Báo Đắk Lắk điện tử
.

(E-Magazine) Huyện Cư M’gar - 40 năm "chuyển mình"

15:33, 19/01/2024
 

Ngày 23/01/2024 đánh dấu mốc son quan trọng trong chặng đường 40 năm hình thành, phát triển của huyện Cư M’gar. Nhìn lại chặng đường đầy khó - khổ đã qua, tự hào chính quyền và nhân dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện nhà đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương để hôm nay Cư M’gar đang khoác lên mình diện mạo mới.

Huyện Cư M’gar ngày nay đã có những tên gọi hành chính khác nhau, từ khi còn là một bộ phận của quận Buôn Ma Thuột (năm 1945) đến khu mật danh H.5 (bí danh thời kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn 1965 - 1975). Trải qua nhiều lần chia tách địa giới hành chính, ngày 23/01/1984, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 15-HĐBT về việc thành lập huyện Cư M’gar trên cơ sở tách từ huyện Ea Súp. 

 
 
 

Năm đầu thành lập, tình hình kinh tế - xã hội huyện vô cùng khó khăn. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo cao; nạn đói, bệnh sốt rét thường xuyên xảy ra. Trình độ dân trí thấp; hủ tục nặng nề. Tổ chức phản động FULRO móc nối, gây dựng cơ sở tại các buôn, làng, lôi kéo thanh niên, liên tục quấy rối, chống phá chính quyền. Hệ thống chính trị yếu kém, đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu..., chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Trong ký ức của những người “khai sơn, phá thạch” huyện Cư M’gar, khu mật danh H.5 bộn bề khó khăn, thử thách... 

Năm 1963, trốn quân dịch, chàng thanh niên Phan Khéo (SN 1940) đưa gia đình từ Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) lên định cư ở xã Quảng Nhiêu (thị trấn Quảng Phú ngày nay), rồi thoát ly tham gia lực lượng vũ trang. 

Những ngày ở Đội công tác và Trạm giao liên H.5, ông Khéo cùng đồng đội bí mật gây dựng cơ sở, dẫn dắt quần chúng đấu tranh đòi địch nới lỏng các quy định ra vào ấp chiến lược, tạo điều kiện cho quân ta hoạt động, tìm cách tiếp cận các thông tin của địch báo về Ban cán sự Đảng H.5. 

 

Năm 1977, bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1938) theo chồng là ông Đặng Văn Thống, một trong 13 cán bộ khung của Nông trường cao su 1/5 huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An) vào tiếp quản Nông trường cao su (nay là Nông trường cao su Cư M’gar, xã Ea Kpam). Khi ấy, những cán bộ và gia đình của họ được bố trí ở dãy nhà của nguỵ để lại trong nông trường. Gia đình bà Thanh với 7 thành viên chen chúc trong căn phòng rộng chưa tới 10 m2. 

"Hồi ấy, FULRO hoạt động mạnh, để tránh bị tấn công, nông trường quy định từ 17 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau không được đốt lửa, mở đèn, ra ngoài... Mỗi ngày, nông trường cắt cử một vài người bảo vệ các gia đình đưa con em ra suối Nam ở xã Ea Kpam (cách nơi ở khoảng 1 km) tắm giặt, lấy nước về sinh hoạt. Cuộc sống đầy hiểm nguy, cơ cực khiến chúng tôi muốn quay về quê, nhưng rồi lại động viên nhau, kiên quyết bám trụ...", bà Thanh nhớ lại.

 

Trước những khó khăn bộn bề, Đảng bộ, chính quyền huyện Cư M'gar tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố chính quyền, lấy chi bộ làm nòng cốt; rà soát nhóm đối tượng tay trong, tay ngoài của FULRO; chú trọng phát triển kinh tế của địa phương để giải quyết bài toán lương thực tại chỗ, mở rộng diện tích đất khai hoang, xây dựng cánh đồng, ổn định dân cư trên địa bàn, cấp đất khuyến khích người dân tăng gia sản xuất.

