Multimedia Đọc Báo in

Mập mờ khái niệm "Rau sạch"

07:58, 22/03/2015
Thông tin về việc rau quả trên thị trường có dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép, thuốc kích thích, vi khuẩn, hóa chất gây bệnh… khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng về chất lượng, đặc biệt là sự ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe của bản thân và gia đình.
 
Cũng chính vì thế, nhiều gia đình đã chọn phương pháp tự trồng rau để sử dụng, số khác lại chọn mua rau sạch ở siêu thị, đặc biệt có người quan niệm rau mua ở quê là rau sạch… Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ khái niệm về rau sạch. Quy trình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap là phải bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, phải chọn đất trồng chưa bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng (thủy ngân, asen...), chưa bị ảnh hưởng của nước thải công nghiệp, xa khu vực có chất thải công nghiệp và bệnh viện; nước tưới không bị ô nhiễm, dùng nước sạch để pha phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật, không tưới rau bằng phân bắc, phân chuồng tươi hay nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, các loại nước đã bị nhiễm bẩn; rửa rau trước khi bán cũng phải dùng nước sạch; sử dụng giống rau tốt, rõ nguồn gốc; đảm bảo thời gian thu hoạch…

Rau là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi gia đình. Trong khi đó, trên thị trường vẫn xuất hiện tràn lan nhiều loại “rau bẩn” mà người tiêu dùng khó phân biệt bằng mắt thường, do đó họ gần như phải chịu cảnh “sống chung với lũ”. Rau ở chợ thì toàn hàng không rõ nguồn gốc, không có chứng nhận tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Rau ở siêu thị dù được đóng gói,  bảo đảm các quy định về nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm… nhưng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lượng rau bày bán, tiêu thụ trên thị trường; hơn nữa không phải người nào cũng vào siêu thị để mua rau mà phần lớn là mua ở các chợ, hàng quán bán ở vỉa hè... Chính vì thế, người tiêu dùng chỉ có thể phân biệt rau sạch-rau bẩn ở góc độ tâm lý, là lòng tin giữa người bán-người mua. Để bảo đảm rau sạch cung ứng cho người tiêu dùng, quan trọng vẫn là cái tâm của người trồng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần giới thiệu, phổ biến rộng rãi việc trồng rau theo quy trình VietGap nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của sản xuất nông nghiệp an toàn. Đồng thời, có sự hỗ trợ, đầu tư và tạo điều kiện trong việc tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương ngày càng phát triển.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.