Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Cư Suê phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

09:46, 26/08/2015

Xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) có diện tích tự nhiên rộng 3.515 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 80%, đa số người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên việc triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề cốt lõi trong công tác XDNTM, những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất. Theo đó, xã niêm yết công khai và công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về đồ án quy hoạch chung XDNTM để bà con nắm bắt thông tin, định hướng sản xuất; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến ngư qua các lớp tập huấn chăm sóc cao su, cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi bò, heo, gà…; kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất cà phê, hồ tiêu bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bốn đúng… nhờ đó, nhiều nông dân đã được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tuyến đường thôn 2 được bê tông hóa khang trang sạch đẹp.
Tuyến đường thôn 2 được bê tông hóa khang trang sạch đẹp.

Ông Đặng Dậu Quý, thôn 3 cho biết, được sự hỗ trợ cây giống và kỹ thuật của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên từ chương trình hỗ trợ tái canh, gia đình đã triển khai xây dựng mô hình vườn nhân chồi cà phê vối TR4, TR9, TR11, TR13 với sản lượng gần 9.000 chồi/năm. Không chỉ sản xuất cây giống cho mình, ông còn hỗ trợ kỹ thuật ghép chồi, chăm sóc cà phê cho người dân địa phương khi có nhu cầu. Còn với các hộ nghèo buôn Đưng, buôn Rang, buôn Luốt thì số bò được hỗ trợ từ dự án khuyến nông của huyện (6 con bò cái), tuy không lớn nhưng đã tạo điều kiện giúp bà con có chiếc “cần câu” xóa đói, giảm nghèo. Tương tự, gia đình bà Triệu Thị Châu, thôn 3 có vườn tiêu xen canh cà phê rộng hơn 1 ha theo tiêu chuẩn Rainforest cho biết, khi tham gia chương trình, gia đình được tham dự 5 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc tiêu từng thời kỳ và được phát các dụng vụ lao động như bao tay, ủng, kéo cắt cành… Sản xuất theo chứng nhận tuy khó hơn hình thức canh tác thông thường nhưng gìn giữ được hệ sinh thái vườn cây (trên 10 loại cây trong vườn) với các loại thiên địch nên hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, môi trường nước bảo đảm… Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật mà vườn cây của gia đình luôn sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi năm thu về 2,5 tấn tiêu, gần 3 tấn cà phê. Đặc biệt, khi hồ tiêu xuất bán theo kênh chứng nhận Rainforest được cộng thêm 1.000 đồng/kg.

Với sự nỗ lực không ngừng của bà con và chính quyền địa phương, số hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 138 hộ (giảm 39 hộ), đạt tỷ lệ 6,39%; hộ cận nghèo 234 hộ (giảm 8 hộ), đạt tỷ lệ 10,84%. Kinh tế phát triển, thu nhập ngày càng tăng, cuộc sống được bảo đảm nên việc huy động người dân đóng góp xây dựng NTM có nhiều kết quả đáng khích lệ. Điển hình như thôn 5 đóng góp 640 triệu đồng đối ứng nhựa hóa 1,6 km đường; thôn 2 đóng góp 180 triệu đồng bê tông hóa 560m đường. Ngoài ra, một số doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn ủng hộ số tiền khá lớn để xây dựng nông thôn mới…

Tuy không phải là xã điểm của huyện trong chương trình XDNTM, nhưng qua 4 năm triển khai, địa phương đã đạt được 13 tiêu chí, đó là thành tựu lớn, biểu hiện sức mạnh đoàn kết toàn dân. Tuy nhiên chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn bởi số tiêu chí đã đạt được chủ yếu là những tiêu chí ít vốn đầu tư, còn căn bản hệ thống cơ sở hạ tầng tại địa phương vẫn còn nhiều bất cập: các tuyến đường liên thôn, đường nội đồng hoàn toàn là đường cấp phối; trụ sở UBND xã đã xuống cấp, thiếu phòng làm việc “một cửa” đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải quyết hồ sơ, giấy tờ của người dân; các thôn, buôn thiếu nhà văn hóa cộng đồng; tiểu thương buôn bán trong chợ tạm; tỷ lệ kênh mương bê tông hóa do xã quản lý đạt thấp… Ông Phan Xuân Lực, Chủ tịch UBND xã cho biết, tiến độ thực hiện các tiêu chí XDNTM dường như đang chững lại do các tiêu chí còn lại vướng ở cơ sở vật chất, đòi hỏi vốn lớn trong khi tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 60% khiến việc huy động rất khó khăn. Trong thời gian tới, xã sẽ tăng cường huy động, đóng góp của người dân, doanh nghiệp kết hợp đề nghị các cấp có những chính sách hỗ trợ kịp thời để địa phương hoàn thành chương trình XDNTM đúng kế hoạch vào năm 2018.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.