Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ nghiêm ngặt thủy tùng trước nguy cơ cháy rừng

10:53, 04/05/2016

Trước tình hình thời tiết nắng hạn kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, Ban Quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh - thông nước đang tập trung cao độ triển khai nhiều biện pháp bảo vệ 2 khu bảo tồn rừng đặc dụng thủy tùng (thông nước), loài cây được xem là “báu vật” của nhân loại.

Thủy tùng là loài cây cổ nằm trong sách đỏ thế giới, hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Trên thế giới hiện chỉ có ba quốc gia còn tồn tại loài cây này là Việt Nam, Trung Quốc và Lào với số lượng chưa tới 500 cây. Ở nước ta, hiện chỉ còn duy nhất 2 quần thể thủy tùng tại Đắk Lắk là rừng đặc dụng Ea Ral (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) và Trấp Ksơ (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) với số lượng 161 cây, được Ban Quản lý bảo tồn loài sinh cảnh - thông nước (thuộc Sở NN-PTNT) khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Cùng với sự săn lùng ráo riết của lâm tặc, tình trạng hạn hán diễn ra ngày càng gay gắt khiến các cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý bảo tồn loài sinh cảnh - thông nước vừa tăng cường kiểm tra, canh gác bảo vệ rừng thủy tùng khỏi mất trộm, vừa phải tập trung cao độ công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR)…

Cán bộ kiểm lâm Trạm quản lý rừng đặc dụng Ea Ral (huyện Ea H’leo) đang phát quang đường biên để phòng chống  cháy rừng thủy tùng.
Cán bộ kiểm lâm Trạm quản lý rừng đặc dụng Ea Ral (huyện Ea H’leo) đang phát quang đường biên để phòng chống cháy rừng thủy tùng.

Quần thể thủy tùng rừng đặc dụng Ea Ral có diện tích khoảng 60 ha hiện còn 140 cá thể thủy tùng đang được các cán bộ kiểm lâm trạm quản lý rừng đặc dụng Ea Ral thuộc Ban Quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh - thông nước bảo vệ nghiêm ngặt ngày đêm. Do nắng hạn gay gắt kéo dài, hồ Ea Ral (nằm trong khuôn viên khu bảo tồn) đã cạn trơ đáy khiến thảm thực vật bị khô héo, lớp thực bì bề mặt cũng không còn độ ẩm nên rất dễ bắt lửa, nguy cơ  cháy cao. Đặc biệt, ngay bên ngoài quần thể rừng là các rẫy cà phê, hồ tiêu của người dân. Việc đốt nương làm rẫy, đốt cỏ lấy đất sản xuất, hoặc thói quen nấu ăn trong rẫy... là một trong những nguyên nhân dễ gây ra cháy rừng. Anh Thiều Giang Ly, Trưởng Trạm quản lý rừng đặc dụng Ea Ral cho biết, ngay từ đầu mùa khô, lực lượng kiểm lâm của trạm (hiện có 6 người) đã chủ động triển khai những biện pháp PCCCR bằng cách dọn sạch lá khô, dây leo ven rừng, làm đường biên rộng từ 5 - 10 m để tạo hành lang thông thoáng chống lửa từ ngoài vào. Bên cạnh đó, ban quản lý cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con có rẫy liền kề làm đường băng cản lửa mỗi khi đốt, cử người canh gác và chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ ứng cứu khi xảy ra sự cố…

Khu bảo tồn thủy tùng rùng đặc dụng Trấp Ksơ có diện tích khoảng 100 ha với 21 cây thủy tùng trưởng thành. Hiện, công tác PCCCR của Trạm quản lý rừng đặc dụng Trấp Ksơ cũng đã được tăng cường ở mức độ cao. Anh Nguyễn Văn Khương, trạm trưởng cho hay, đơn vị đã thuê máy ủi san gạt đất tạo đường biên tại bìa rừng ngăn trường hợp xảy ra cháy. Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức người dân tham gia bảo vệ rừng. Ngay khi bước vào thời điểm nắng nóng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và kết hợp với các cuộc họp dân, đơn vị đã triển khai lồng ghép các thông báo nguy cơ cháy rừng, quy chế bảo vệ rừng, PCCCR đến người dân địa phương. Trạm quản lý Trấp Ksơ cũng đang khẩn trương hoàn thiện quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội trong công tác diễn tập PCCCR để chủ động chữa cháy, xử lý tình huống khi xảy ra sự cố.

Theo ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh - thông nước, trước tình hình hạn hán mùa khô năm nay, ban quản lý đã chỉ đạo các trạm quản lý tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ, thực hiện phương án 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ - chỉ huy tại chỗ - phương tiện tại chỗ - hậu cần tại chỗ) để phòng, chống cháy rừng. Ban cũng xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan, huy động lực lượng tại chỗ ứng cứu kịp thời nếu xảy ra cháy; chuẩn bị tốt các trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy rừng như cuốc, xẻng, bàn dập lửa và phương tiện chữa cháy… Với quan điểm phòng là chính - chữa cháy kịp thời, hiệu quả, những năm qua chưa hề xảy ra tình trạng cháy lớn, gây thiệt hại tại 2 khu bảo tồn rừng đặc dụng thủy tùng này.

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc