Multimedia Đọc Báo in

"Cà phê thông tin" - xu hướng mới của văn hóa cà phê Buôn Ma Thuột

07:34, 26/07/2015

Ở thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột có nhiều trào lưu thưởng thức cà phê đang đan xen, hòa trộn với nhau tạo nên nét văn hóa cà phê riêng biệt, trong đó, cà phê thông tin đang ngày càng nở rộ.

Cà phê thông tin nghĩa là qua việc uống cà phê, khách hàng có thể tìm hiểu thêm các thông tin xung quanh của hạt cà phê như nguồn gốc, quy trình rang xay, chế biến... Chị Phan Thị Hiếu, Chủ quán cà phê Cam Vàng, đường Nguyễn Công Trứ cho biết, trên thị trường hiện có rất nhiều loại cà phê khác nhau nhưng để tạo nên sự riêng biệt, chị đã tìm mua những quả cà phê bi tại xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột về tự phơi sấy, rang xay phục vụ khách. Cà phê bi có quả lớn, chín đều, được lựa chọn với tỷ lệ 1/15 do đồng bào dân tộc thiểu số bản địa sản xuất bởi họ ít sử dụng chất kích thích, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… nên bảo đảm sự an toàn cho người sử dụng, hạt cà phê giữ được hương vị nguyên sơ, mùi thơm thanh nhẹ đặc trưng đầy cuốn hút. Chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên, một “tín đồ” cà phê cho biết, tùy vào từng sở thích của mỗi người mà có cách lựa chọn khác nhau, giới trẻ thường thích sự hỗn hợp đa dạng của nhiều nguyên liệu tạo nên ly cà phê đặc quánh, sánh vàng hay đen đậm đặc, còn những người lớn tuổi lại thích sự tinh khiết, nguyên sơ của ly cà phê nguyên chất, cà phê an toàn, người mới uống lại thích sự nhẹ nhàng của cà phê hòa tan 3 trong 1, một số người lại hoài niệm về quá khứ với một góc quán quen bên ly cà phê pha phin… Riêng với cà phê sạch, cà phê nguyên chất thì cần phải thưởng thức sau bữa ăn bởi nếu uống khi đang đói thì rất dễ bị say. Anh Nguyễn Xuân Dương, một du khách đến từ Nghệ An chia sẻ, vừa rồi, anh có dịp lên Buôn Ma Thuột du lịch, được nhân viên quán cà phê An Thái giới thiệu về quy trình sản xuất, chế biến cà phê nguyên chất tại quán. Uống cà phê nhiều nhưng lần đầu được thưởng thức hương vị thơm ngon đặc trưng của cà phê nguyên chất nên anh đã bị say, một cảm giác nôn nao, người nóng, tim đập nhanh, những tiếng động xung quanh dường như vang hơn bình thường… So với say rượu, bia thì say cà phê mệt hơn nhiều, bởi chất cafein có sẵn trong cà phê ngấm vào máu khiến thần kinh căng thẳng, bản thân muốn ngủ nhưng không được, sau đó anh phải uống nước liên tục trong 2 giờ mới giảm thiểu được cơn say.

Chị Phan Thị Hiếu xay cà phê phục vụ thực khách.
Chị Phan Thị Hiếu xay cà phê phục vụ thực khách.

Ngày nay, khi cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao thì nhu cầu tìm hiểu thông tin về nguồn gốc sản phẩm, yếu tố môi trường, an sinh xã hội, ý nghĩa của từng thói quen mỗi người ngày càng được xem trọng. Vì thế, các sản phẩm cà phê đạt chứng nhận Quốc tế Fair – Trade, Rain Forest, 4C, UTZ… ngày càng phát triển. Tại buổi tọa đàm “Kinh doanh cà phê hiệu quả” hồi tháng 6 vừa qua, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mỹ Phương, một chuyên gia về kinh doanh cà phê chia sẻ, hiện tại Việt Nam nói chung, thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng đang tồn tại 4 làn sóng cà phê khác nhau gồm: làn sóng số 0 với sự pha trộn cau khô, bắp rang, đậu nành; làn sóng thứ nhất (xuất hiện từ thế kỷ 19) của cà phê hòa tan 3 trong 1; làn sóng thứ hai (xuất hiện cuối thế kỷ 19) của phong cách thưởng thức cà phê chất lượng cao tại các nhà hàng, khách sạn với cà phê sạch, nguyên chất, cà phê mang đi (takeaway)…; làn sóng thứ ba là hỗn hợp các làn sóng trên với nguồn thông tin dồi dào về nguồn gốc xuất xứ của hạt cà phê, độ cao so với mực nước biển, ngày thu hoạch, quy trình chế biến, hương vị…

Uống cà phê loại nào, mua ở đâu đã trở thành sở thích riêng của mỗi người, nhưng chính thói quen của số đông thực khách đã góp phần “vẽ” nên thị trường cà phê đa dạng, phong phú, điều này có ý nghĩa quyết định đến cuộc sống của hàng nghìn nông dân sản xuất, kinh doanh cà phê trên cả nước.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc