Multimedia Đọc Báo in

Cần cơ chế phù hợp trong vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân

09:19, 13/06/2016

Những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp nhiều nông hộ đầu tư phát triển kinh tế có hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn không ít nông dân gặp khó khăn khi sử dụng nguồn vốn này.

Ông Nguyễn Văn Đức (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đầu tư trên 200 triệu đồng để xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Hiện tại, gia đình ông đang có trên 1.000 con gà và 40 con dê sinh sản. Nhận thấy chăn nuôi mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, ông muốn đầu tư phát triển thêm nhưng thiếu vốn. Năm 2013, Hội nông dân xã Hòa Phú đã xét cho gia đình ông vay vốn 25 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Theo ông Đức, số tiền này chưa đủ để xây dựng thêm chuồng trại nên để có vốn đầu tư mở rộng, gia đình ông đành vay thêm từ bên ngoài với lãi suất cao hơn.
Hội viên nông dân TP. Buôn Ma Thuột tham quan mô hình phát triển kinh tế từ Quỹ hỗ trợ nông dân
Hội viên nông dân TP. Buôn Ma Thuột tham quan mô hình phát triển kinh tế từ Quỹ hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn 25 triệu đồng vay của Quỹ Hỗ trợ Nông dân, đến nay gia đình anh Nguyễn Văn Phú (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar), đã cải tạo thành công 5 sào vườn tạp bằng mô hình trồng tiêu cao sản. Tuy nhiên, do thời hạn cho vay ngắn trong khi vườn tiêu chưa cho thu hoạch nên gia đình anh lo lắng khó trả nợ đúng kỳ hạn. Anh Phú chia sẻ: “Ngoài nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân với thời hạn 3 năm, gia đình tôi còn bỏ ra một số vốn đầu tư vào vườn tiêu. Hiện tại, vườn tiêu mới cho trái bói mà tháng 11 năm nay là đến kỳ hạn trả nợ, tôi cũng chưa biết xoay sở ra sao nữa”. Khó khăn mà 2 nông hộ trên gặp phải cũng chính là trăn trở của nhiều gia đình khi được tiếp cận với Quỹ hỗ trợ nông dân. Không chỉ về vấn đề vốn mà nông dân còn phải chịu nhiều rủi ro vì thời hạn cho vay ngắn, không phù hợp với đặc thù sản xuất ở địa phương. Thực tế, nhiều gia đình khi nhận đồng vốn về nhà, vừa kịp triển khai việc cải tạo vườn, chăm sóc cây giống, chưa thu hoạch được gì đã đến kỳ hạn trả nợ.

Trao đổi vấn đề này với Hội Nông dân tỉnh được biết, Quỹ hằng năm tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua xây dựng các mô hình, nhóm hộ, tổ hợp tác, giúp đỡ nông hộ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm. Nguồn vốn của Quỹ được thực hiện theo phương thức cho vay có hoàn trả. Từ năm 2010 đến nay, Quỹ đã hỗ trợ cho 3.768 lượt hộ hội viên nông dân vay thông qua 303 dự án với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng, trong đó trồng trọt chiếm gần 21%, chăn nuôi trên 75%. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế nên mỗi hội viên chỉ được vay từ 20-30 triệu đồng, trong thời gian dao động 2-3 năm. Số vốn này còn quá ít so với nhu cầu thực tế, thời gian vay lại ngắn không đủ một chu kỳ để đầu tư trồng trọt hoặc chăn nuôi. Chính vì vậy, nhiều nông dân trong tỉnh hiện rất băn khoăn, không biết thời gian tới có nên tiếp tục vay vốn từ nguồn vốn này, hay tìm một nguồn vốn khác có số vốn vay cao hơn và thời gian vay dài hơn để tiếp tục đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi.

Thiết nghĩ, để nguồn vốn này thật sự mang lại hiệu quả, giúp cho nông dân thoát nghèo bền vững thì đòi hỏi Hội nông dân các cấp cần tính toán lại phương án số tiền và đối tượng vay vốn. Bởi trong thời gian tới, nhu cầu vay vốn của nông dân sẽ tăng mạnh và Hội Nông dân là cầu nối quan trọng giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, từ đó khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Thời gian tới Hội sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị tăng số vốn vay cho nông hộ lên cao hơn; đồng thời đổi mới phương thức hoạt động của Quỹ, chuyển từ cho vay theo hộ, nhóm hộ nhỏ lẻ sang cho vay theo dự án nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác, nhóm hộ, trang trại; từng bước hình thành chuỗi nông sản hàng hóa”.          

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.