Báo Đắk Lắk điện tử
.

Những người "lái đò" thầm lặng

20:11, 19/11/2021

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua đã khiến cô và trò từ thành thị đến nông thôn luôn trong trạng thái "nhấp nhổm"' lúc học trực tiếp, khi học online với bao lo lắng, áp lực. Dẫu vậy các thầy cô giáo, các em học sinh đã nỗ lực vượt qua để sự học không bị tạm dừng dù trong trạng thái nào. 

 

Kỷ niệm năm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021), mỗi câu chuyện buồn vui về dạy học trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức là những mảnh ghép chân thực, sinh động về nghề giáo.

 

Tiết học Ngữ văn khối lớp 7 của cô giáo Hoàng Thị Chuyên, Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) hôm nay bắt đầu trễ hơn so với thời gian biểu vì sĩ số lớp vắng ít và cô giáo phải hỗ trợ 2 em học sinh sử dụng phần mềm học trực tuyến. Tham gia lớp học có 40/77 em - tiết học có sĩ số học sinh nhiều nhất từ khi nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến đến nay.

Niềm vui của cô giáo Chuyên nhân đôi khi em Y Sáng Lào, dân tộc M'nông (ở buôn Trí A) có mặt học buổi đầu tiên dẫu năm học học 2021 - 2022 bắt đầu gần 2 tháng. Tạm quên thời gian 2 tiết “lên sóng” của môn học chỉ vỏn vẹn 70 phút, cô Chuyên dặn dò em Y Sáng cách thức bổ sung kiến thức đã bỏ lỡ một phần do lớn hơn 3 tuổi so với các bạn cùng lớp nên xấu hổ với bạn và không có thiết bị để học online.

 
 
 

Hơn 17 năm gắn bó với bục giảng, với các em học sinh, lần đầu tiên trải qua hơn 40 ngày dạy học trực tuyến, cô Chuyên càng thấm những nhọc nhằn của nghề bụi phấn dính đầy tay.

"Lúc học trực tiếp, 15 phút sinh hoạt đầu giờ, thấy vắng em học sinh nào là mình cấp tốc chạy xe máy xuống nhà chở đến trường. Dịch COVID-19 phức tạp, phải chuyển sang dạy học online, “vào" lớp học trở nên "khó nhằn" với cả cô và trò. Học trò của mình đa phần gia đình khó khăn, bố mẹ bận tối ngày, ít có thời gian quan tâm việc học tập của con em mình. Có buổi học vắng cả nửa số học sinh", cô Chuyên trò chuyện.

Và chỉ trong vài buổi dạy học trực tuyến đầu tiên, cô Chuyên nhận ra "khoảng trống" khá lớn khi dạy học trực tuyến. Các em không có máy tính, lap top, điện thoại thông minh, đường truyền internet "chập chờn", ý thức học tập chưa tốt, chưa quen với việc cô trò gặp nhau qua màn hình.

Cô Chuyên đã điều chỉnh nội dung, cách thức giảng bài để thu hút học sinh trong suốt buổi học, và tương tác với học trò nhiều hơn. Qua mỗi bài giảng, cô Chuyên muốn chuyển tải đến các em rằng: dù thiệt thòi về điều kiện học tập, sự quan tâm của cha mẹ nhưng cả cô và trò cùng cố gắng, thì các em vẫn tiếp thu được kiến thức cơ bản.

 
 

Ngôi nhà của cô Nguyễn Thị Huệ (51 tuổi), giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường THCS Phạm Hồng Thái nằm trong hẻm nhỏ ở đường Y Nir Ksơr (TP. Buôn Ma Thuột). Tuy không phải đến trường dạy học, nhưng thời gian dành cho công việc chuyên môn của cô Huệ nhiều gấp 2 - 3 lần so với trước đây. Với gần 30 năm dạy học, nội dung mỗi bài giảng đã ăn sâu vào tâm thức, nhưng cô Huệ lại gặp khó khăn hơn các giáo viên trẻ khi dạy trực tuyến.

 

Song, với sự cố gắng của cô Huệ, qua màn hình máy tính, hơn 45 học sinh đang tương tác. Không khí lớp học sôi nổi ngay từ những phút đầu tiên. Sau khi kiểm tra bài cũ, cô Huệ chuyển sang bài mới với chủ đề các nước châu Á thể kỷ 18 - 19. 

Để giới thiệu bài học, cô Huệ sử dụng nhiều hình ảnh, clip cũng như bản đồ để gợi mở, đặt vấn đề cho học sinh tìm hiểu. Dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng thỉnh thoảng tiết dạy lại gặp trục trặc về đường truyền, âm thanh, file bài giảng bị lỗi, khiến việc truyền tải và tiếp nhận kiến thức bị gián đoạn. Sau mỗi lần trục trặc, cô Huệ phải mất thêm thời gian giảng lại bài.

 

Tốn nhiều thời gian không kém công đoạn soạn giáo án là việc chấm bài, trung bình mỗi ngày cô Huệ sẽ chấm khoảng 10 bài tập của học sinh qua file ảnh. Dù có quy định về thời gian nộp bài tập nhưng nhiều em đến 22 giờ mới nộp bài. Tuy chương trình dạy trực tuyến đã giảm tải, nhưng cô Huệ vẫn phải làm việc bên máy tính từ 7 giờ sáng sáng cho tới khuya, gần như không có thời gian chăm sóc gia đình, chồng con. 

Năm học 2021 – 2022 cô Huệ được nhà trường phân công dạy 20 lớp, mỗi lớp lập một nhóm Zalo. Mỗi ngày cô phải nhận hàng trăm tin nhắn cũng như các cuộc điện thoại gọi đến của phụ huynh, học sinh liên quan đến phần mềm học trực tuyến bị lỗi, không vào được hoặc em đang làm kiểm tra bị rớt mạng. Chỉ riêng việc đọc hết tin nhắn trong các nhóm Zalo, giải đáp thắc mắc từ các cuộc trao đổi khiến cô "kiệt sức".

 

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” cô Lê Thị Châu Loan giáo viên Trường Tiểu học Cư Pui 1 (huyện Krông Bông) đã mượn ca từ trong bài hát "Một đời người, một rừng cây" để nói về lý do cô quyết định gắn bó với những em học sinh nghèo vùng dân tộc thiểu số suốt 30 năm qua. 

 

Đi cùng cô Loan đến nhà học sinh ở buôn Bhung, chúng tôi mới thấu hiểu những nỗi vất vả, nhọc nhằn, cũng như sự tâm huyết của cô đối với học sinh nơi đây. Từ Trường Tiểu học Cư Pui vào đến buôn Bhung gần 3 km, chủ yếu là đường đất quanh co. Cơn mưa kéo dài làm con đường đất trơn trượt vào buôn thêm phần gian nan. Để đến được nhà học sinh, cô Loan phải giữ chặt tay lái, nhích bánh xe từng chút lên những con dốc trơn. Đến những đoạn đường hiểm trở, không thể đi xe máy buộc cô phải để xe ở bên đường rồi đi bộ.

 

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay, nay cũng có một nghề bùn đất bám đôi chân” - Câu nói vui của cô Loan, nhưng lại là câu chuyện xúc động về hành trình gian nan, bền bỉ của những người thầy, người cô gieo chữ ở vùng sâu.

 

Học sinh khi thấy cô giáo tới nhà đã nhảy reo lên vui sướng nhưng cũng có những em do lâu ngày không đến trường đã quên mất con chữ, nên cô Loan phải dạy lại từ đầu. Phần lớn gia đình các em đều khó khăn, sống trong ngôi nhà tạm bợ, được chắp vá bằng những tấm ván cũ, tôn rách. Những lúc trời mưa to cô trò phải kéo bàn ghế thay đổi chỗ liên tục để tránh nước dột. Hiện nay nhiều thôn buôn trên địa bàn xã vẫn chưa có điện lưới quốc gia, vì vậy sự học ở đây lại càng khó khăn hơn, những lúc cô Loan đến dạy học, phụ huynh phải cầm đèn pin chiếu sáng cho cô trò. 

Nói về nghề và về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, cô Loan có nhiều cảm nhận đặc biệt bởi sự mộc mạc, chân thành của học sinh. Không quà cáp sang trọng, cũng chẳng phải những bó hoa đắt tiền, ngày 20-11 của cô Loan đơn sơ mà ấm áp vô cùng. Để tri ân cô giáo các em thường ngắt hoa dại ven đường, có em thì tặng chuối xanh, ớt trồng được trong vườn nhà. Những món quà rất thân thuộc, giản dị nhưng ai cũng xúc động. Hạnh phúc chỉ cần có thế. Nghề giáo chưa bao giờ hết cao quý và vẫn mãi là nghề cao quý nhất của những nghề cao quý.

 
 
 

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay đến trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các thầy cô giáo, các em học sinh không thể đến trường. Mong ước lớn nhất của các em học sinh là dịch bệnh sớm được kiểm soát, để được tung tăng đến trường, được gặp gỡ bạn bè, thầy cô giáo.

Đây cũng là điều mong muốn của các thầy cô giáo để hành trình "gieo chữ" bớt gian nan, nhọc nhằn. Sự chia sẻ, thấu hiểu, đồng hành của phụ huynh với các thầy cô giáo trong dạy học trực tuyến là món quà tinh thần tri ân ý nghĩa trong ngày hiến chương nhà giáo!

Nội dung, ảnh: Như Quỳnh - Hoàng Ân

 Trình bày: Đức Văn 


Ý kiến bạn đọc