Multimedia Đọc Báo in

Tạo điều kiện để doanh nhân cựu chiến binh phát triển sản xuất, kinh doanh

09:03, 18/08/2017
Sau hơn một năm khảo sát và chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết, Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Đắk Lắk tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 2017 – 2022).
 
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh PHẠM NGỌC NGHỊ xung quanh sự kiện này.

Đồng chí đánh giá như thế nào về việc thành lập Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Đắk Lắk?

Chủ trương tán thành và cấp phép thành lập Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Đắk Lắk xuất phát từ nhu cầu thực tế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cựu chiến binh một thời băng qua khói lửa chiến tranh, nay về với đời thường vẫn nuôi khát vọng xây dựng cuộc sống mới, hăng hái lao động sản xuất - kinh doanh, nhiều đồng chí đang làm chủ doanh nghiệp, trang trại, nông trại và các cơ sở sản xuất kinh doanh, luôn làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước và làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Nhằm phát huy tốt hơn nữa khả năng của những doanh nhân là cựu chiến binh, trong tình hình  mới, những doanh nhân này cần có một tổ chức có thể tập hợp họ lại để mở rộng giao lưu, hợp tác, hỗ trợ nhau về chuyên môn, kỹ thuật trên tinh thần đoàn kết cùng phát triển. Vì vậy, việc ra đời một tổ chức như Hội Doanh nhân cựu chiến binh theo tôi là rất kịp thời và cần thiết, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhiều doanh nhân cựu chiến binh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị (thứ 2 từ phải sang) thăm Công ty Cổ phần thủy điện Tam Long.  Ảnh: M. Thông
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị (thứ 2 từ phải sang) thăm Công ty Cổ phần thủy điện Tam Long. Ảnh: M. Thông

Trên phương diện quản lý nhà nước, tỉnh sẽ có sự hỗ trợ như thế nào đối với Hội, thưa đồng chí?

Có thể nói, doanh nhân là cựu chiến binh cũng như mọi thành phần kinh tế khác, đều nhận được sự hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách của các cấp, các ngành. Riêng những cựu chiến binh là doanh nhân càng đáng trân trọng hơn, không chỉ bởi họ đã cống hiến một phần xương máu cho Tổ quốc, mà hơn thế để có thể trở thành doanh nhân thành đạt, những cựu chiến binh cũng phải có sự nỗ lực rất lớn. Ngoài ra theo tôi được biết, rất nhiều doanh nhân không chỉ phát triển sản xuất kinh doanh, làm  giàu cho bản thân, gia đình mình mà còn tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế của địa phương và cả nước. Đặc biệt, nhiều doanh nhân đã có nhiều đóng góp, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cựu chiến binh, cựu quân nhân khó khăn, tham gia có hiệu quả các hoạt động nhân đạo, từ thiện... Vì vậy, thay mặt UBND tỉnh, tôi cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về cơ chế, chính sách, hỗ trợ đầu tư phát triển nhằm giúp cho cựu chiến binh là doanh nhân sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị (bìa phải) thăm mô hình sản xuất của một doanh nghiệp  trên địa bàn huyện Ea Súp.   Ảnh: V. Tiếp
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị (bìa phải) thăm mô hình sản xuất của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Ea Súp. Ảnh: V. Tiếp

Đồng chí kỳ vọng như thế nào về Đại hội Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Đắk Lắk lần thứ I (nhiệm kỳ 2017 – 2022)?

Trước hết, tôi xin chúc mừng cộng đồng doanh nhân là cựu chiến binh đã chính thức có một tổ chức riêng của mình để sinh hoạt, hoạt động. Tôi mong muốn Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh sẽ xây dựng được điều lệ, phương hướng hoạt động phù hợp với thực tế, thực sự là nơi để hợp tác, phát triển, hội nhập, đồng thời phát huy và gắn kết những doanh nhân là cựu chiến binh, tạo nên sức mạnh đoàn kết. Muốn làm được điều đó, theo tôi, Hội phải thường xuyên tổ chức tìm hiểu năng lực, phát huy thế mạnh của từng hội viên; cập nhật thông tin, giới thiệu cơ hội làm ăn thích ứng với nhu cầu thị trường, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật... tạo thành chỗ dựa vững chắc cho hội viên. Cùng với đó, Hội phải trở thành cầu nối với các hội đoàn thể, Hiệp Hội Doanh nghiệp của tỉnh và các tỉnh bạn để hội viên có điều kiện giao lưu học tập kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội liên doanh, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh. Hội nên thường xuyên phát động các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh sôi nổi, hiệu quả, từ đó từng bước phát triển, tập hợp hội viên để liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau về mọi mặt trên tinh thần đồng đội, nhất là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Xin cảm ơn đồng chí!

Giang Nam  (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.