Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin chủ động phòng trừ sâu bệnh cho hồ tiêu

10:25, 11/07/2016
Cư Kuin là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn và tăng nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng là địa bàn có diện tích tiêu bị dịch bệnh chết nhiều so với toàn tỉnh.
 
Huyện Cư kuin hiện có khoảng 3.426 ha hồ tiêu, gồm 2.294 ha trồng thuần, 1.132 ha trồng xen quy đông đặc trong các vườn cây lâu năm, trong đó diện tích tiêu kinh doanh là 2.045 ha, năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/ha. Theo thống kê, trên địa bàn huyện trong năm 2015 có tới 14,46 ha tiêu chết do bệnh chết nhanh, chết chậm. Đây là loại bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa và bùng phát vào mùa khô. Nguyên nhân chủ yếu do các loại dịch hại như tuyến trùng và nấm bệnh gây ra và khi phát bệnh thì không thể chữa trị, chỉ có thể phá bỏ cây tiêu bị bệnh để trồng lại.
 
Ông Lê Thanh Thảo ở xã Ea Hu, huyện Cư Kuin cho hay, gia đình ông có vườn tiêu trên 1000 gốc nhưng 2 năm trước cây có hiện tượng vàng lá, chết dần dần hết, không thể cứu chữa. Gia đình ông đành phá bỏ, xử lý lại đất để trồng mới. Để phòng trừ sâu bệnh và ngập úng cho tiêu, ngay từ trước khi vào mùa mưa gia đình ông đã thuê máy múc về múc mương thoát nước xung quanh vườn, tạo nhiều lối thoát nước cho tiêu. Tương tự, ông Lê Bật Long ở thôn 7, xã Ea Ning cho biết, gia đình ông có 1 ha tiêu. Năm ngoái vườn tiêu nhà ông bị bệnh chết khoảng 400 cây, chủ yếu do nấm và thối rễ. Năm nay, ngay từ đầu mùa mưa gia đình ông đã thuê máy về múc mương xung quanh vườn để thoát nước, đồng thời bón vôi, phân và xịt thuốc trừ sâu cho gốc tiêu để phòng trừ sâu bệnh. 
 
Theo ông Hồ Sỹ Nguyên, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Cư Kuin , hiện tượng dịch bệnh này là do vài năm gần đây diện tích tiêu tăng nhanh đột biến, đa số diện tích trồng mới chưa được người dân chú ý cải tạo đất, xử lý mầm bệnh và không được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật khiến các loại nấm gây bệnh chết nhanh, chết chậm như Phytophthora sp, Pythium, Fusarium sp, Rhizoctonia sp… gây hại bộ rễ phát triển mạnh, làm tiêu chết hàng loạt. Để giúp nông dân chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên cây tiêu, phòng đã thường xuyên tổ chức những đợt tập huấn về kỹ thuật trồng tiêu và hướng dẫn cách chống dịch bệnh cho cây tiêu. Cùng với đó, phòng cũng cử cán bộ đến các xã huấn luyện cho cán bộ khuyến nông cũng như bà con nông dân cách xử lý đất trước khi trồng tiêu, cách chọn giống, cách trồng và chăm sóc cây tiêu ở các giai đoạn phát triển, …
 
Ông Nguyên cũng cho biết, mới đây Phòng NN - PTNT huyện đã phối hợp với Phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật – Sở NN - PTNT) thực hiện mô hình điểm phòng trừ bệnh vàng lá chết nhanh và bệnh vàng lá chết chậm trên cây tiêu tại thôn 3, xã Ea Bhôk. Mô hình nhằm mục đích hướng dẫn bà con nông dân cách chọn giống không bị nhiễm bệnh và các giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng như giống tiêu Vĩnh Linh, Ấn Độ, tiêu sẻ…; thực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật, đồng thời xử lý giống trước khi trồng bằng thuốc Pseudomonas phòng bị nhiễm nấm.
 
Để chủ động phòng trừ sâu bệnh cho cây hồ tiêu, ông Nguyên khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp canh tác như: chọn đất thoát nước tốt, đất có mực nước ngầm sâu, đất có hàm lượng đất sét thấp; làm đất kỹ, dọn sạch tàn dư thực vật; thường xuyên cắt tỉa những cành vô hiệu, cành lươn, cành sát mặt đất để tạo độ thông thoáng cho vườn cây. Vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom tàn dư cây bệnh đi tiêu hủy để tránh lây lan; nên trồng cây họ đậu giữa hàng tiêu, không trồng xen cây họ cà, bí đỏ. Bên cạnh đó cần thiết kế rãnh thoát nước trong các hàng tiêu, xung quanh vườn hồ tiêu, phá bỏ các bờ ngăn nhằm giúp thoát nước trong mùa mưa, tránh để ứ đọng nước trong bồn.
 
Khả Ngân

Ý kiến bạn đọc