Multimedia Đọc Báo in

Đưa điện về nông thôn: Gặp khó về vốn

09:46, 26/08/2015

Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn hàng chục ngàn hộ (tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn) chưa được sử dụng điện và sử dụng điện chưa an toàn, tuy nhiên, do khó khăn về vốn nên việc đầu tư xây dựng lưới điện để phục vụ cho những hộ này đang gặp không ít khó khăn.

Đường điện do người dân thôn 8 (xã Cuôr Knia,huyện Buôn Đôn) đóng góp tiền xây dựng.
Đường điện do người dân thôn 8 (xã Cuôr Knia,huyện Buôn Đôn) đóng góp tiền xây dựng.

Nằm cách trung tâm xã chỉ khoảng 2 km, nhưng đến nay 104 hộ dân thôn 8 (xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn) vẫn chưa có điện lưới quốc gia sử dụng. Anh Nông Văn Sơn, Trưởng thôn 8 cho biết, năm 2010, để có điện phục vụ sinh hoạt, một số hộ dân trong thôn đã phải góp 6 triệu đồng/hộ để đầu tư đường dây, kéo điện từ xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) cách đó 3 km về để sử dụng. Mặc dù vậy, do đường dây nhỏ, nhu cầu sử dụng lớn nên điện yếu, vào giờ cao điểm nhiều đồ dùng điện không sử dụng được. Ngoài ra, giá mua điện cũng cao hơn so với thị trường, bình quân một kW/h điện người dùng ở đây phải trả hơn 2.000 đồng.  “Hiện nay, việc có nguồn điện ổn định để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất là nguyện vọng tha thiết của người dân ở đây.  Nếu có điện người dân sẽ tiết kiệm một khoản tiền lớn trong vận hành máy móc phục vụ sản xuất, giờ đang phải dùng máy nổ nên chi phí cao hơn rất nhiều”, anh Sơn cho biết thêm. Bên cạnh đó, không phải tất cả các hộ trong thôn đều được sử dụng điện, một số hộ nghèo không có tiền đóng để đầu tư đường dây nên vẫn phải dùng đèn dầu thắp sáng. Anh Hà Văn Tuyến tâm sự: “Gia đình nằm trong diện hộ nghèo, đến cái ăn từng bữa còn khó, lấy đâu ra tiền để đóng góp đầu tư lưới điện, thôi đành dùng đèn dầu và chờ lưới điện Nhà nước đầu tư, chỉ tội mấy đứa nhỏ học bài vào mỗi buổi tối thôi!”.

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh còn 189 thôn, buôn với 13.924 hộ chưa có điện, số hộ sử dụng điện chưa an toàn 34.335 hộ. Ông Lê Trần Tự, Trưởng phòng Năng lượng Sở Công Thương cho biết, thực hiện Quyết định số 2081/QĐ-TTg, ngày 8-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020, trước đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giao làm chủ đầu tư Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2015-2020, tuy nhiên đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định để UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư dự án thay thế Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo đó, nhu cầu vốn để xây dựng lưới điện nông thôn của địa phương vào khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó 85% nguồn vốn của Trung ương, 15% nguồn vốn đối ứng của tỉnh. Hiện nay, Sở Công Thương đang lập báo cáo đề xuất để UBND tỉnh làm việc với Trung ương xin lại chủ trương đầu tư, sau đó mới lập dự án chi tiết đầu tư. Dự kiến đến năm 2020, hệ thống lưới điện nông thôn sẽ được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các hộ dân. “Bà con nông dân ở địa phương chủ yếu sống nhờ vào cây công nghiệp và cây ăn quả dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng, bơ...;  các loại cây này đều cần một lượng nước tưới rất lớn vào mùa khô nên cần có nguồn điện để bơm nước, và nhu cầu về điện phục vụ sản xuất rất lớn, nên việc sớm đầu tư lưới điện phủ khắp các vùng nông thôn là hết sức cần thiết nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương”, ông Tự chia sẻ thêm.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.