Multimedia Đọc Báo in

Ngân hàng trước "bài toán" lãi suất

10:36, 18/03/2015
Với tốc độ tăng trưởng tín dụng không như mong muốn, mặt bằng huy động thấp, yêu cầu giảm lãi suất cho vay gần như là tất yếu đối với nhiều ngân hàng. Tuy nhiên việc giảm lãi suất dường như đang là "bài toán" khó đối với các ngân hàng.

Lãi suất huy động thấp kỷ lục

Từ đầu tháng 3, các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động, đưa mặt bằng lãi suất mới xuống mức thấp kỷ lục. Mức giảm lãi suất huy động phổ biến của các ngân hàng trong đợt này là từ 0,2 đến 0,4%/năm so với trước đó. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng chỉ còn hơn 4%, trong khi các kỳ hạn từ 1 năm trở lên chỉ trên 6%. Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) là đơn vị hiện có mức lãi suất huy động thấp nhất. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng được Agribank giảm từ 4,3%/năm xuống còn 4%/năm. Kỳ hạn gửi 12-18 tháng tại ngân hàng này được điều chỉnh giảm 0,1%/năm, xuống còn 6,2%/năm. Kỳ hạn trên 18 tháng giảm thêm 0,2%/năm, xuống còn 6,3%/năm. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng có mức giảm lãi suất ở các kỳ hạn mạnh nhất trên thị trường hiện nay. Theo đó, với khoản tiền gửi tiết kiệm lĩnh lãi hằng tháng, lãi suất huy động kỳ hạn 2 tháng tại ngân hàng này là 4,5%/năm, từ 3 - 5 tháng là 4,7%/năm; 6 tháng là 5,3%/năm và 12 tháng là 5,9%/năm. Tuy nhiên, cùng khoản tiền gửi này, nhưng nếu khách hàng lĩnh lãi cuối kỳ mức lãi suất sẽ cao hơn khoảng 0,2%/năm. Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), niêm yết mức lãi suất kỳ hạn gửi huy động thấp nhất là 1 tháng chỉ 4%/năm, và cao nhất là 60 tháng, cũng chỉ ở mức 6,2%/năm. Cũng nằm trong số các ngân hàng thương mại cổ phần có đợt giảm lãi suất mới, từ ngày 9-3, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) áp dụng mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn 4,16%/năm. Ngoài ra, hầu hết các ngân hàng TMCP khác cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động của mình.

Khách hàng đang giao dịch tại Agribank Dak Lak.
Khách hàng đang giao dịch tại Agribank Dak Lak.

Khó giảm ngay lãi suất cho vay

Lãi suất huy động đã giảm, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lạm phát là cơ sở cho việc giảm lãi suất, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay hiện vẫn chưa hề giảm. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Dak Lak, trên địa bàn tỉnh, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên hiện phổ biến ở mức 7%/năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực còn lại phổ biến ở mức 8%/năm đối với cho vay ngắn hạn; 9%-11%/năm đối với cho vay trung, dài hạn; cho vay ngoai tệ phổ biến từ 3,5%-4,2%/năm. Theo đại diện một ngân hàng thương mại Nhà nước, nguyên nhân chính khiến việc giảm lãi chưa thể thực hiện ngay là bởi các khoản giải ngân trước đó của các ngân hàng có giá vốn cao hơn. Điều này được phản ánh qua thực tế là đến hết tháng 2 năm 2015, dư nợ cho vay đến 9%/năm là 16.015 tỷ đồng (33,5% tổng dư nợ); từ 9% đến 13%/năm là 27.528 tỷ đồng (57,7% tổng dư nợ); trên 13%/năm là 4.211 tỷ đồng (8,8% tổng dư nợ). Cùng với đó, chi phí vốn, nhất là chi phí rủi ro (thuê tư vấn và đầu tư hệ thống công nghệ, xây dựng lại toàn bộ khung quản trị rủi ro cho ngân hàng...) cũng khiến các ngân hàng đang gặp khó trong việc giảm lãi suất cho vay.

Cân đối lợi ích giữa ngân hàng với DN và người dân đang là “bài toán” đặt ra cho các ngân hàng. Trong khi lãi suất cho vay chưa thể giảm như mong đợi, thị trường đang kỳ vọng về trung và dài hạn, lãi vay sẽ giảm thêm như định hướng trước đó của NHNN. Với lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất có điều kiện để tiếp tục điều chỉnh giảm, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

NHNN từng đưa ra dự báo, lãi suất năm 2015 sẽ chỉ dao động quanh biên độ 2%. Theo dự báo, lạm phát năm 2015 sẽ vào khoảng 4%. Với các chỉ tiêu vĩ mô ổn định như trên, các chuyên gia cho rằng, lãi suất hoàn toàn có thể sẽ tiếp tục giảm 1 - 2% như kỳ vọng của cộng đồng DN.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.