Việc phát triển cây công nghiệp dài ngày được đẩy mạnh cả khu vực quốc doanh, tập thể và gia đình. Công tác đào tạo cán bộ được quan tâm; quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng là thường xuyên giáo dục đảng viên và tích cực phát động quần chúng giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, giao việc cho cán bộ dân tộc thiểu số… 

 
 

Ông Dương Thanh Tương, nguyên Bí thư Huyện ủy Cư M’gar khóa III (nhiệm kỳ 1990 - 1995) cho biết, lòng dân đồng thuận là yếu tố tiên quyết góp phần đưa huyện nhà có những bước chuyển mình. Nhiều công trình mang đậm dấu ấn đoàn kết của Đảng bộ, nhân dân và các nông trường được xây dựng, như: Đường dây điện 35 KV (đường điện trung thế) dài 18 km từ thị xã Buôn Ma Thuột về thị trấn Quảng Phú; Đài liệt sĩ huyện Cư M’gar; trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở được xây dựng tại các nông trường…, góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng quê, thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân...

 

Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M'gar có tổng diện tích tự nhiên 82.443 ha, trong đó hơn 70% diện tích đất đỏ ba zan, địa hình bằng phẳng, khí hậu mát mẻ, hệ thống suối trải đều khắp rất thích hợp phát triển cây công nghiệp dài ngày và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. 

 
 

Hiện nay, huyện đã hình thành những vùng sản xuất cà phê, cây ăn quả tập trung với tổng diện tích trên 40.000 ha. Giá trị sản phẩm bình quân đạt 300 triệu/ha, đặc biệt một số diện tích sầu riêng cho thu nhập trên 1 tỉ đồng/ha. Tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân chuyển dần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến tạo ra chuỗi tăng giá trị.

Huyện đặc biệt quan tâm vấn đề liên kết sản xuất để nâng cao giá trị, tăng thế mạnh cạnh tranh cho sản phẩm địa phương. Để các chuỗi liên kết đạt hiệu quả cao, vai trò của Hợp tác xã (HTX) rất quan trọng, là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp. Trên địa bàn huyện có 51 HTX và 14 tổ hợp tác (THT). Đa số các HTX, THT đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm đặc trưng. 

 

Đơn cử như HTX Nông nghiệp, Dịch vụ Công Bằng Ea Kiết (ở xã Ea Kiết) đã xây dựng được mối liên kết sản xuất có tính bền chặt, đạt hiệu quả cao. Từ 48 hộ góp vốn ban đầu, đến nay có 97 thành viên và liên kết với 150 hộ dân sản xuất cà phê, phát triển vùng nguyên liệu 441 ha, trong đó có 161 ha được chứng nhận Fairtrade (tiêu chuẩn thương mại công bằng).

“Sản xuất cà phê bền vững luôn có giá bán cao hơn từ 4.000 - 7.000 đồng/kg so với giá thị trường; nhờ đó tăng thu nhập cho các thành viên. Nếu như năm 2011, bình quân thu nhập của các thành viên đạt từ 25 - 30 triệu đồng/ha, đến năm 2023 tăng lên hơn 50 triệu đồng/ha/năm”, ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho hay.

 
 

Trên địa bàn huyện đã quy hoạch 1 Khu công nghiệp của tỉnh với diện tích 313 ha (xã Ea Drơng) và 1 Cụm công nghiệp của huyện (xã Ea Kpam) với diện tích 75 ha. Huyện đã thu hút được một số tổ chức, cá nhân đến đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, trái cây, góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Kết cấu hạ tầng của địa phương từng bước được hoàn thiện, với 36,5 km quốc lộ, 27 km tỉnh lộ, 173 km đường huyện và 232 đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa. Hệ thống công sở, trường học, trạm y tế, lưới điện từng bước được xây dựng, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng dạy học ngày càng được nâng lên; 100% xã, thị trấn có bác sĩ, 100% thôn, buôn, tổ dân phố có nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,8%; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 3,86%. 

 

 

 
 

Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của các DTTS, qua đó mang đến cho mảnh đất này một nền văn hóa đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Nhiều hoạt động khôi phục, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống được tổ chức định kỳ, như: Lễ hội lồng tồng của dân tộc Tày - Nùng (xã Cư M’gar); Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Xê Đăng (xã Ea H’đing); Lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Thái (xã Ea Kuêh); Lễ cấp sắc của đồng bào Dao (xã Ea M’Droh); các buôn của người Êđê thường xuyên tổ chức lễ hội cúng bến nước, lễ hội cầu mưa...

 
 
 
 

40 năm qua hình thành và phát triển, nhờ sự đoàn kết, bền bỉ vượt khó, đặc biệt là tinh thần chủ động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huyện đã khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, đưa Cư M'gar ngày càng phát triển. Với những thành tựu đạt được, huyện Cư M'gar vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương. 

 

Trong quyết định Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội theo cấu trúc không gian gồm 3 tiểu vùng. Trong đó, huyện Cư M’gar được định hướng phát triển thành cực quan trọng của Tiểu vùng trung tâm - tiểu vùng động lực đóng vai trò quan trọng nhất của tỉnh. Đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh có 31 đô thị, trong đó thị trấn Quảng Phú và thị trấn Ea Pốk phấn đấu trở thành đô thị loại 4.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Cư M’gar đến năm 2045 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2064/QÐ-UBND ngày 16/10/2023 cũng xác định, huyện Cư M’gar là vùng đô thị hóa của TP. Buôn Ma Thuột đảm nhận vai trò, chức năng cung cấp các hoạt động các dịch vụ đô thị, sản xuất nông nghiệp như: lương thực, chăn nuôi cung cấp cho dân cư đô thị và các khu công nghiệp khu du lịch, một bộ phận dân cư tham gia lao động trong các đô thị.

Theo đó, đến năm 2045, huyện Cư M’gar hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các tiêu chí, chỉ tiêu về phát triển đô thị, có nền kinh tế phát triển, tăng trưởng ổn định theo hướng thân thiện với môi trường; chất lượng đô thị hóa cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn, môi trường sống văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.

 

Về quan điểm phát triển, các trụ cột chính và đột phá được huyện Cư M’gar đặt ra là: phát triển mạnh công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ; phát triển các cụm công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp có quy mô phù hợp (ưu tiên phát triển các cụm công nghiệp hình thành mới gắn với các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất để tập trung kêu gọi đầu tư) và hình thành các vùng sản xuất tập trung nông, lâm nghiệp, thủy sản, hàng hóa chủ yếu, theo hướng hình thành một nền nông nghiệp hàng hóa lớn phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái của vùng. 

Đến năm 2045, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10-11%; ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 38-39%, thương mại-dịch vụ chiếm 49-50%.

 
 
 
 

Với tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của địa phương, quy hoạch định hướng phát triển không gian vùng huyện Cư M’gar được xác định đa cực, tập trung ở thị trấn Quảng Phú (trung tâm huyện lỵ) và vùng phụ cận đóng vai trò là cực động lực chủ đạo; khu vực thị trấn Ea Pốk và các đô thị dự kiến đóng vai trò là cực động lực hỗ trợ.

Dự báo đến năm 2045, quy mô dân số toàn huyện có 242.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 100.000 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 40-42%...

 

Ông Vũ Hồng Nhật, Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện chủ động rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, đặc biệt là đất đai, xây dựng; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn, như: các trục giao thông chính, trục giao thông kết nối với các vùng kinh tế động lực, các dự án hạ tầng cung cấp điện, nước sạch, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng xã hội cấp huyện…

 

Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường, các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư, huyện tiếp tục cải cách hành chính, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp để mời gọi các nhà đầu tư thực hiện đầu tư theo hình thức xã hội hóa các lĩnh vực y tế, văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục và đào tạo, các chợ trung tâm xã, đầu tư sản phẩm nông nghiệp và công nghệ chế biến, sơ chế... 

 
 

Từ những chủ trương, chính sách đúng và những định hướng có trọng tâm, trọng điểm, huyện Cư M’gar đang vững bước đi lên với tâm thế và lực mới. Trong đó, sự thống nhất và hành động trong cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân là động lực to lớn để địa phương khơi dậy khát vọng, sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển huyện Cư M’gar đến năm 2045 trở thành tiểu vùng trung tâm, tiểu vùng động lực đóng vai trò quan trọng nhất của tỉnh.

 Nội dung: Hoàng Lan Thế

Trình bày: Công Định


Ý kiến bạn đọc