Multimedia Đọc Báo in

Thua thiệt vì thiếu thông tin thị trường

11:13, 10/02/2017

Tình trạng bà con nông dân thất thu do không nắm được thông tin thị trường, điệp khúc “được mùa mất giá” hoặc đầu tư xong thì thị trường bão hòa nên mất trắng cứ lặp lại. Làm thế nào để đưa nông dân thoát khỏi tình trạng này vẫn là câu hỏi đặt ra mà chưa có lời giải !?

Những ngày cuối năm 2016, nhiều nông dân tại các các huyện trong tỉnh như Krông Pắc, Cư M’gar, Buôn Đôn… ngậm ngùi chua xót khi giá heo hơi xuống thê thảm, vụ heo Tết coi như “vỡ trận”, dù trước đó họ đã dành rất nhiều kỳ vọng.

Mất cân đối cung - cầu

Hơn 1 tháng trước Tết âm lịch 2017, giá heo hơi từ 48.000 đồng/kg đã hạ xuống 35.000 đồng/kg, thậm chí, thời điểm giáp Tết, giá chạm đáy còn 25.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Văn Kim (thôn Phước Hòa 4, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc) rầu rĩ cho hay, anh mới xuất chuồng hơn 80 con heo thịt với giá chưa đến 30.000 đồng/kg, tính ra lỗ mất vài chục triệu. Chừng 3 năm về trước, mỗi vụ nuôi heo Tết mang về thu nhập cho gia đình anh khoảng 100 triệu đồng thì năm nay, cứ mỗi con heo xuất chuồng lỗ khoảng 1 triệu đồng, ai may mắn xuất chuồng trước Tết 2 tháng thì coi như huề vốn.

Nghề nuôi nhím gần đây không còn sôi động  vì  giá rớt sâu.
Nghề nuôi nhím gần đây không còn sôi động vì giá rớt sâu.

Thông thường dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt cao, heo hơi cũng được giá. Hy vọng một cái Tết tươm tất, nhiều hộ cố gắng gây đàn để xuất bán trong dịp này. Thế nhưng, chẳng ai ngờ năm vừa qua giá rớt không có điểm dừng. Ngay chính người nuôi heo có quy mô và đã có sẵn nhiều “mối lái” để xuất đi các tỉnh Phú Yên, Bình Định như chị Lê Thị Hồng Vân (thôn Tân Lập 3, xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc) cũng thừa nhận, nếu tính về thu nhập từ nghề nuôi heo thời điểm này thì rất đau xót! Chị Vân cho biết, để tăng số lượng heo bán trong dịp Tết Nguyên đán 2017, trước đó chị đã có kế hoạch gây đàn tăng 30% so với mọi năm với kỳ vọng trúng mùa, được giá. Thế nhưng, cuối năm vừa qua, thương lái không nhập hàng nhiều như trước vì nghe đâu đầu ra các tỉnh khác đã ngưng lại, thôi không mua heo.

Cảnh hàng hóa ế thừa mà không có nơi tiêu thụ như vụ heo Tết vừa qua đã không còn là chuyện lần đầu xảy ra trên địa bàn tỉnh, đẩy người chăn nuôi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”. Trước đó, từng có thời điểm, nghề nuôi nhím gặp thời hoàng kim khi giá nhím có lúc đến 30 triệu/cặp giống, còn nhím hơi bán ra ở mức 800.000 đồng/kg, mà không có đủ hàng để bán. Thời điểm đó, nhím được coi là vật nuôi mang lại nguồn thu nhập “khủng” cho bà con nông dân. Đầu những năm 2009, phong trào nuôi nhím phát triển rầm rộ tại các địa phương trong tỉnh, nhiều nhất là ở TP. Buôn Ma Thuột. Chỉ mấy năm nuôi nhím mà thu nhập cao gấp mấy lần so với các mô hình khác. Nhưng chưa đầy 3 năm sau, giấc mơ đổi đời nhờ nhím của nhiều nông dân đã không còn nữa khi giá “rớt” đến thê thảm. Cuối năm 2011, giá nhím giống tụt dốc đến mức chẳng ai ngờ, chỉ còn 3 triệu/cặp (mỗi con khoảng 3-4 kg), giá nhím hơi thì ở mức 200-250.000 đồng/kg khiến việc nuôi nhím không còn hấp dẫn nữa. Thậm chí, nhiều hộ chăn nuôi nhím rơi vào cảnh đứng ngồi không yên.

