Multimedia Đọc Báo in

Ký ức Lý Sơn

09:27, 13/02/2024

Tạm biệt Lý Sơn, tôi mang theo về nỗi nhớ cùng dư vang của tiếng sóng trùng dương. Từ vạn đời nay, hòn đảo tiền tiêu nằm giữa biển cả khơi xa này là một phần máu thịt của giang sơn nước Việt!

Lần đầu tiên trong đời lúc được đặt chân lên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), trong tôi bỗng trào dâng một xúc cảm khó gọi thành tên. Đó là niềm háo hức của một du khách được dạo bước khám phá miền đất mới, pha lẫn cảm xúc bồi hồi khi ngắm nhìn hòn đảo in dấu hình bóng tiền nhân từ thuở xa xưa vượt trùng khơi sóng cả ra Lý Sơn tạo lập chủ quyền bờ cõi.

Huyện đảo Lý Sơn rộng 10,39 km2, với dân số hơn 22.000 người, cách đất liền 15 hải lý, gồm hai đảo: đảo Lớn (Lý Sơn hoặc theo cách gọi dân gian là Cù lao Ré), đảo Bé (Cù lao Bờ Bãi) và hòn Mù Cu ở phía đông của đảo Lớn. Nơi đây gắn liền với danh tiếng lưu truyền của đội hùng binh Hoàng Sa canh giữ chủ quyền biển đảo từ mấy trăm năm về trước và đã khắc ghi vào sử Việt.

Cột cờ Lý Sơn.

Ấn tượng khó quên đầu tiên đối với tôi và các đồng nghiệp khi đến Lý Sơn là sự chân chất, thân thiện của những cư dân bản địa. Tôi cứ nhớ mãi tiếng “dạ” dễ thương mở đầu câu nói của mấy chàng trai trẻ lái taxi người Lý Sơn khi đưa khách đi tham quan các danh lam thắng cảnh. “Dạ, sáng nay em sẽ đưa đoàn mình đến thăm Cột cờ Lý Sơn”. “Dạ, bây giờ em sẽ đưa các anh chị đi vãn cảnh chùa Hang”. Buổi chiều, đón chúng tôi là một cậu lái taxi khác. “Dạ, em chào cả nhà mình ạ! Dạ, anh sáng nay đưa đoàn mình đi có việc bận đột xuất nên em thay thế ạ”, đó là câu giải thích và cũng lời chào hỏi đầy thiện cảm. Những tiếng “dạ” nhỏ nhẹ và khiêm nhường ấy khiến chúng tôi mát lòng và cảm thấy chuyến đi của mình thêm phần thú vị. Bởi vì, ai đó đã nói rằng: người lái taxi cũng là một trong những hình ảnh đại diện, là “đại sứ” quảng bá, góp phần tạo lập và lan tỏa thương hiệu du lịch của một điểm đến trong lòng du khách!

Khi đến đảo Lớn, tôi mới biết được rằng tỏi Lý Sơn không phải trồng trên đất mà là trên… cát biển. Người dân ở đây lấy cát ven bờ biển về đổ trên những đám ruộng cạn để trồng tỏi, hành và sau một thời gian lại thay lớp cát mới. Có lẽ bởi sự khác biệt này mà từ lâu tỏi Lý Sơn đã vang danh gần xa, chiếm giữ ngôi vị “đệ nhất tỏi” và trở thành thương hiệu nổi tiếng của huyện đảo giữa ngàn khơi.

Hai bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam được trưng bày tại khu di tích lăng Tân.

Một điểm đến không thể bỏ qua khi tới Lý Sơn đó là chùa Hang, có tên hiệu “Thiên Khổng Thạch Tự” (Chùa đá trời sinh), cách không xa trung tâm huyện đảo. Nếu như Lý Sơn được du khách bốn phương phong tặng là kiệt tác của thiên nhiên thì chùa Hang được xem là tác phẩm kiến trúc bằng đá mà tạo hóa ban tặng cho cư dân xứ đảo. Nằm sâu dưới chân núi Thới Lới trong một hang đá lớn đầy vẻ thâm u, huyền bí khiến du khách khi đến đây ngỡ như đang ngược thời gian trở về thời hồng hoang. Chính bởi nét độc đáo ấy nên chùa Hang đã trở thành Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1994. Trải qua hơn 400 năm với biết bao thăng trầm thế sự, ngôi chùa vẫn đứng sừng sững như một biểu tượng tâm linh đầy uy nghiêm và ngư dân Lý Sơn trước mỗi lần ra khơi thường đến đây để cầu mong những chuyến “hải lộ bình an”.

Ở Lý Sơn, có một ngôi chùa ngoài dáng vẻ kiến trúc dị biệt còn mang cái tên rất lạ: chùa Đục. Cư dân địa phương kể rằng, sở dĩ gọi tên như vậy là bởi người ta phải đục vào vách đá để có chỗ thờ Phật. Theo dân gian lưu truyền, Phật Bà Quan Âm từng ngự ở đây để trấn giữ bảo vệ sự bình yên cho người dân trên đảo. Tọa lạc ngay tiền sảnh khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quan Thế Âm cao 27 mét, tọa trên tòa sen màu sơn trắng hướng nhìn ra biển. Chùa nằm ở lưng chừng núi Giếng Tiền hùng vĩ. Du khách phải men theo sườn núi, vượt qua hơn 100 bậc thang đá để đến chánh điện và các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm trong những động đá giữa lòng núi. Ngày nay người dân Lý Sơn gọi đây là “Chùa không sư”, nhưng tôi vẫn cứ tưởng như còn ngân vọng đâu đây những lời kinh kệ hòa trong tiếng sóng biển Đông. Đến chiêm bái, vãn cảnh chùa, giữa không gian thiên nhiên trong lành và thanh tịnh, lữ khách như được trút bỏ những vướng bận nhân sinh nhuốm màu tục lụy, thấy lòng an nhiên, vơi quên đi những ưu phiền trần thế.

Thắng cảnh hang Câu.

Trước mặt chùa Đục là đại dương quanh năm rì rầm tiếng sóng. Cách đó khoảng 200 mét, sát bên mép biển là cổng Tò Vò - một điểm đến “gây thương nhớ” mà ai cũng biết khi đặt chân đến Lý Sơn. Với vẻ đẹp huyền hoặc được ví là tuyệt tác “có một không hai”, cổng Tò Vò đã khiến bao du khách mê đắm và là điểm chek-in “triệu view” nổi tiếng trên mạng xã hội.

Tại khu di tích lăng Tân ở thôn Đông An Vĩnh trên đảo Lý Sơn hiện đang trưng bày hai bộ xương cá voi có niên đại từ 250 - 300 năm, được xem là lớn nhất Việt Nam. Cả hai có chiều cao gần 4 mét, một bộ xương dài 28 mét của cá voi được phong tước “Đồng Đình Đại Vương”, bộ còn lại dài 22 mét là của “Đức nghi nhị vị tôn thần”. Bao đời nay, từng là ân nhân của biển cả nên cá voi được ngư dân tôn kính gọi là “cá Ông”, là thần Nam Hải với những truyền thuyết đã đi vào đời sống tâm linh của cư dân Lý Sơn từ thuở khai thiên lập địa. Chiêm ngưỡng hai bộ xương cá voi khổng lồ, tôi ngỡ như đang nhìn thấy hình bóng cả đại dương bao la cuộn trào vạn sóng trùng khơi. Tôi lại liên tưởng tới những con thuyền khi gặp bão tố giữa khơi xa, lời nguyện cầu của những người đi biển luôn hướng về “Đồng Đình Đại Vương”. Niềm tin được che chở đã giúp những ngư phủ can trường vượt qua cuồng phong sóng hiểm. Nhiều câu chuyện cá voi cứu ngư dân bị đắm thuyền được truyền tụng từ đời này sang đời khác…

Trong buổi chiều tàn ở lăng Tân, đứng bên hình hài của hai “vị thần Nam Hải”, tôi cứ trầm tư ngẫm nghĩ về các bậc tiền nhân thời mở cõi xa xưa. Từ mấy trăm năm về trước, ngư dân Lý Sơn từng là những người giong thuyền cưỡi sóng vượt trùng dương ra cắm mốc chủ quyền, canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa. Trong những chuyến hải trình lênh đênh trên biển hàng tháng trời, nhiều chiếc thuyền bị bão tố đánh vỡ tan. Khi những phận người nhỏ bé sắp bị sóng dữ nhấn chìm xuống đáy biển sâu thì thần Nam Hải xuất hiện như một vị cứu tinh. Giữa thời khắc cận kề sinh tử ấy, “Ngài” đã để những người gặp nạn leo lên lưng của mình rồi đưa vào bờ bình an. Vì ân tình đó và để đáp đền ơn cứu mạng theo luân thường đạo lý mà từ bao đời nay ngư dân luôn tôn thờ thần Nam Hải!

Đêm cuối ở Lý Sơn, ngồi nghe sóng biển vỗ bờ, tôi cứ miên man suy tưởng. Ký ức ngược dòng lịch sử, tưởng vọng đến hình bóng những hùng binh Hoàng Sa năm xưa và những ngôi mộ gió không có thi thể mà bên trong là hình nhân nặn bằng đất sét. Hậu thế mãi luôn tưởng nhớ, tự hào về những chiến binh can trường và quả cảm, tuy thân xác đã tan vào biển cả nhưng linh hồn vẫn trở về với đất mẹ Lý Sơn. Giữa màn khuya tĩnh lặng nơi xứ đảo, tôi cứ ngỡ như đang nghe tiếng sóng từ Hoàng Sa vọng về!

Cảm ơn nghề báo đã mang lại cho tôi nhiều may mắn, không phải là bạc tiền, mà là những chuyến đi thấu cảm theo dọc dài đất nước. Tôi đã được đặt chân đến đất mũi Cà Mau rì rào sóng vỗ, từng vượt đèo Mã Pí Lèng kỳ vĩ lên thăm Cột cờ Lũng Cú ở cực Bắc Hà Giang, từng được đi khắp “vùng đất chín rồng” ngắm nhìn sông nước hữu tình và thả hồn say theo từng giai điệu của đờn ca tài tử… Giờ đây, tôi lại được các đồng nghiệp Báo Quảng Ngãi đưa ra đảo Lý Sơn - một địa danh mà lâu nay tôi vẫn thầm ao ước một lần hạnh ngộ ghé thăm. 

 Vẻ đẹp độc đáo của cổng Tò Vò khiến nhiều du khách mê đắm.

Trong cái buổi sáng chia tay Lý Sơn về lại đất liền, đứng trên boong tàu cao tốc, tôi cứ dõi nhìn về đảo Bé với niềm tiếc nuối khôn nguôi khi chưa đến nơi đó vì sóng lớn ca nô không vào được. Cũng như đảo Lớn, ở đó, có những ngư dân ngày đêm bám biển và họ là “những cột mốc sống” thầm lặng giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Đến với cư dân đảo xa giữa trùng dương ầm ào tiếng sóng, càng thấm thía ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng “đồng bào”.

Bất giác, tôi lại nhớ đến những nghĩa cử cao đẹp, sâu nặng nghĩa tình mà con dân nước Việt dành cho nhau trong những tháng ngay cam go khi cả đất nước gồng mình chống chọi với cuồng phong đại dịch COVID-19. Khi ấy, chứng kiến nhiều hình ảnh, câu chuyện cảm động về tấm lòng san sẻ yêu thương trong gian nguy khốn khó, một độc giả đã viết trên mạng xã hội Facebook những vần thơ đầy xúc cảm: “Đồng bào của mình đó/Không thương thì thương ai?”!...

Lần đầu đến Lý Sơn mà tôi lại thấy như đã thân quen từ thuở nào. Có lẽ đó là sự giao cảm đồng điệu trong tâm thức của những người con cùng mang dòng máu Lạc Hồng và hòn đảo giữa khơi xa này là một phần lãnh thổ thiêng liêng làm nên non sông nước Việt! Lưu luyến rời xa khi những ước ao chưa thỏa nguyện, tôi mơ một ngày trở lại Lý Sơn…

Bút ký của Lê Quang Ánh
 


Ý kiến bạn đọc