Multimedia Đọc Báo in

Thêm hướng đi để gia tăng giá trị cà phê Buôn Ma Thuột

08:50, 01/01/2017

Mặc dù khu vực cà phê Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Buôn Ma Thuột có diện tích trên 100.000 ha với sản lượng hằng năm hơn 46 nghìn tấn, nhưng số lượng được thương mại chỉ mới chiếm một phần rất nhỏ. Việc khuyến khích sử dụng logo CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột trên các sản phẩm cà phê rang xay được xem là hướng đi triển vọng để nâng cao hiệu quả trong quảng bá, thương mại hóa.

Khó khăn đặc thù

Cà phê Robusta là mặt hàng xuất khẩu chủ lực đóng góp 35% GDP, 85% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường nhưng cà phê mang CDĐL được xuất khẩu chiếm tỷ lệ còn khá khiêm tốn, chỉ 0,02% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Trong năm 2015-2016, tổng sản lượng cà phê nhân tiêu thụ khoảng 6.400 tấn, phần lớn ở các thị trường mới nổi, giá trị tăng thêm bằng giá trị tăng thêm của các loại cà phê có chứng nhận khác. Trong số 10 doanh nghiệp (DN) được cấp quyền sử dụng CDĐL Buôn Ma Thuột, mới chỉ có Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk xuất khẩu cà phê nhân có CDĐL Buôn Ma Thuột với hệ thống nhận diện cà phê có CDĐL Buôn Ma Thuột (logo) được thể hiện trên hợp đồng mua bán và trên bao bì đựng sản phẩm, nhưng số lượng cũng như giá trị tăng thêm không đáng kể, chủ yếu bán trực tiếp cho những nhà rang xay.

Các sản phẩm cà phê CDĐL Buôn Ma Thuột được quảng bá, trưng bày tại hội chợ triển lãm Thái Lan,  vào tháng 8-2016.
Các sản phẩm cà phê CDĐL Buôn Ma Thuột được quảng bá, trưng bày tại hội chợ triển lãm Thái Lan, vào tháng 8-2016.

Ngoài nguyên nhân phải cạnh tranh với các loại cà phê có chứng nhận vốn đã được các tập đoàn thương mại xuyên quốc gia cam kết mua, cà phê CDĐL Buôn Ma Thuột còn gặp khó bởi trong thị trường rang xay trên thế giới, Robusta chỉ là thành phần pha trộn nên sản phẩm cà phê có CDĐL Buôn Ma Thuột chưa phải là nhu cầu thực sự của nhà nhập khẩu. Một trong những điểm yếu của CDĐL là chỉ bảo hộ cho cà phê nhân, thương mại cho cà phê nhân nên nhu cầu nhận diện nhận biết cho một loại cà phê trung gian chưa đến tay người tiêu dùng gần như là không cần thiết.

Từ thực tế của việc tìm kiếm thị trường cho cà phê có CDĐL không hề dễ dàng, để mở rộng bảo hộ cho các loại cà phê chế biến, đưa sản phẩm có nhận diện CDĐL đến tay người tiêu dùng thì phải qua con đường cà phê rang xay và các loại cà phê chế biến sâu khác. Qua hơn 1 năm vận động, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã thành lập Chi hội các nhà rang xay Buôn Ma Thuột và đưa logo CDĐL Buôn Ma Thuột lên sản phẩm cà phê rang xay.

Triển vọng từ hướng đi mới

Tại cuộc tọa đàm “Đánh giá tiến độ triển khai kế hoạch kiểm soát chất lượng, xác định những khó khăn và hướng ưu tiên phát triển CDĐL Cà phê Buôn Ma Thuột trong tương lai” mới được tổ chức ở TP. Buôn Ma Thuột, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết: “Từ khi Chi hội rang xay ra đời và đưa logo lên sản phẩm cà phê rang xay thì cơ hội quảng bá cho CDĐL được nhiều hơn. Bởi với cà phê nhân, gần như là không tìm được cách thức nào để quảng bá, chỉ thông qua các nhà xuất khẩu, nhưng không hiệu quả vì người tiêu dùng không quan tâm. Hiệp hội phối hợp Chi hội rang xay đã tham gia một số hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước với sự góp mặt của nhiều đơn vị như: Công ty CP&PT An Thái, Cơ sở cà phê bột Phượng, Hợp tác xã dịch vụ công bằng Ea Kiết, Công ty TNHH cà phê 15, Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco), Công ty CP sản xuất cà phê bột Trung Hòa, Công ty CPĐT XNK Đắk Lắk (Inexim)... 

Việc thành lập nhà rang xay để thống nhất tiêu chí về chất lượng, quy định sử dụng logo, quá trình kiểm soát nội bộ, quảng bá thương mại để đưa CDĐL thực sự đến tay người tiêu dùng là quá trình chuyển biến về nhận thức và phía Hiệp hội cũng đang có những bước đi thận trọng. Cũng theo ông Trịnh Đức Minh, để chuẩn bị cho sự bảo hộ cũng như tìm lối ra mới cho cà phê CDĐL là qua các nhà rang xay còn đặt ra nhiều vấn đề về pháp lý. Bởi trong điều kiện pháp lý chưa hoàn chỉnh, có nghĩa là bảo hộ đến đâu thì quản lý đến đó, và về mặt pháp lý chúng ta chỉ mới bảo hộ cà phê nhân, thì nảy sinh vấn đề là có được quyền ra các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, quy chế sử dụng cho các nhà rang xay hay không, ai cấp quyền đó? Cho tới nay mới có 2 tiêu chuẩn kỹ thuật cho cà phê bột và cà phê hòa tan do Bộ Khoa học - Công nghệ đưa ra vào giữa năm 2016. Để đến tay người tiêu dùng, tiêu chuẩn về kỹ thuật này chưa đủ mà phải có tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng đã 2 năm nay Bộ Y tế vẫn chưa thông qua. Hiện nay, Hiệp hội mới chỉ đang khuyến khích các nhà rang xay sử dụng logo trong nội bộ thông qua tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chí được các thành viên trong Hiệp hội thống nhất và cũng chỉ mang tính chất quản lý nội bộ. Để mang tính pháp lý, quy định về tiêu chuẩn cho cà phê rang xay cũng như quy chế sử dụng logo CDĐL Buôn Ma Thuột trên sản phẩm cà phê rang xay cần sớm được ban hành từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. 

Việc ra đời Chi hội các nhà rang xay cũng góp phần kết nối giữa những công ty sản xuất cà phê nhân CDĐL với các nhà rang xay có sử dụng logo. Trong năm 2016, cà phê nhân mang CDĐL đã được các đơn vị sản xuất bán cho nhà rang xay nội địa khoảng 580 tấn, tuy nhiên giá trị tăng thêm chưa đáng kể, chủ yếu ở bước khởi đầu là để quảng bá. 

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc