Báo Đắk Lắk điện tử
.

(E-Magazine) Những giáo viên "cắm" buôn

15:34, 18/11/2022
 

Họ - những người tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã tình nguyện băng rừng, vượt suối đến nơi khó khăn, bám thôn buôn, bám trường lớp để gieo chữ.

Bao nỗi vất vả chẳng thể nào kể hết được trên hành trình "trồng người", nhưng trong ánh mắt ấy vẫn ánh lên niềm hạnh phúc khi sĩ số lớp được duy trì, các em học sinh chăm chỉ học tập mỗi ngày.

 
 

23 tuổi, cô giáo Cil Pam Ka Hân (dân tộc K’ho) về nhận công tác tại điểm lẻ thôn Cư Dhắt của Trường Tiểu học Yan Hăn (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) - nơi có hơn 95% học sinh dân tộc Mông. Cũng như những thầy, cô giáo khác ở điểm trường lẻ này, cô Ka Hân vừa là cô giáo, vừa là mẹ của các em học sinh. 

Với cô Ka Hân, về công tác ở điểm trường lẻ thôn Cư Dhắt như một cái “duyên”.

Tháng 5/2022, tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học, Trường Đại học Tây Nguyên, cô Ka Hân dự tính trở về quê nhà ở thôn Đa Hoa, xã Tu Tra (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) nộp đơn xin đi dạy học ở một ngôi trường nào đó trong xã, trong huyện.

Nhưng rồi, một người họ hàng ở xã Cư Đrăm thông tin: Trường Tiểu học Yan Hăn đang tuyển dụng giáo viên. Vừa nghe đến tên “Yan Hăn”, như có một sức hấp dẫn lạ kỳ, không một chút chần chừ cô Ka Hân bắt xe đi ngay đến huyện Krông Bông. 

 

Niềm vui chưa trọn vẹn! Từ điểm trường chính, cô Ka Hân phải vượt qua con đường độc đạo hơn 10 km chênh vênh đầy đất đá lởm chởm để vào điểm trường lẻ thôn Cư Dhắt. Mùa nắng thì còn dễ đi, mùa mưa đường trơn trợt, lầy lội như bôi mỡ!. 

Niềm vui vỡ òa, vừa đến điểm trường lẻ thôn Cư Dhắt cô Ka Hân gặp cô giáo H Rê Long Dĩnh (xã Bông Krang, huyện Lắk) là bạn thân trong suốt nhưng năm học đại học. 

Cũng như cô Ka Hân, để thực hiện ước mơ là giáo viên, cô H Rê đã xin vào điểm trường lẻ thôn Cư Dhắt giảng dạy.

Đôi bạn thân ngày nào cùng nhau học tập nơi giảng đường đại học, cùng chung chí hướng giờ trở thành đồng nghiệp nơi điểm trường gian khó. 

 
 
 

 

 
 

Ở điểm trường lẻ thôn Cư Dhắt, ngoài cô Ka Hân và H Rê là người từ nơi khác đến, còn 7 thầy cô, giáo 9X khác đều sinh sống trên địa bàn huyện Krông Bông.

Các thầy cô không thường xuyên ở lại điểm trường lẻ bởi còn công việc gia đình, vậy nhưng chưa có ngày nào lớp học vắng giáo viên.

Những giáo viên thế hệ 9X ở đây luôn tâm niệm, mỗi ngày đến trường là một ngày vui của cả cô và trò; mỗi ngày đến trường, các em học được con chữ có nghĩa là khoảng cách của sự gian khó đang dần được thu hẹp dần trong tương lai không xa.

 

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Yan Hăn có 1.037 học sinh, trong đó, điểm trường lẻ thôn Cư Dhắt có 10 lớp học, với 234 học sinh.

Không phụ tấm lòng của các thầy cô giáo, có những em học sinh nhà ở cách xa điểm trường, phụ huynh vẫn đưa con đến lớp đúng giờ, nhiều em học sinh bố mẹ bảo nghỉ học ở nhà trông em, nhưng vẫn địu em cùng đến lớp.  

 
 

"Mến trường, yêu bạn", các em học sinh ở Trường Tiểu học Yan Hăn, nhất là ở điểm trường lẻ thôn Cư Dhắt chuyên cần đến lớp. 

Ngay cả thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhà trường phối hợp với các mạnh thường quân tặng điện thoại thông minh cho các em học online. Về phía phụ huynh rất tích cực tương tác, trao đổi với giáo viên về việc học tập của con em mình để không bị gián đoạn.

"Từ tình thương với học trò, các giáo viên trẻ không quản ngại phải lặn lội đường xa để đến các thôn, buôn xa xôi dạy chữ cho học sinh. Nhiệt huyết với nghề... …”, thầy giáo Phạm Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

 
 
 

Năm 1995, tốt nghiệp ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, cô Nguyễn Thị Quyên được phân công về giảng dạy tại Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đức Cảnh (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh). Ngay năm đầu tiếp nhận công tác, cô Quyên xung phong giảng dạy tại phân hiệu của trường ở thôn Tân Sơn (xã Ea Hiu). 

 

Nhà cô Quyên ở thôn 6 (xã Ea Yông), cách điểm trường thôn Tân Sơn hơn 13 km, để kịp giờ dạy buổi sáng, cô rời nhà từ lúc hơn 4 giờ sáng bằng chiếc xe đạp cũ.

Con đường đến trường gập ghềnh, đoạn đá ngổn ngang như muốn cản trở bước chân, đoạn đất đỏ trơn trượt với hai bên cỏ lau lút tầm mắt, nhiều đoạn phải len lỏi qua các vườn cà phê, có lúc hỏng xe dắt bộ giữa chừng…

"Đi nhiều rồi cũng thành quen!. Về sau, để bớt phần vất vả, tôi quyết định trọ lại tại điểm trường chính, rút ngắn “cung đường khó”còn hơn 3 km để đến điểm trường thôn Tân Sơn", cô Quyên trò chuyện. 

 

 

 

Kỷ niệm về mái trường, học trò, về những ngày cơ cực có lẽ không thể kể hết. Nhưng một trong những kỷ niệm khiến cô Quyên nhớ mãi đó là trường hợp em Lương Văn Nghĩa ở thôn Nghĩa Tân, mặc dù học tới lớp 4 nhưng vì chậm tiến nên em chưa biết đọc, biết viết.

Thương cậu học trò nhỏ, cô Quyên đã dành toàn bộ thời gian buổi trưa để kèm cặp, phụ đạo cho em. Niềm vui vỡ òa trong cô Quyên khi sau một học kỳ, Nghĩa đã đọc thông, viết thạo và theo kịp bạn bè.

Đó còn là những ngày rõng rã, sáng đi dạy, chiều cô cùng các thầy cô khác phải kiêm thêm nhiệm vụ “tìm” trẻ mỗi khi thấy chúng không tới trường. Bởi ở vùng sâu, tình trạng học sinh bỏ học, trốn học còn rất nhiều…

 

Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh hiện có 699 học sinh, trong đó hơn 73% học sinh dân tộc thiểu số, 42% học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh, ngoài thời gian công tác, cô Quyên thường xuyên đến nhà thăm hỏi, sẻ chia, động viên các em đến trường.

Đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn, cô Quyên đứng ra kêu gọi giúp đỡ, hỗ trợ các em thông qua nguồn Quỹ "Tiếp bước học sinh đến trường” do tập thể nhà trường đóng góp và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.

 
 

Với những đóng góp thầm lặng của mình cho sự nghiệp trồng người nơi vùng đất khó, cô Quyên 7 lần được công nhận  Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, vinh dự nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.

Từ năm 2008, cô Quyên được bổ nhiệm làm Phó hiệu Trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh. 

 
 

 

Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục Đắk Lắk có 36.154 cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên; trong đó 100% đạt chuẩn trình độ (95,02% cán bộ quản lý đạt trên chuẩn và 82,74% giáo viên đạt trên chuẩn). 

Năm học này, là năm thứ 3, ngành GD-ĐT tổ chức triển khai thực hiện giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. 

"Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo. Đổi mới thành công hay không, một phần rất quan trọng do đội ngũ nhà giáo quyết định. Do đó, một đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng sẽ là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới được thành công", Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.

 
 
 

Trước bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, mỗi nhà giáo mang một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quang. Sự ghi nhận, tri ân những nỗ lực không mệt mỏi để thay đổi và thích ứng của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của mỗi gia đình và xã hội sẽ là động lực quan trọng để các thầy cô giáo kiên trì với sự nghiệp giáo dục ở những vùng còn nhiều khó khăn. 

Sự hy sinh, tận tâm, trách nhiệm của các thầy, cô đã góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành. Qua đó, củng cố thêm sức mạnh, niềm tin để toàn ngành Giáo dục tiếp tục nỗ  lực, vượt khó, không chỉ trong giai đoạn hiện nay mà còn suốt chặng đường dài đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.  

Nội dung: Hoàng Ân - Thuỳ Linh

Ảnh: Nhóm PV, CTV

Trình bày: Lê Công Định

 

 


Ý kiến bạn đọc