Multimedia Đọc Báo in

Nan giải bài toán giảm nghèo tại vùng tái định cư Vụ Bổn

09:41, 21/08/2015

Vụ Bổn là một trong những xã vùng III của huyện Krông Pắc. Trong những năm qua, địa phương được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước như các chương trình 134, 135... Tuy nhiên, hiện nay cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở các buôn thuộc diện tái định cư (TĐC).

Buôn TĐC, hộ nghèo chiếm tỷ lệ tuyệt đối

Xã Vụ Bổn nằm về phía Đông huyện Krông Pắc, có diện tích tự nhiên trên 10.900 ha, gồm 28 thôn, buôn, với 3.869 hộ, trong đó, dân tộc thiểu số 1.725 hộ, chiếm gần một nửa dân số của xã. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã hơn 31%, hộ cận nghèo 11%. Vụ Bổn có 5 buôn TĐC thuộc Chương trình 132, 134 của Chính phủ gồm: Ea Nông A, Ea Nông B, Cư Kruê, Cư Knia và Ea Kal. Đây là chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn nhằm mục đích đẩy nhanh tiến độ xóa nghèo cho các hộ vùng sâu, vùng xa trên phạm vi cả nước. Bước đầu, cuộc sống của người dân địa phương đã có những đổi thay, nhiều công trình, dự án được triển khai, hạ tầng cơ sở phần nào được cải thiện… Tuy nhiên, xuất phát từ trình độ dân trí thấp, cùng với thói quen canh tác du canh, du cư và một phần do tính ỷ lại… nên hầu hết các buôn TĐC, tỷ lệ hộ nghèo vẫn là 100%, trừ buôn Cư Kruê (khoảng 50% hộ nghèo).

Những căn nhà tái định cư ở buôn Ea Kal vắng bóng người ở.
Những căn nhà tái định cư ở buôn Ea Kal vắng bóng người ở.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo ở các buôn TĐC gần như tuyệt đối là do… đẻ nhiều. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trên địa bàn xã là 0,43%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên lại có dấu hiệu tăng lên, cụ thể là 14,1% (tăng 0,8% so với cùng kỳ 2014). Đẻ dày, đẻ nhiều, trong khi đất ở, đất canh tác không “đẻ” thêm được nên người dân nơi đây luôn bị cuốn theo cái vòng luẩn quẩn: con đông nên không thể thoát nghèo. Đơn cử, tại buôn Cư Knia, với 100% hộ dân thuộc diện hộ nghèo, nhưng trong năm 2015, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Trường hợp chị H’Lư Niê (SN 1973) đã có 3 đứa con trai, nhưng vì muốn “có nếp có tẻ” nên vẫn cố sinh thêm đứa con gái thứ 4, nhưng chị thất vọng, vì chỉ vài tháng nữa chị lại “vượt cạn” cũng với 1 “thằng cu”. Tương tự, chị H’Miam Byă (SN 1980) dù đã có 2 trai 2 gái rồi vẫn chuẩn bị sinh con thứ 5.  Chị bộc bạch, nhà có đến 6 miệng ăn, sắp tới là 7, trong khi đất canh tác chẳng được là bao, quanh năm mất mùa, cuộc sống gia đình chị phụ thuộc vào mấy đồng tiền làm thuê theo mùa vụ của chồng; những đứa con sinh ra không biết đến hộp sữa là gì, vẫn biết đẻ nhiều con là nghèo, nhưng vì chị không quen với việc áp dụng các biện pháp tránh thai nên lại... đẻ. Còn tại buôn Ea Nông A, với 75 hộ, 345 nhân khẩu, là địa bàn cách trung tâm xã tới 12 cây số, tỷ lệ hộ nghèo cũng là 100%. Anh Y Loang Ayun, Trưởng buôn cho biết, công tác giảm nghèo ở buôn sẽ rất khó khăn, bởi theo tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015 thì mức thu nhập bình quân 400.000 đồng/người/tháng, trong khi mức này ở buôn Ea Nông A vẫn đang dưới 300.000 đồng.

Người dân vẫn chưa an cư

Người dân vùng TĐC thường bỏ nhà đi đến vùng đất khác, khiến việc giữ dân ở lại vùng này trở nên hóc búa đối với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Nguyên nhân là do hầu hết diện tích đất canh tác tại vùng TĐC đều cằn cỗi, lại chịu nhiều tác động của hạn hán và lũ lụt… Đơn cử, tại buôn Cư Knia, ngày mới thành lập có 90 hộ đến từ 2 xã: Ea Kly và Krông Búk, đến nay chỉ còn lại 65 hộ, 299 khẩu. Chị H’Yok Niê, Trưởng buôn cho biết, Cư Knia ở vùng đất trũng, mưa đến nước dâng cao, cô lập với bên ngoài, do vậy hoạt động sản xuất, đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, do thói quen du canh, du cư nên nhiều hộ vẫn đi tìm nơi ở mới, một số quay về địa phương cũ. Tương tự, tại buôn Ea Kal lúc mới thành lập là 66 hộ, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn 18 hộ. Được biết, năm 2012 có 66 hộ thuộc xã Ea Kênh được bố trí nhà ở với diện tích 28 m2 trên diện tích thổ cư 400 m2, còn đất sản xuất được cấp tùy vào số khẩu (từ 1-4 khẩu được cấp 3 sào, từ 4-7 khẩu 4 sào, từ 7-10 khẩu 5 sào). Thực tế, các hộ đã bỏ khu TĐC, để lại hàng chục căn nhà trống hoác, nhiều căn không có người ở đã hư hỏng, xuống cấp theo thời gian. Ea Kal là buôn TĐC thuận tiện nhất trong tổng số 5 buôn TĐC của xã Vụ Bổn, vì gần với trung tâm xã, hầu hết cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm đều đầy đủ. Tuy nhiên, do sản xuất gặp khó khăn nên người dân phải rời khỏi buôn... Ông Nay Lập, Trưởng buôn cho hay, số tiền mà người dân phải trả cho việc tưới nước là quá nhiều, chẳng hạn từ 2014 về trước, trạm bơm tính 1 giờ là 80.000 đồng, có mùa chỉ với 3-5 sào lúa, các hộ phải trả từ 3-4 triệu tiền nước tưới; còn từ năm 2015, trạm bơm tính theo đầu sào, mỗi sào 120.000 đồng/vụ… Mặc dù có giảm xuống nhưng vẫn ở mức cao, vụ nào được mùa còn đỡ, chứ mất mùa như năm nay thì chẳng còn gì! Còn anh Y Khen Niê, một trong số những người dân ít ỏi còn bám trụ lại vùng TĐC giải bày, nơi ở và nhà ở thì anh rất hài lòng, nhưng do đất sản xuất ít, lại cằn cỗi, làm không đủ ăn nên quanh năm phải làm thuê kiếm sống, không có tiền tích lũy, anh cũng không dám chắc có gắn bó lâu dài với mái nhà TĐC hay không.

Rõ ràng, để người dân Vụ Bổn nói chung, khu TĐC nói riêng thoát nghèo, các cấp, ngành và chính quyền địa phương sở tại cần có những giải pháp mang tính đột phá, thực hiện những mô hình cây, con phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây để bà con có cơ hội cải thiện đời sống và an cư lạc nghiệp.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc