Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp nào cho thoát nước ở đô thị Buôn Ma Thuột?

09:18, 13/06/2016

Đô thị Buôn Ma Thuột tuy không có hiện tượng ngập nặng như các đô thị khu vực đồng bằng, nhưng hiện nay tình trạng một số con đường khi mưa lớn lượng nước dồn về nhiều tạo thành dòng chảy xiết, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, cần sớm có giải pháp khắc phục.

Thi công hệ thống thoát nước tại TP. Buôn Ma Thuột.
Thi công hệ thống thoát nước tại TP. Buôn Ma Thuột.

Theo Sở Xây dựng, đến nay, chưa có khảo sát, đánh giá đầy đủ nguyên nhân thay đổi dòng chảy, lưu lượng thoát nước tại một số tuyến đường chính tại khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên, do những tuyến đường chính như Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Nguyễn Tất Thành… là nơi tập trung lưu lượng thoát nước từ các đường nhánh nên làm quá tải lưu lượng thoát nước lúc mưa, cùng với độ dốc lớn nên nước mưa không thoát kịp, tạo thành dòng chảy xiết, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Còn với dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thì đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ Nhà máy Bia Sài Gòn đến bùng binh Km3) được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư nâng cấp, trong đó có hạng mục công trình thoát nước dọc 2 bên tuyến (cống bê tông ly tâm Φ1000~1200) nhưng quá trình thi công bộc lộ những bất cập. Đó là, tuyến đường và cống được nâng cao, phá vỡ cote khống chế quản lý chung làm cho hệ thống thoát nước đã có trước đó ở 2 bên tuyến thuộc các khu vực đô thị, khu dân cư không thể đấu nối vào hệ thống mà chảy tràn nước mặt. Dự án không đầu tư đồng bộ đến cửa xả vào nguồn tiếp nhận mà chỉ đầu tư tuyến cống dọc 2 bên đường nên không phát huy tác dụng. Theo quy hoạch thoát nước đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ Nhà máy Bia Sài Gòn đến bùng binh Km3) được bố trí 6 cửa xả về suối, nhưng đến nay chỉ cải tạo và sử dụng được 2/6 cửa xả (là cửa xả số 6, 7 tại vị trí đối diện nhà máy Bia); 4/6 cửa xả còn lại tuy đã được lập dự án với tổng mức đầu tư trên 46 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk làm chủ đầu tư, nhưng do ngân sách tỉnh còn khó khăn nên chưa bố trí vốn. Từ đó, hệ thống thoát nước không phát huy tác dụng, toàn bộ nước mặt chảy tràn góp phần tăng lưu lượng về đường Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Văn Cừ, phát sinh các điểm ngập cục bộ tại khu dân cư giáp suối phía Đông-Nam.

Cửa xả nước mưa Ama Khê.
Cửa xả nước mưa Ama Khê.

 Thêm vào đó, hệ thống thoát nước các khu vực dân cư không phát huy hiệu quả tạo dòng chảy mặt trên các tuyến chính. Việc đầu tư hạ tầng thoát nước thường đi cùng với dự án hạ tầng giao thông, khu dân cư nhưng do nhiều chủ đầu tư khác nhau thực hiện (như Ban Quản lý các dự án thành phố; Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk; Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh, TP...) làm cho hệ thống thoát nước không đồng bộ về điểm đấu nối, xác định cao trình thoát nước… làm cho hệ thống thoát nước tại một số vùng, khu vực đô thị không phát huy hiện quả. (Đơn cử như do chênh lệch cao trình làm cho hệ thống thoát nước khu dân cư km 4-5 không đấu nối được vào tuyến thoát nước thuộc dự án đường Hồ Chí Minh...). Ngoài ra, phương án thiết kế, cấu tạo các hố ga thu nước dọc các tuyến đường chính chưa thu nước hiệu quả, khoảng cách giữa các hố ga còn lớn, lượng rác lớn gây tắc nghẽn hố ga, cống thoát, công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên chưa kịp thời trước các mùa mưa lũ làm cho hiệu suất thu nước thấp.

Ông Lâm Tứ Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, trước mắt, UBND TP. Buôn Ma Thuột (chủ sở hữu hệ thống thoát nước) cần phối hợp đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan khảo sát đánh giá đầy đủ nguyên nhân của một số vấn đề không an toàn cho thoát nước để có kế hoạch xử lý tức thời (những tuyến đường chính có lượng nước mặt chảy xiết, lưu lượng lớn, một số điểm úng ngập tại khu vực hạ du, cửa xả, nguồn tiếp nhận....). Ưu tiên đầu tư các công trình cửa xả, điểm tiếp nhận nước mặt đã có chủ trương và đang triển khai chuẩn bị đầu tư như hệ thống các cửa xả dọc đường Nguyễn Chí Thanh. Bổ sung các tuyến thu nước chia về các cửa xả dọc đường Nguyễn Tất Thành (như cửa xả buôn Ko Sier, Nguyễn Công Trứ). Điều chỉnh hợp lý và kết nối tuyến thoát nước khi triển khai dự án nâng cấp đường Đinh Tiên Hoàng – Lê Duẩn; cải tạo các cửa xả, nguồn tiếp nhận nước mưa thành phố là các tuyến suối, mương cấp I. Các chủ đầu tư hạ tầng về thoát nước đô thị phải tổ chức đánh giá hiệu quả sử dụng công trình thoát nước do mình được giao làm chủ đầu tư, đề xuất các biện pháp khắc phục nhất là các điểm đấu nối vào mạng lưới chung. Về lâu dài, cần thiết lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành thoát nước đô thị cho TP. Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa nội dung định hướng quy hoạch chung của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, đánh giá tổng hợp tình hình thoát nước, ngập úng cục bộ, tần suất, diện tích các khu vực, hiện trạng các lưu vực thoát nước; mạng lưới thoát và nguồn tiếp nhận nước mặt… để xác định các chương trình và dự án đầu tư ưu tiên... Song song đó là triển khai có hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm liên quan đến thoát nước và cải tạo môi trường thành phố giai đoạn 2016-2020, như dự án thoát nước giai đoạn 2 do Cty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk làm chủ đầu tư; dự án hồ thủy lợi Ea Tam do UBND TP. Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư. Đây là dự án quan trọng góp phần lưu giữ và bổ cập nước ngầm, điều hòa nước mưa góp phần giảm ngập úng cục bộ, đồng thời tạo cảnh quan và phục vụ các hoạt động của đô thị.     

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.