Báo Đắk Lắk điện tử
.

Emagazine: Rộn ràng… năm học mới

19:02, 31/08/2022
 

Năm học mới 2022 - 2023 sắp bắt đầu với biết bao mong chờ, háo hức. Các em học sinh, thầy cô giáo sẽ tham dự Lễ khai giảng trực tiếp trong nắng thu vàng, trong nhộn nhịp cờ hoa, được nghe đọc Thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới, được gặp lại thầy cô, bạn bè sau mấy tháng nghỉ hè trọn vẹn. Những điều tưởng chừng như rất đỗi bình thường nhưng đã bị gián đoạn trong hai mùa khai giảng vừa qua do dịch bệnh COVID-19.

 

Hiện nay, tất cả các trường học trong tỉnh đã chuẩn xong các điều kiện sẵn sàng đón các em học sinh tựu trường. Nơi vùng sâu, vùng khó khăn của tỉnh, Trường Tiểu học Trần Phú (xã Bông Krang, huyện Lắk) đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các phòng học xây dựng mới, nhà hiệu bộ; tu sửa sân trường, hàng rào... xong trước ngày khai giảng (5/9).

 

Bên cạnh chuẩn bị về cơ sở vật chất, t trung tuần tháng 8/2022, đội viên Đội nghi thức Trường Tiểu học Trần Phú tập trung tập luyện nghi thức Đội chuẩn bị cho Lễ Khai giảng năm học 2022 - 2023. 

 

Em Nguyễn Phạm Trâm Anh, học sinh lớp 4A hồ hởi: Em rất mong chờ đến ngày tựu trường bởi năm trước phải học trực tuyến khá nhiều, sử dụng điện thoại suốt cả ngày không chỉ ảnh hưởng đến mắt mà còn không được gặp gỡ bạn bè, thầy cô trực tiếp. Đến trường được nghe cô giáo giảng bài trực tiếp, được nô đùa cũng các bạn; mỗi sớm mai lại được tung tăng cùng bạn cắp sách đến trường. 

Năm học 2022 - 2023 này, Trường Tiểu học Trần Phú có 29 lớp với 856 học sinh, trong đó có 7 lớp khối 1. Khác với những năm học trước, điểm trường lẻ buôn Dar Ju xuống cấp trầm trọng nên 29 em học sinh lớp 1 và lớp 2 sẽ chuyển về điểm trường chính để học tập. 

 
 

Là trường tiểu học duy nhất ở xã Bông Krang, trung bình hằng năm Trường Tiểu học Trần Phú tiếp nhận khoảng 150 - 170 em học sinh lớp 1, tổng số học sinh toàn trường luôn trên 800 học sinh.

"Đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, ngân sách địa phương và nguồn lực xã hội hóa không thể đáp ứng được yêu cầu tu sửa, xây dựng mới cơ sở vật chất trường học. Vì vậy, việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất trường học từ nguồn vốn ngân sách nhà nước là nguồn động viên lớn giúp thầy cô giáo chúng tôi có động lực hơn trong việc khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng giáo dục" - cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

 
 

Vượt qua những khó khăn của một trường vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Trường Tiểu học Trần Phú đã vươn lên trở thành một trong những trường học có thành tích về chất lượng giáo dục đại trà, các phong trào thi đua của huyện Lắk. Tháng 12/2021, UBND tỉnh đã công nhận Trường Tiểu học Trần Phú đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. 

 

Không riêng Trường Tiểu học Trần Phú, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 478.180 học sinh theo học tại 1.017 trường học từ bậc mầm non đến THPT, để bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học mới 2022 - 2023, UBND tỉnh đầu tư gần 477 tỷ đồng đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học. Trong đó, đầu tư gần 389 tỷ đồng xây mới 350 phòng học, tu sửa nâng cấp 170 phòng học cũ, xây dựng hệ thống tường rào, sân chơi, cổng trường cho các trường học và dành kkhoảng 88 tỷ đồng mua bàn ghế, bảng viết, trang thiết bị dạy - học. 

 
 

“Vậy là thứ Hai (5/9) tới, em chính thức bước vào năm học mới. Thật nôn nao, háo hức, năm nay em đã là học lớp 9, sẽ được chào đón các em học sinh 6 đầu cấp - một nét đẹp truyền thống của nhà trường tại Lễ khai giảng!” – Em Bùi Kim Ngân, học sinh lớp 9A7, Trường THCS Lương Thế Vinh, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) trò chuyện khi đang cùng các em chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho năm học 2022 - 2023. 

 
 
 

Năm học này, ba chị em Kim Ngân quyết định rủ nhau đi nhà sách mua sách vở, dụng cụ học tập, tự bao bọc sách vở không cần sự giúp đỡ của bố mẹ như các năm học trước.

Dẫu còn vụng về, lóng ngóng trong căn chỉnh bìa bao vở; thậm chí bao ngược, nhưng hai cô em gái muốn tự tay mình viết tên trường, tên lớp, tên môn học vào nhãn tên.

“Sáng nay đi nhà sách mải mê lựa chọn cả ba chị em quên mất giờ hẹn với bố mẹ đến đón. Mãi khi mẹ vào nhà sách giục, cả ba chị em mới nhanh chóng đến quầy thanh toán. Thật là vui!”, em Nhật Hạ nói. 

Cả ba chị em Kim Ngân, Cẩm Tú và Nhật Hạ rất hào hứng bước vào năm học mới bởi đã có gần 3 tháng nghỉ hè trọn vẹn, ý nghĩa, hoàn thành trọn vẹn các kế hoạch, mục tiêu đặt ra. 

 

 

 

 

Trước đó, ba chị em gái đã tham gia hoạt động từ thiện tặng sách vở cho học sinh nghèo vùng dân tộc thiểu số do một nhóm thiện nguyện tại địa phương tổ chức. 

 

Và mới đây, ba chị em tiếp tục tham tham gia một hoạt động thiện nguyện quy mô lớn hơn tổ chức trước khi kết thúc mùa hè toại nguyện. Các phần quà mà ba chị em đóng góp cho chương trình là những chú thú bông, quần áo đồng phục và những bộ sách giáo khoa cũ để gửi đến các em học sinh nghèo với mong muốn góp một phần quà nho nhỏ để các bạn cùng trang lứa có quần áo, sách vở, đồ chơi cho năm học mới. Những hoạt động này, sẽ chẳng thể nào thực hiện được nếu như dịch bệnh COVID-19 chưa được kiểm soát. 

 
 
 

Hè năm học trước, ba chị em Kim Ngân, Cẩm Tú, Nhật Hạ cũng lên kế hoạch, đặt nhiều mục tiêu thực hiện trong dịp hè nhưng đều bị “phá sản” do dịch bệnh COVID-19. Cả khu phố bị giăng dây cách ly vì có ca dương tính, ba chị em tự vui hè bằng cách đánh đàn, đọc sách, đọc truyện, trượt patin trong sân. Còn hè năm nay thật thích. "Em đã “nạp đủ năng lượng” để bước vào năm học cuối cấp, với mục tiêu số 1 là săn học bổng du học, còn mục tiêu số 2 là thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Nguyễn Du", em Kim Ngân hào hứng chia sẻ.

 

Theo lộ trình, năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Để triển khai hiệu quả chương trình, ngành Giáo dục tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên. Trong đó, chú trọng tập huấn cho đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp đối với các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018.

 
 
 

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, xã Cư  Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) có 372 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 94%. Đến nay, giáo viên của nhà trường đã được bồi dưỡng, tập huấn về sử dụng sách giáo khoa lớp 3.

Qua các lớp bồi dưỡng, đã giúp các thầy cô giáo của nhà trường nắm rõ chương trình, đặc biệt là nội dung sách giáo khoa muốn chuyển tải tới học sinh. Từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch dạy - học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung, đáp ứng yêu cầu cần đạt theo chương trình GDPT 2018. 

 

Cô giáo Sa Ly Niê, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng cho biết, nhà trường tổ chức dạy tiếng Anh và Tin học cho học sinh từ nhiều năm nay nên khi hai môn học này chính thức trở thành môn học bắt buộc của học sinh lớp 3 trong năm học này nhà trường rất thuận lợi khi triển khai.

Ngoài yên tâm về số lượng giáo viên cũng như trang thiết bị máy móc phục vụ học tập, cô Sa Ly cũng bày tỏ tin tưởng vào chất lượng giáo dục bởi đa số giáo viên khối 3 đều có kinh nghiệm, vững vàng chuyên môn. Đặc biệt, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giáo án, giảng dạy cũng được các thầy cô giáo tiếp cận nhanh, hiệu quả. 

 

Thầy Nguyễn Hoa Nam, Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận: “Triển khai chương trình GDPT 2018 đòi hỏi mỗi nhà trường, thầy cô giáo phải thay đổi toàn diện, từ xây dựng kế hoạch, chương trình, hình thức tổ chức giáo dục cho đến cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh”.

Hiểu rõ những thách thức của quá trình đổi mới, thầy cô giáo Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory đã tận dụng thời gian học sinh nghỉ hè, tập trung nghiên cứu sách giáo khoa, phương pháp, nội dung để giảng dạy Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh tham gia các lớp tập huấn do ngành Giáo dục tổ chức, các thầy cô giáo đều tự học tập, trao đổi kinh nghiệm với các thành viên trong tổ chuyên môn để khi vào năm học mới sẽ khai thác, sử dụng hiệu quả sách giáo khoa và các nguồn học liệu. Đến nay, tất cả giáo viên của nhà trường đã sẵn sàng bước vào năm học mới với quyết tâm đạt kết quả cao. 

 

Ngay sau khi kết thúc năm học 2022 - 2023, thầy Hà Duy Trường, giáo viên môn Hóa học, Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Cư Né, huyện Krông Búk) đã xây dựng cho mình kế hoạch học tập, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và năng lực sư phạm.

Đầu tiên thầy tham gia khóa học ngắn hạn về thiết kế bài giảng trên Powerpoint, Ispring suite nhằm ứng dụng công nghệ thông tin và một số hiệu ứng vào bài giảng giúp tiết học thêm sinh động, hấp dẫn.

Tiếp đó, thầy Trường dành nhiều thời gian nghiên cứu chương trình GDPT 2018 để hiểu rõ mục tiêu, định hướng của chương trình. Bên cạnh đó, thầy còn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng do ngành Giáo dục tổ chức. 

 

 
 
 

Năm học 2022 - 2023 bắt đầu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và còn đó những nỗi lo về chương trình, sách giáo khoa, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu giáo viên cục bộ nhưng với khí thế của một năm học trở lại "trạng thái bình thường mới" sau gần 3 năm học trầm lắng do dịch bệnh sẽ tiếp thêm động lực, niềm tin cho các nhà trường, thầy cô giáo, các em học sinh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm năm học theo đúng chủ đề năm học mới Bộ GD-ĐT xác định “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. 

Nội dung: Hoàng Anh Như

Trình bày: Công Định 


Ý kiến bạn đọc