Báo Đắk Lắk điện tử
.

Những bông hoa trong mùa dịch

17:42, 19/10/2021
 

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, phụ nữ đã và đang góp phần giữ cho toàn xã hội tiếp tục hoạt động, duy trì các hệ thống y tế trong vai trò là những nhân viên tuyến đầu ngày đêm túc trực điều trị, chăm sóc người bệnh, và dũng cảm thực hiện các trách nhiệm tại cộng đồng với nhiều công việc không tên…

Xin gửi tặng đến các nữ y bác sĩ, nhân viên y tế,

cùng tất các chị, em phụ nữ đã và đang chung tay, góp sức chống dịch bệnh COVID-19.

Những bông hoa tỏa ngát hương giữa cuộc đời!

 

Nhà chỉ có hai vợ chồng cùng con gái 14 tuổi, chồng đi làm xa một tháng chỉ về nhà đôi lần, nhưng khi đơn vị kêu gọi tinh thần tình nguyện vào tâm dịch TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ đồng nghiệp chống dịch, bác sĩ Trần Thị Lệ, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã không ngần ngại đăng ký tham gia.

Để yên tâm “Nam tiến” làm nhiệm vụ, bác sĩ Lệ đã dạy con gái cách chế biến các món ăn đơn giản trong thời gian bố mẹ vắng nhà, mua lương thực, thực phẩm rồi phân loại để sẵn trong nhà, nhờ người thân đến ngủ cùng bé vào buổi tối.

Ngày đầu tiên tiếp nhận công việc ở khu vực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Lệ như không tin vào mắt mình khi chứng kiến những tàn khốc của đại dịch COVID-19 mà trước đó không lâu chị ở quê nhà theo dõi tin tức không thể tưởng tượng viễn cảnh ấy. Sự hối hả của các y, bác sĩ để cố gắng giành giật sự sống mong manh cho bệnh nhân, những tiếng thở nặng nhọc của người bệnh hòa lẫn tiếng kêu tít tít từ các máy Ecmo… đã cuốn chị vào guồng quay công việc.

 

Bác sĩ Lệ tâm sự: "Khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Khoa Bệnh nhiệt đới là nơi điều trị bệnh nhân nặng. Hằng ngày, ngoài việc điều trị chúng tôi còn phải tham gia vấn đề chăm sóc bệnh nhân nên tiếp xúc bệnh nhân rất gần gũi, lúc đó không có khoảng cách giữa bác sĩ và người bệnh hay COVID gì nữa cả mà chỉ cố gắng làm sao để cứu được tính mạng của con người, dù mỗi đợt xét nghiệm đều có 2-3 y bác sĩ dương tính với SARS-CoV-2 do lây nhiễm chéo. Thế nhưng, mỗi khi một bệnh nhân tử vong, cảm xúc của chúng tôi cũng chùng xuống vì cảm thấy bất lực vì mình đã làm hết sức, cầm điện thoại lên mà cũng nghẹn lòng không thể thông báo tin dữ cho cho người nhà bệnh nhân. Đau buồn khi phải tận mắt nhìn người bệnh mình chăm sóc điều trị rời khỏi cuộc sống là điều khó tránh khỏi, nhưng khi cảm xúc qua đi, tất cả lại nỗ lực với công việc, vì vẫn còn rất nhiều bệnh nhân đang cần chúng tôi”.

 

Một tháng trôi qua, bác sĩ Lệ trở về với công việc hiện tại – chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), song những ngày hối hả chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 nơi tâm dịch vẫn như những thước phim quay chậm diễn ra trong tâm trí mà mỗi khi nhắc đến chị không khỏi bổi hồi cảm xúc.

 

Tròn 15 năm làm việc tại Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), nhưng với chị Nguyễn Thị Kim Tuyền thì khoảng thời gian tham gia chống dịch COVID-19 mãi là dấu ấn khó phai. Bởi đây là khoảng thời gian chị cùng đồng nghiệp phải đối mặt với áp lực công việc dày đặc, thường xuyên đối mặt với nguy hiểm khi ngày ngày tiếp cận với nguồn lây nhiễm để lấy mẫu test nhanh, xét nghiệm COVID-19.

Khi làn sóng dịch bệnh thứ tư bùng phát, chị Tuyền cùng đồng nghiệp thường xuyên phải di chuyển khắp các địa phương trong tỉnh, bất kể ngày hay đêm để tham gia điều tra, truy vết. Công việc lấy mẫu dẫu không nặng nề, nhưng khi phải làm việc liên tục nhiều giờ liền trong bộ đồ bảo hộ kín mít, dù khát nước cũng không thể uống, đói cũng không thể ăn để hạn chế việc lây nhiễm chéo, thì đó lại là cả một sự nỗ lực không nhỏ.

 

Sau mỗi đợt lấy mẫu cởi bỏ bộ đồ bảo hộ là toàn thân ướt đẫm mồ hôi, gương mặt in hằn vết khẩu trang, đôi bàn tay nhăn nhúm vì mang bao tay cao su quá lâu. Ấy là chưa kể đến những nguy cơ thường trực khi thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Song, vượt lên tất cả, chị Tuyền và đồng nghiệp luôn cố gắng gấp rút hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, vì họ biết, càng có kết quả xét nghiệm sớm, việc truy vết và hạn chế lây lan dịch bệnh sẽ càng hiệu quả.

 
 
 
 

Công việc của chị Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột thường ngày đã khá bận rộn. Vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp chị lại càng tất bật hơn khi có nhiều người nhiễm virút Sars-Cov-2, nhiều người trong khu cách ly, khu phong tỏa cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

Chị Lý rong ruổi khắp các tuyến phố, con hẻm, khu dân cư trong thành phố từ sáng sớm đến nửa đêm, hết tiếp nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm của các địa phương, đơn vị, cá nhân gửi tặng, rồi lại tập trung phân loại, nhanh chóng vận chuyển đến các điểm cách ly, phong tỏa y tế trao cho người dân. Mồ hôi chưa kịp ráo, chị Lý lại tất tả đến trao trang thiết bị y tế, đồ dùng ở bệnh viện, khu cách ly tập trung. Từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, chị Lý chưa biết đến ngày lễ, này nghỉ cuối tuần là gì, những bữa cơm bên gia đình cũng thưa vắng dần.

 
 

Không chỉ kêu gọi vận động, kết nối với các tổ chức, cá nhân có tấm lòng thơm thảo hỗ trợ vật chất, chị Lý thường xuyên có mặt tại các “điểm nóng”, điểm có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt, sau khi TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố ở phía Nam nới lỏng giãn cách, chị Lý không kể ngày, đêm túc trực tại Chốt kiểm soát dịch bệnh trên Quốc lộ 14 (đoạn qua xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) để tận tay trao những suất ăn miễn phí, phần quà tiếp sức cho những công dân hồi hương sau một chặn đường dài thấm lạnh mưa gió, đói, mệt.

Dù sau lớp khẩu trang là gương mặt đỏ bừng vì nóng bức nhưng chị Lý vẫn chưa bao giờ quên nở nụ cười, giữ tinh thần lạc quan để động viên, tiếp sức cho người dân.

 
 

Chị H’Hương Bkrông, Phó Bí thư phụ trách Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP. Buôn Ma Thuột đã cùng tập thể Ban Thường vụ Thành Đoàn tổ chức nhiều hoạt động vì cộng đồng, đặc biệt là có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

 

Chị H’Hương cùng tập thể Ban Thường vụ Thành Đoàn TP. Buôn Ma Thuột đã tham mưu xây dựng 5 điểm rửa tay công cộng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, giúp tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng thói quen rửa tay đúng cách để phòng bệnh truyền nhiễm. Chị H’Hương còn là người đầu tiên đề xuất, triển khai chương trình “Siêu thị di động 0 đồng” tại tỉnh, qua đó kịp thời hỗ trợ 1.600 suất quà cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 trên địa bàn.

 
 
 

Vất vả, áp lực, nhưng lửa nhiệt huyết, khát khao cống hiến của tuổi trẻ vẫn  mãi cháy và đem lại niềm vui cho mọi người, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống là động lực giúp cán bộ Đoàn –Hội vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

 Với chị H’Hương, niềm vui ấy đơn giản là nụ cười hạnh phúc của những gia đình khó khăn, các em học sinh nghèo hiếu học khi được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới, được tặng học bổng hay chỉ là những phần ăn ấm nóng, chai nước uống, ánh mắt sẻ chia… với bà con trở về từ tâm dịch trở về quê nhà…

 

                                                                                                                       Nội dung, hình ảnh: Kim Hoàng, Vân Anh, Như Quỳnh

                                                                                                                                             Trình bày: Lê Công Định


Ý kiến bạn đọc