Multimedia Đọc Báo in

Công tác bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh: Những kết quả bước đầu

09:00, 17/03/2015

Khi quyền lợi bị xâm hại, nhiều người tiêu dùng (NTD) đã chủ động tìm đến với Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh để nhờ can thiệp, giải quyết. Điều này cho thấy nhận thức của NTD về quyền lợi hợp pháp của mình và vai trò của các tổ chức Hội đã được nâng lên thấy rõ…

Hiện nay toàn tỉnh có 25 tổ chức hội cơ sở và 1 câu lạc bộ người tiêu dùng thông thái với tổng cộng trên 850 hội viên. Mỗi năm, Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh tiếp nhận hàng chục vụ khiếu nại của NTD về chất lượng hàng hóa, dịch vụ thuộc các lĩnh vực thực phẩm, thiết bị điện tử, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ bảo hành…, với tỷ lệ giải quyết thành công đạt  trên 98% (năm 2014 là 25 vụ). Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch hội, từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ra đời và được thực thi thì công tác bảo vệ NTD trên địa bàn tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Họ đã mạnh dạn lên tiếng và chủ động tìm đến với các tổ chức hội nhờ can thiệp khi quyền lợi của mình bị xâm hại; thêm vào đó, NTD cũng ý thức hơn trong việc tìm hiểu thông tin về sản phẩm, nguồn gốc, thành phần, hạn sử dụng, nhà sản xuất… trước khi mua sắm một sản phẩm nào đó. Đến  nay, 8 quyền lợi cơ bản của NTD mà hội phổ biến, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cơ bản thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, thông qua việc trực tiếp giải quyết thành công khiếu nại của NTD càng làm cho họ an tâm, tin tưởng vào vai trò của hội và ngày càng có nhiều người tìm đến với hội để được tư vấn, giải quyết các thắc mắc có liên quan đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ… Cụ thể, ngày 24-10-2014, chị Phùng Thị Làng (TP. Buôn Ma Thuột) có mua chiếc điện thoại di động hiệu Sony tại một cửa hàng, sau một thời gian sử dụng, điện thoại của chị bị hỏng và được nhân viên tại cửa hàng bảo hành đến 4 lần vẫn chưa thể sử dụng được và chị đã quyết  định tìm đến hội để được can thiệp. Kết quả, phía cửa hàng đã làm việc với nhà cung cấp Sony và tiến hành các thủ tục hoàn lại 100% tiền mua máy cho khách hàng. Tương tự, ông Tạ Duy Hà (TP. Buôn Ma Thuột) khiếu nại về việc đã mua 2 xe ô tô tải tại Công ty Cổ phần Trường Hải Buôn Ma Thuột về sử dụng chưa đến 30  ngày thì 8 lốp trước của hai xe bị rạn nứt, có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng. Sau khi hội can thiệp, phía  Nhà máy sản xuất ôtô Trường Hải đã đồng ý thay mới hoàn toàn 8 lốp xe cho ông Hà và bảo đảm chế độ bảo hành theo  đúng cam kết.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh giải quyết một vụ khiếu nại của người tiêu dùng.
Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh giải quyết một vụ khiếu nại của người tiêu dùng.

Bên cạnh việc lên tiếng khi quyền lợi bị xâm hại, cũng có trường hợp NTD thấy nghi  ngại về chất lượng một sản phẩm nào đó đã tìm đến hội để có câu trả lời thỏa đáng. Điển hình như vụ một NTD huyện Krông Pak phản ánh về cây xăng dầu ở km 12 QL26 có dấu hiệu đong thiếu cho khách. Ngay  sau  đó, cơ quan chức năng  đã cử cán bộ xuống kiểm tra bằng hệ thống đo đếm bình chuẩn và ca đong thì không phát hiện sai lệch. Theo bà Lan, dù không phát hiện sai phạm nhưng nhờ sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng đã làm rõ  nghi  ngại  của NTD, giúp họ an tâm hơn khi sử dụng dịch vụ, còn phía nhà sản xuất chân chính thì có cơ hội dẹp tan tin đồn thất thiệt và khẳng định uy tín của mình trước NTD...

Tuy nhiên, bên cạnh  những kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều trường hợp NTD (nhất là ở các vùng nông thôn trong tỉnh) bị xâm hại quyền lợi nhưng họ không biết “kêu” ai, một số khác thì sợ thủ tục phiền hà hoặc đành chấp nhận nhắm mắt cho qua vì nghĩ rằng món hàng đã mua có giá trị không lớn. Chính điều này đã vô tình “tiếp tay” cho hàng hóa kém chất lượng vẫn ngang nhiên lưu thông trên thị trường. Bà Lan cũng thẳng thắn nhìn nhận, các vụ vi phạm quyền lợi NTD trên địa bàn tỉnh  không phải là ít, thậm chí, có chiều hướng gia tăng. Mỗi ngày trôi qua, vẫn còn có hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng liên quan đến quyền và lợi ích của NTD. Theo thống kê của lực lượng QLTT tỉnh, trong năm 2014, lực lượng này đã kiểm tra và xử lý được 738 vụ kinh doanh trái pháp luật, tiến hành xử phạt và tịch thu hàng hóa  trị giá trên 3 tỷ đồng, Sở  NN-PTNT cũng xử lý 83 vụ vi phạm, phạt  hành chính gần 350 triệu đồng; Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ phát hiện 78 trường hợp sai phạm. Đặc biệt, đã có 150 cơ sở kinh doanh trên địa bàn vi phạm về vệ sinh an  toàn thực phẩm, và buộc phải tiêu hủy sản phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc,  xuất xứ… Với diễn biến thị trường nêu trên, thì so với con số vài chục vụ khiếu nại của NTD được hội tiếp nhận mỗi năm chỉ phản ánh được phần nào thực trạng bị  xâm hại mà thôi. Thực tế,  NTD đang bị đe dọa bởi chất lượng hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm, và hiển nhiên, quyền và lợi ích hợp pháp của họ đang bị vi phạm  nghiêm trọng.

Do đó, để các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD thực sự  đi vào cuộc sống, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng thì bản thân NTD cũng nên tự bảo vệ mình bằng cách không dễ dãi khi chọn mua hàng hóa, mạnh dạn lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho mình khi mua phải hàng hóa kém chất lượng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.