Multimedia Đọc Báo in

Vay mua nhà ở xã hội lãi suất 4,8% - đến bao giờ?

09:52, 29/06/2016

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1013/QĐ-TTg năm 2016 về lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ để hỗ trợ những đối tượng khó khăn về nhà ở, nhưng nhiều dấu hỏi về tính khả thi cũng đang đặt ra.

Tín hiệu vui

Theo Quyết định 1013, đối tượng được vay ưu đãi là người thu nhập thấp, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức… Người mua, thuê nhà ở xã hội sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Lãi suất cho vay ưu đãi là 4,8%/năm, tương đương 0,4%/tháng. Đối với khoản nợ quá hạn, lãi suất được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên; trường hợp khách hàng vay muốn vay với thời hạn ngắn hơn có thể thỏa thuận với ngân hàng. Nhiều ý kiến đánh giá Quyết định số 1013 là kịp thời bởi những người mua nhà ở xã hội là những đối tượng có nhu cầu thật. Hơn nữa, với lãi suất thấp hơn cả gói 30 nghìn tỷ đồng (theo Nghị quyết 02 của Chính phủ) thì những gia đình có thu nhập thấp mới có cơ hội để thỏa mãn nhu cầu nhà ở. Anh Lê Hồng Quang (giáo viên một trường THPT trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, hiện nay gia đình gồm 4 thành viên đang phải ở cùng mẹ và em vợ nên phải chịu cảnh chật chội và bất tiện trong sinh hoạt. Do vậy nếu khoản vay theo Quyết định 1013 được triển khai tại Đắk Lắk, anh sẽ có cơ hội “ra riêng”. Rõ ràng, mức lãi suất 4,8%/năm đã mở ra  hy vọng để mua nhà của người thu nhập thấp.

Còn đó những khó khăn

Theo đại diện NHCSXH tỉnh, ngay khi Quyết định 1013 có hiệu lực, đơn vị đã chuẩn bị về nhân lực và xây dựng các quy trình nội bộ sẵn sàng thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, theo vị đại diện này, đến nay đã hết tháng 6, nhưng ngân hàng vẫn chưa có vốn để triển khai chương trình và... chưa biết khi nào có vốn. Bởi theo quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ, nguồn vốn cho vay sẽ được lấy từ ngân sách Nhà nước, nhưng hiện ngân sách đang khó khăn. Trong khi tiền chưa có, một khó khăn nữa đang thách thức tính khả thi của Quyết định 1013 là thời hạn triển khai chỉ đến hết năm 2016, bởi trong quyết định không cho thấy việc gia hạn thời gian triển khai. Như vậy, chỉ còn hơn 5 tháng nữa là kết thúc chương trình cho vay ưu đãi này, nhưng hiện vẫn chưa biết nguồn vốn cấp cho NHCSXH sẽ lấy từ đâu. Với một thời gian triển khai ngắn như vậy, lại phải đáp ứng cho nhu cầu được dự đoán là rất lớn thì áp lực vốn lại càng tăng lên. Từ đó sẽ phát sinh nhiều vấn đề do áp lực cung - cầu quá chênh lệch.

Hiện nay nhiều người dân đang trông chờ và kỳ vọng vào gói tín dụng mới này, vì vậy chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội nếu sớm được thực hiện sẽ phát huy tác dụng lớn đối với đời sống xã hội. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp để chủ trương sớm đi vào cuộc sống.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc