Multimedia Đọc Báo in

Tìm hướng phát triển bền vững cho cây điều ở Quảng Hiệp (Cư M'gar)

20:27, 12/05/2017

Cách đây không lâu, nhiều nông dân ở xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) chặt bỏ cây điều để  trồng các loại cây lâu năm khác, nhưng nay do giá hạt điều tăng cao, nông dân đã quay lại với cây điều...

Những ngày này, nông dân trong xã đang bước vào cuối vụ thu hoạch điều. Mùa điều năm nay đến với bà con cùng nhiều niềm vui vì giá cao hơn hẳn so với mọi năm. Chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Hiệp Đoàn) tỏ ra phấn khởi bởi giá điều tươi tăng lên 40.000- 42.000 đồng/kg (tăng gần 20 ngàn đồng/kg so với những năm trước đây); với 3 ha điều, dự tính chị thu được gần 4,5 tấn quả tươi, trừ chi phí cũng lãi trên 150 triệu đồng. Lão nông Võ Công Hùng (thôn Hiệp Thành), là một trong những hộ có diện tích trồng điều lớn nhất, nhì xã, hơn 12 ha, với năng suất đạt trên 1 tấn quả/ha cũng mang về cho gia đình ông một khoản thu kha khá.  

Giá điều tăng cao khiến người dân như “mở cờ” trong bụng, háo hức chờ từng ngày quả chín. Niềm vui là có thật và đã trở lại trên vùng đất một thời tưởng chừng như đã “quay lưng” với cây điều này. Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch UBND xã cho biết, điều từng được coi là cây trồng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nơi đây, thậm chí có không ít hộ giàu lên nhờ cây điều, thế nhưng 10 năm gần đây do giá xuống thấp cộng với ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, sâu bệnh nhiều, năng suất thấp nên nhiều nông dân đã chặt bỏ cây điều để chuyển sang trồng cao su, cà phê, tiêu…

Theo thống kê của UBND xã Quảng Hiệp, những năm trước đây diện tích cây điều trên địa bàn xã phát triển mạnh, thời kỳ cao điểm lên tới 1.000 ha, chủ yếu tập trung ở các thôn Hiệp Đoàn, Hiệp Thành, Hiệp Tiến. Hiện nay diện tích cây điều giảm mạnh, chỉ còn khoảng  300 ha. Giống điều được trồng ở đây phần lớn là giống thực sinh, chỉ một số ít là điều cao sản.

Người dân xã Quảng Hiệp đang thu hoạch hạt  điều

Vụ điều năm nay, giá tăng cao đột ngột làm không ít người tiếc rẻ, nhất là những ai đã từ bỏ cây điều trong thời kỳ mất giá. Chị Thủy cho biết thêm, trước đây nhà chị có hơn 4 ha điều, chủ yếu được trồng từ năm 1998. Trong những năm giá hạt điều rớt thê thảm chị đã chuyển hơn 1/3 diện tích để đào ao và trồng cây khác. Hiện tại, chỉ cần 1 ha điều cũng cho thu nhập bằng mấy năm trước làm gần 3 ha. Trong khi đó, đi kèm với niềm vui được giá, ông Lê Thế Luật (thôn Hợp Tiến) cũng cảm thấy tiếc nuối vì đã  phá bỏ hơn 1 ha điều để trồng cây khác, giờ chỉ còn gần 2 ha điều lại không được đầu tư, chăm sóc tốt nên năm nay ông Luật chỉ thu được gần 3 tấn hạt điều tươi.    

Trên thực tế, ở xã Quảng Hiệp, điều từng được coi là cây xóa đói, giảm nghèo vì dễ trồng; ít tốn công, chi phí chăm sóc; phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đầu ra lại thuận lợi... Một thời gian dài, giá không ổn định, năng suất sụt giảm, nhiều hộ đã nóng vội chặt bỏ cây điều. Cho đến gần đây, khi giá điều bất ngờ tăng cao, nhiều nông dân dự định sẽ khôi phục lại diện tích trồng điều...  

Thiết nghĩ, trong điều kiện một số cây trồng chủ lực của tỉnh liên tục biến động về giá, để không lặp lại điệp khúc “trồng - chặt, chặt – trồng” thì người nông dân cần phải tỉnh táo, cẩn trọng khi đưa ra quyết định trồng cây gì, sao cho hiệu quả nhằm tránh rủi ro. Bên cạnh đó, hộ trồng điều rất cần sự định hướng, phổ biến khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh, từng bước thay thế bằng các giống điều cho năng suất chất lượng cao, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu… từ phía các ngành chức năng.



Đỗ Lan
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.