar, Cư Yang, Ea Kmút, Cư Bông, Cư Prông có hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ về môi trường đảm nhiệm. Bên cạnh đó, toàn huyện cũng đã thành lập 32 tổ tự quản về vệ sinh môi trường ở khu vực thôn, buôn của 6 xã; 3 xã xây dựng tổ phụ nữ tự quản về bảo vệ môi trường…

Đường liên xã Xuân Phú bụi mù mịt vào mùa khô.
Đường liên xã Xuân Phú bụi mù mịt vào mùa khô.

Hoạt động sản xuất, chăn nuôi bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường cũng được các địa phương triển khai rà soát; đồng thời, hướng dẫn các cơ sở lập hồ sơ đăng ký cam kết bảo vệ môi trường. Như vậy, theo số liệu thống kê của UBND huyện hiện nay có 232 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ký cam kết bảo vệ môi trường (chiếm 50%), tổng số chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt tỷ lệ trên 60%. Trong chỉ tiêu quy hoạch, xây dựng nghĩa trang đã có 72/77 nghĩa trang của các xã được xây dựng xa khu dân cư; đặc biệt đã có 4 địa phương đã xây dựng nghĩa trang tập trung theo quy hoạch và quy chế quản lý trên cơ sở huy động sức dân. Với những nỗ lực từ chính quyền địa phương và sự thay đổi nhận thức của nhân dân, môi trường sống nông thôn ở các địa phương huyện Ea Kar đã có những chuyển biến đáng kể, tuy nhiên so với yêu cầu của tiêu chí xây dựng NTM thì vẫn chưa đạt. Toàn huyện chỉ có xã Ea Ô đạt tiêu chí số 17 và 3 xã cơ bản đạt là Ea Tyh, Ea Kmút và Ea Pal.

Gian nan đường về “đích”

Qua thực tiễn triển khai, hầu hết các xã đều đánh giá tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó đạt. Để đạt được tiêu chí này, phải đạt 5 tiêu chí: tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Thực tế tại xã Cư Ni cho thấy, mặc dù đã quy hoạch khu chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm tập trung với tổng diện tích gần 13 ha, thế nhưng đến nay chỉ mới có 2 hộ dân chăn nuôi di dời vào khu vực này; trong khi đó toàn xã có trên 30 hộ chăn nuôi nằm trong diện phải vào khu quy hoạch. Về việc xử lý chất thải, ngoài những thôn, buôn nằm trên trục đường chính được hợp đồng với Công ty TNHH Quản lý đô thị và Môi trường Buôn Hồ thu gom rác thì các thôn, buôn còn lại mặc dù có nhu cầu thu gom rác thải sinh hoạt nhưng khi địa phương đứng ra kêu gọi, huy động thành lập tổ dịch vụ thu gom và xử lý chất thải thì không ai đứng ra đảm nhận. Ngoài ra, gần 30 hộ dân ở thôn 4 hiện vẫn đang sống trong cảnh ô nhiễm nguồn nước và không khí do việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức, không đúng quy trình ở cánh đồng và  ô nhiễm từ khu vực nghĩa địa nằm trong khu dân cư; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tắm, nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn còn chiếm phần lớn; hầu hết các cơ sở sản xuất, chăn nuôi cũng không đạt chuẩn về môi trường… Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND xã Cư Ni cho biết: “Cái khó lớn nhất ở địa phương khi triển khai thực hiện tiêu chí môi trường đó là ý thức của người dân. Mặc dù chúng tôi thường xuyên phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn”. Hay như ở xã Xuân Phú, do chưa thành lập tổ thu gom và bãi xử lý chất thải nên hầu hết người dân ở đây đều tự xử lý bằng cách chôn, lấp, một số thiếu ý thức lợi dụng lúc trời tối, vắng người đã đưa rác thải đến bỏ dưới các khe suối, chân cầu. Trên địa bàn xã cũng không có công trình cấp nước sạch tập trung nên người dân phải tự đào, khoan nước giếng, do vậy vào mùa mưa thì người dân lo sợ nguồn nước ô nhiễm, mùa nắng thì khô cạn không đủ phục vụ sinh hoạt. Đặc biệt, địa phương đang gặp khó trong việc thực hiện quy hoạch nghĩa trang tập trung do thiếu nguồn vốn di dời và xây dựng…

Một vấn đề khó hiện nay trong thực hiện tiêu chí môi trường ở huyện Ea Kar là dù đã được xây mới 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung có công suất cấp nước cho trên 3.500 người nhưng hiện nay chỉ mới đưa vào sử dụng 2 công trình và cấp nước cho 535 người sử dụng ở xã Ea Ô và Cư Bông. Được biết, nguyên nhân chính là do nguồn nước sạch cạn kiệt, không khai thác, phục vụ đủ cho nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, do chưa xây dựng điểm tập kết và xử lý chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp như bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật nên người dân vứt bừa bãi ra ao hồ, sông suối hay tại khu vực canh tác gây ô nhiễm nguồn nước; nhiều nơi dù đã tổ chức thu gom được rác thải nhưng lại chưa quy hoạch được bãi lưu giữa và xử lý…

Từ thực tế khó khăn hiện nay của các địa phương ở huyện Ea Kar trong thực hiện tiêu chí về môi trường, để giải được bài toán này cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tập trung hỗ trợ nguồn lực các địa phương, nhất là tập trung vào việc tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng. Có như vậy mới tạo được tiền đề cho việc thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM nói chung và tiêu chí môi trường nói riêng sớm về đích.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.