Multimedia Đọc Báo in

Đề án chống thất thu thuế kinh doanh nông sản: Đẩy mạnh công tác giám sát doanh thu của doanh nghiệp

09:00, 04/08/2017

Ngay khi Nhà nước đưa mặt hàng nông sản vào diện không phải kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra khiến việc quản lý thuế các doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong lĩnh vực này chỉ còn tập trung vào thuế thu nhập DN (TNDN), ngành Thuế tỉnh đã xây dựng các đề án chống thất thu trong lĩnh vực này.

Đầu tiên phải kể đến Đề án số 1438/ĐA-CT, ngày 22-5-2014 về giám sát giá mua vào ghi trên bảng kê của DN. Tuy nhiên, do đề án chỉ mang tính vận động chứ không mang tính pháp lý nên bảng kê mua hàng trực tiếp từ nông dân của các DN đạt ngưỡng quá thấp, không sát với thực tế kinh doanh. Để khắc phục nhược điểm trên, ngày 24-3-2015, Cục Thuế tỉnh đã triển khai Đề án 521/ĐA-CT về đổi mới công tác tổ chức thu để nâng cao hiệu quả chống thất thu thuế TNDN đối với hoạt động kinh doanh cà phê mua theo bảng kê. Đề án này không chỉ hạ ngưỡng tỷ suất thu nhập chịu thuế/doanh thu từ 0,3% xuống 0,2% mà còn thực hiện phân nhóm DN để có sự theo dõi chặt chẽ đối với nhóm DN có rủi ro cao; lập dự kiến thu để trong trường hợp tỷ suất thu nhập chịu thuế/doanh thu dưới ngưỡng 0,2% sẽ có biện pháp đấu tranh, hiệp thương.

Một  doanh nghiệp kinh doanh  cà phê  tại huyện  Cư Kuin.
Một doanh nghiệp kinh doanh cà phê tại huyện Cư Kuin.

Điều đáng nói Đề án 521 là nền tảng căn bản để Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách Nhà nước xây dựng 1 trong 9 đề án chống thất thu trọng tâm từ nay đến cuối năm. Hơn nữa, đây cũng là đề án được đánh giá có những biện pháp khá mạnh trong việc chống thất thu thuế kinh doanh nông sản trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận thấu đáo, khách quan, Đề án 521 lại bộc lộ khá nhiều vấn đề cần khắc phục. Trước hết, để bảo đảm thực hiện đúng các quy định hiện hành, việc “áp” ngưỡng tỷ suất thu nhập chịu thuế/doanh thu xuống 0,2% như đề án đưa ra, đòi hỏi phải có cả quá trình theo dõi, kiểm tra của ngành Thuế. Bởi như một cán bộ ngành Thuế cấp chi cục thừa nhận, hiện nay nhiều chi cục thuế đang “áp” ngưỡng chịu thuế 0,2% một cách áp đặt, thậm chí nếu không cẩn thận sẽ không phù hợp với các quy định liên quan. Bởi theo quy định, trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện DN có sai phạm trong kê khai bảng kê, kê khai tỷ suất thu nhập chịu thuế không đúng thực tế… thì ngành Thuế mới được phép “áp” ngưỡng chịu thuế 0,2%. Còn khi lập dự kiến thu trong trường hợp tỷ suất thu nhập chịu thuế/doanh thu dưới ngưỡng 0,2% để đấu tranh, hiệp thương cũng đòi hỏi phải qua thực tế kiểm tra, theo dõi DN. Thế nhưng, việc theo dõi, kiểm tra tất cả DN kinh doanh nông sản hiện nay là không dễ do nguồn nhân lực làm công tác này chưa bảo đảm. Cùng với đó, việc giá nông sản không ổn định cũng tạo điều kiện thuận lợi để DN “lách luật” gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc kiểm soát tỷ suất lợi nhuận.

Có thể thấy, ngưỡng chịu thuế 0,2% chỉ mang tính kỹ thuật, mục đích của việc thiết lập ngưỡng này là nhằm phòng ngừa, kiểm soát, xử lý việc kê khai tăng giá mua nhằm gian lận thuế. Có nghĩa là, việc nộp thuế TNDN vẫn dựa trên kết quả kinh doanh của DN như pháp luật đã quy định, nhưng kết quả kinh doanh ấy ra sao vẫn do DN quyết định thông qua khai báo. Và như vậy, chắc chắn việc chống thất thu trong lĩnh vực này sẽ còn nhiều khó khăn nếu như không đẩy mạnh công tác giám sát doanh thu của doanh nghiệp.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.