Nông dân mù mờ thông tin thị trường

Trong sản xuất nông nghiệp, giá cả bấp bênh có nguyên nhân từ chính việc ồ ạt sản xuất mà không cập nhập, dự đoán được nhu cầu thị trường, từ đó dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm bế tắc đầu ra. Ông Trần Ba, Trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Krông Pắc cho hay, khác với trước đây, nuôi heo bây giờ được đầu tư bài bản về chuồng trại, xử lý chất thải, kiểm soát tốt dịch bệnh… nên số lượng đàn heo của huyện vẫn giữ ổn định và cho năng suất cao. Tuy nhiên, thời điểm này, lượng tiêu thụ trên địa bàn có hạn nên cung vượt cầu khiến heo rớt giá thảm hại cũng là điều dễ hiểu.

Cơ sở chăn nuôi heo của gia đình anh Nguyễn Văn Kim.
Cơ sở chăn nuôi heo của gia đình anh Nguyễn Văn Kim.

Trên thực tế, một trong những khó khăn lớn nhất của nông dân là thiếu thông tin ngay chính cây trồng, vật nuôi do mình làm ra. Họ sản xuất theo kiểu tù mù thông tin về thị trường tiêu thụ, nhu cầu tiêu dùng, các kênh phân phối, xu hướng sản phẩm… dẫn đến điệp khúc “được mùa mất giá” lại xảy ra.

Đáng tiếc hơn, do chưa hiểu nhiều về thị trường tiêu thụ khiến người nuôi không nắm được xu hướng tiêu dùng để xây dựng sản phẩm phù hợp. Vụ heo Tết vừa qua thất bát cũng có nguyên nhân do nhiều hộ cứ cố giữ heo lại để dưỡng cho tăng trọng nhưng ngược lại với mọi khi, thương lái đợt này lại “chuộng” heo có trọng lượng từ 70-80 kg chứ đối với những con heo trên 1 tạ thì rất khó bán.

Để bảo đảm sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ thì sản phẩm phải bám sát tín hiệu thị trường, khi có nhu cầu thì mới nảy sinh yêu cầu về sản xuất và nguồn cung. Vấn đề đáng bàn ở chỗ, ai là người giúp nông dân nhận biết tín hiệu thị trường và hoạch định chiến lược sản xuất? 

Thời gian qua, một số ngành chức năng, cơ quan liên quan của tỉnh cũng đã có nhiều hoạt động để định hướng sản xuất, tổ chức các mô hình kinh tế hiệu quả để nông dân học tập và làm theo, nhưng dường như hiệu quả từ các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được như mong đợi.

Vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm và sản xuất theo nhu cầu của thị trường là vô cùng cần thiết đối với nông dân để tránh tình trạng sản xuất theo kiểu tù mù về thông tin… Trong đó, việc tìm hiểu thông tin về thị trường để định hướng sản xuất là vấn đề hết sức quan trọng và cần phải làm ngay. Để làm được điều này thì đòi hỏi trách nhiệm, sự tâm huyết của các sở, ngành, cơ quan liên quan trong việc theo sát nông dân để thông tin, cung cấp kiến thức về kinh tế thị trường nông nghiệp, nông thôn… Có như vậy thì sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, tình trạng người nông dân “tự bơi” trong cơ chế thị trường như hiện nay may ra mới có hy vọng được chấm dứt...

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.