Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV

Quốc hội tiếp tục thảo luận các dự án luật

18:55, 26/05/2020
 
Ngày 26-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo giải trình, tiếp thu và thảo luận trực tuyến Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
 
Đối với Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, với vai trò là đạo luật cơ bản về bảo vệ môi trường, dự thảo luật đã bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường có tính nguyên tắc trong mối tương quan với các luật chuyên ngành khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất như các quy định về đa dạng sinh học, bảo vệ chất lượng nước nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quy hoạch, quan trắc, điều tra cơ bản về đa dạng sinh học, tài nguyên nước; góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, kết nối các thành phần môi trường, thể hiện bao quát, đầy đủ bức tranh chung về môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước.
 
f
Toàn cảnh kỳ họp tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh: quochoi.vn

 

Về Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với quan điểm của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn để bảo vệ tốt hơn sức khỏe con người và đạt mục tiêu người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, đây là vấn đề có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thu hút đầu tư, do đó cần nghiên cứu, cân nhắc việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật chất thải (Điều 104); rà soát quy định bảo đảm rõ ràng, cụ thể trong nguyên tắc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với chất thải, quản lý chất thải (Điều 105) để các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động lựa chọn phương án đầu tư, sản xuất kinh doanh, giảm thiểu rủi ro.

Với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, vai trò của Đoàn ĐBQH trong hệ thống chính trị ở địa phương. Về phạm vi lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đa số ý kiến đề nghị giữ phạm vi lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội như quy định trong luật hiện hành. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc chuyển lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng từ Ủy ban Kinh tế sang Ủy ban Tài chính, Ngân sách để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khoa học trong việc quản lý chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa…
 
f
Các đại biểu tham dự Kỳ họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk

 

Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, một số ý kiến tán thành việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc này. Liên quan đến việc đổi tên Ủy ban “Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng” cùng Ủy ban “Về các vấn đề xã hội” thành “Ủy ban Văn hóa, Giáo dục” và “Ủy ban Xã hội”, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ tán thành và cho rằng việc đổi tên gọi như vậy ngắn gọn, khái quát hơn, dễ sử dụng hơn.

 

f
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Y Khút Niê (đứng giữa) trao đổi với các cán bộ, đảng viên xã Ea Sin, huyện Krông Búk. (Ảnh minh họa)

 

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh bào thai để phản ánh đầy đủ nội dung cấm của ngành, nghề “Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người” tại Điểm đ Khoản 1 Điều 6…

Về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đổi mới hình thức, điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, dự thảo luật đã hoàn thiện quy định về ưu đãi đầu tư theo hướng quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của việc thực hiện chính sách này như áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án, nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi...

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan tại Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Kế toán... để bảo đảm thực thi hiệu quả Luật Đầu tư.

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc