Báo Đắk Lắk điện tử
.

Bảo tàng Đắk Lắk - Nơi thời gian ngưng đọng

16:49, 15/11/2021
 

Là một trong những bảo tàng “giàu có” và hiện đại của cả nước, Bảo tàng Đắk Lắk là nơi bảo tồn, lưu giữ, trưng bày, khai thác, phát huy giá trị những di sản tự nhiên, văn hóa và lịch sử của các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở Tây Nguyên, giúp cho du khách một cách nhìn toàn diện, đầy đủ về quá trình phát triển của đất nước và con người nơi đây. 

 

Năm 2008, Bảo tàng Đắk Lắk được xây dựng lại theo thiết kế kiến trúc nhà dài truyền thống của dân tộc Êđê nhưng sử dụng các chất liệu hiện đại: bê tông, kính, hợp kim, cùng các màu sắc tương phản như trắng, đen, nâu... khiến không gian vừa hiện đại vừa cổ điển, cuốn hút lòng người thoạt từ cái nhìn đầu tiên.

 

Nhà dài cũng là một đặc trưng của kiến trúc Đắk Lắk, có không gian đơn giản nhưng rất ấn tượng. Cấu trúc không gian của Bảo tàng Đắk Lắk được mô phỏng theo dạng thức đơn giản này. 

 

Bảo tàng Đắk Lắk nằm trong khuôn viên Biệt điện Bảo Đại rợp bóng cây xanh cổ thụ, rất đa dạng về chủng loại. Nơi "khu rừng giữa lòng thành phố" này có cây Long Não tuổi thọ 70 - 80 năm, dáng rất đẹp và hiếm thấy. Đường kính thân cây trên 2m, cao trên 30m, tán vươn rộng ra hàng chục mét - đây có thể là một trong những cây long não to nhất ở Việt Nam. 

Công trình được xây dựng trong không gian mở, vì vậy bất kỳ ai khi đến đây đều có cảm giác dễ chịu, nhất là khi đi dạo quanh Bảo tàng trong tiếng xào xạc của mùa cây rừng thay lá. Vào mùa mưa, Bảo tàng được ôm ấp bởi những thảm cỏ với cây cối xanh mướt, không hề có cảm giác "lạc tông" mà rất hòa hợp với không gian núi rừng bạt ngàn ở Tây Nguyên.

 

 

 
 
 
 

Bảo tàng Đắk Lắk rất "giàu có" về hiện vật, đặc biệt là hiện vật văn hóa của các dân tộc Êđê, M’nông, Gia Rai, Xê Đăng, Vân Kiều, Tày... Điều này cũng dễ hiểu bởi cao nguyên Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và các vấn đề liên quan đến bản sắc văn hóa dân tộc. 

Hiện Bảo tàng Đắk Lắk đang lưu giữ gần 13.000 hiện vật quý hiếm, trong đó có hơn 2.000 hiện vật văn hóa dân tộc, 4.000 phim, ảnh tư liệu và trên 6.000 hiện vật thuộc lĩnh vực khảo cổ học và lịch sử; được bố trí trưng bày theo 3 nội dung: Văn hóa dân tộc, lịch sử và đa dạng sinh học.

 
(Note: Đưa hình này lên trên, sau cụm 4 hình).
 
 
 

Đi từ khu giữa sang khu bên trái Bảo tàng Đắk Lắk du khách như được bước từ những cánh rừng bạt ngàn của cao nguyên qua không gian văn hóa gần gũi, mộc mạc của các dân tộc trên dải đất hình chữ S. Đây là không gian trưng bày Văn hóa các dân tộc - nơi “giữ chân” du khách lâu nhất mỗi khi đến với Bảo tàng Đắk Lắk. Rộng trên 700m2, có hơn 450 hiện vật, phần trưng bày này sử dụng tới 27 bài viết các loại, 122 ảnh và 12 phim video. 

Trong số đó, thu hút sự quan tâm nhiều nhất của du khách là các bộ sưu tập liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, đời sống sản xuất, sinh hoạt thường ngày của các dân tộc rất đa dạng, như: bộ sưu tập chiêng, ché; dụng cụ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng; một số sản phẩm thủ công truyền thống; bộ sưu tập trang sức, trang phục... 

 
 
 
 
 
 

Đặc biệt có những hiện vật hiện chỉ còn lại rất ít, thậm chí một số hiện vật đã hoàn toàn không còn được sử dụng trong đời sống, mà chỉ còn lại ở Bảo tàng Đắk Lắk hay ở một số nhà sưu tập tư nhân. Đó là bộ dụng cụ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của người Lào, M’nông; trang phục của các thầy cúng của các dân tộc cùng những hiện vật phục vụ nghi lễ truyền thống… 

Bảo tàng Đắk Lắk là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng bốn ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Êđê - là ngôn ngữ của cư dân tại chỗ trên địa bàn tỉnh trong trưng bày. 

 
 
 

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bảo tàng Đắk Lắk đã chủ động ứng dụng nền tảng công nghệ, từng bước chuyển đổi số để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Bảo tàng Đắk Lắk đã số hóa các hiện vật trưng bày; tổ chức bảo tàng 3D trên website, xây dựng lộ trình thực hiện trưng bày ảo; số hóa di tích đã được xếp hạng. Đặc biệt, trong dịp lễ Quốc khánh 2-9-2021, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức trưng bày trực tuyến chuyên đề “Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên” tạo được hiệu ứng khá tốt trên website và Fanpage. 

Trưng bày chuyên đề "Những ngôi nhà xưa ở Tây Nguyên". 

 

Không gian trưng bày của Bảo tàng Đắk Lắk hiện đại, khoa học, các hiện vật phong phú đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng tham quan. Nhất là thái độ phục vụ, tinh thần cầu thị của cán bộ, nhân viên Bảo tàng khi du khách trao đổi, góp ý đã thêm một điểm cộng.  Điều này lý giải tại sao, mỗi lần đến thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột công tác, học tập, ông Lê Xuân Lợi - du khách đến từ tỉnh Ninh Thuận đều dành thời gian "về" Bảo tàng Đắk Lắk. "Về" chứ không phải là đến, bởi từ lâu những du khách như ông Lợi đã xem Bảo tàng Đắk Lắk là chốn quen để tìm về thư giãn, để thỏa trí khám phá "thời gian ngưng đọng" nơi không gian mát rượi rợp bóng cây xanh.  


 Nội dung: Nguyên Hoàng Ngọc

Ảnh: Hữu Hùng - Nguyên Hoa - Sao Mai - Văn Cường và CTV

Trình bày: Lê Công Định


Ý kiến bạn đọc