Multimedia Đọc Báo in

Chống buôn lậu, gian lận thương mại qua mạng Internet

09:06, 25/02/2020

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389), tình hình buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đang xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, đáng nói là vấn nạn gian lận thương mại thông qua mạng Internet diễn ra phức tạp và tinh vi.

Tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh năm 2019 diễn ra mới đây, ông Giao Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh thông tin, phương thức hoạt động của tội phạm đối với hành vi buôn lậu, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.

Chỉ riêng tháng 1-2020, các ngành chức năng của tỉnh đã xử lý 210 vụ, trong đó xử lý hình sự 9 vụ, phạt hành chính hơn 1,6 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm phát hiện được gồm hơn 174 m3 gỗ, 138,5 kg pháo nổ, gần 9.400 bao thuốc lá điếu nhập lậu, 27.000 lít dầu, 28.000 kg phân bón, 600 hộp mỹ phẩm, 8.100 sản phẩm quần áo… 

Cục Quản lý thị trường tỉnh tiêu hủy hàng hóa vi phạm.
Cục Quản lý thị trường tỉnh tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Đáng chú ý, bên cạnh những tiện ích mang lại thì môi trường kinh doanh online đang là kênh thuận lợi để mua bán, tiêu thụ hàng lậu, hàng kém chất lượng… Các đối tượng vi phạm khi rao bán hàng hóa trên mạng xã hội thường quảng cáo là hàng chính hãng, chất lượng nhưng người mua lại rất khó nhận biết. Các đối tượng kinh doanh online thông thường không có điểm kinh doanh cố định. Nếu có nhu cầu mua hàng, khách hàng chỉ cần thực hiện giao dịch, trả tiền hàng cùng với phí vận chuyển, cung cấp địa chỉ và được nhận hàng tận nhà. Do đó khi mua hàng qua mạng, khách hàng không thể nhìn thấy hay kiểm tra được món hàng mình đã đặt lệnh chọn mua. Chính vì hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng và nhận hàng tận nhà nhờ dịch vụ vận chuyển nên cả người bán và người mua đều không hề có một ràng buộc hay kiểm soát nào.

Đáng nói hơn nữa, gần đây trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện thủ đoạn mới là các đối tượng phạm tội lợi dụng hình thức mua bán qua mạng xã hội đã thuê các công ty, dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu cho những người có nhu cầu mà không ghi địa chỉ, thông tin người gửi.

Theo đánh giá của Cục QLTT, việc bán hàng online đang là một thách thức lớn trong công tác quản lý, kiểm soát hàng hóa cũng như quản lý thu thuế của các ngành chức năng. Bởi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính chủ yếu là vận chuyển hàng hóa chứ không thể kiểm soát được chất lượng hàng hóa cũng như hóa đơn của các đơn vị kinh doanh qua mạng. Cục QLTT đang tập trung theo dõi để xác minh, thu thập chứng cứ, xử lý các hành vi vi phạm ở lĩnh vực này.

Tuy nhiên, đây lại là vấn đề không dễ. Bởi với đặc thù của việc giao dịch qua mạng Internet như đã nói ở trên, việc phát hiện, xử lý vi phạm quyền sở hữu về nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả... của cơ quan chức năng là rất khó. Chưa kể, trên môi trường mạng thì việc xác định đối tượng vi phạm hầu như là điều không thể, khi mà tất cả các thông tin về người bán và người mua gần như được ẩn danh và bảo mật bởi các đơn vị chủ trang thương mại điện tử. Các thông tin về việc giao dịch hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được mã hóa hoặc được trao đổi trực tiếp giữa các bên mua và bán, dẫn đến việc xác minh hành vi xâm phạm rất khó.

Trong khi đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử, cộng với quy định pháp luật chưa hoàn thiện, lực lượng chức năng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc xử lý các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực này… khiến việc xác định tổ chức, cá nhân vi phạm, thu thập chứng cứ về yếu tố xâm phạm và xác định giá trị hàng hóa xâm phạm không kém phần gian nan.

Xu hướng mua hàng online đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Xu hướng mua hàng online đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Trước nhiều mối nguy trên thì công tác thực hiện chống  buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn càng phải được tập trung đẩy mạnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh Nguyễn Tuấn Hà yêu cầu, các lực lượng chức năng của tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm, nhất là gian lận thương mại trên mạng xã hội, ứng dụng thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn.

Để thực hiện có hiệu quả công tác trên thì cần thường xuyên nắm bắt diễn biến thị trường, nâng cao hiệu quả công tác dự báo, chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của thị trường. Đặc biệt, kịp thời nắm bắt các phương thức, thủ đoạn hoạt động của gian thương để xây dựng phương án đối phó, triển khai đấu tranh có hiệu quả. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh, lực lượng QLTT cùng với các lực lượng chức năng liên quan, chính quyền các địa phương cần chú trọng tăng cường công tác phối hợp để kịp thời nắm bắt, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi vi phạm.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.