Multimedia Đọc Báo in

Bắt nhịp chuyển đổi số

06:02, 20/10/2023

Dưới sự tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực tiếp cận, thích ứng và làm chủ công nghệ để nâng cao đời sống tinh thần, phát triển kinh tế, từng bước đáp ứng yêu cầu của phụ nữ thời đại mới.

Trợ lực phát triển kinh tế

Thời gian qua, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ, ứng dụng khoa học trong sản xuất, kinh doanh và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm… để phát triển kinh tế. Nhiều chị em tận dụng thế mạnh của các trang mạng xã hội, ứng dụng, sàn thương mại điện tử để buôn bán, mở gian hàng kiếm thêm thu nhập.

 Hơn 5 năm bán hàng online, chị Giản Thị Sâm (TP. Buôn Ma Thuột)  luôn chịu khó cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức, bắt kịp xu thế để phục vụ việc kinh doanh của mình. Trước đây, chị bán sản phẩm hạt dinh dưỡng các loại chủ yếu trên mạng xã hội Facebook và Zalo. Đến khi các kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử được người mua quan tâm, chị cũng mày mò, tìm hiểu đăng ký kênh để bán hàng. Tiếp đó, chị đã tự tìm hiểu và tạo kênh TikTok, lập gian hàng trên Shopee rồi tự quay, chỉnh sửa video giới thiệu sản phẩm để đăng lên các kênh bán hàng… Nhờ vậy, các kênh bán hàng của chị ngày càng có nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến. Sau khi phát triển các kênh bán hàng, lượng sản phẩm bán ra ổn định, mỗi tháng chị Sâm bán được hàng trăm đơn hàng, thu nhập cũng tốt hơn.

Chị Phương chuẩn bị phần cơm giao cho khách đặt qua app Grab.

Kinh doanh quán cơm, chị Hoàng Thị Phương (TP. Buôn Ma Thuột) không chỉ quảng bá, quảng cáo trên Facebook mà còn đăng ký bán hàng trên app Grab, Shopee để tăng lượng đơn bán ra hằng ngày. Theo chị Phương, với những hình ảnh món ăn được đăng trên các app đầy đủ, người bán sẽ không cần cập nhật thường xuyên để tiết kiệm thời gian, hơn thế nữa, nó giúp khách hàng không bị nhàm chán và cảm thấy hứng thú hơn với món ăn khi đặt. Ngoài ra, các chương trình khuyến mại, code giảm giá sẽ góp phần thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm trên các ứng dụng. Trung bình mỗi tháng doanh thu từ bán hàng trên các app mang về chiếm khoảng 1/3 lượng hàng bán ra của quán.

Từ thực tế có thể thấy, nhiều chị em đã nhận thức được việc ứng dụng công nghệ số là xu thế tất yếu, công cụ hữu dụng giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh; từ đó tự trang bị cho mình các kiến thức và kỹ năng số cần thiết.

Ứng dụng để phục vụ cuộc sống

Những năm gần đây, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) đã tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và triển khai, thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện và tham gia chuyển đổi số thông qua việc cài đặt các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, cài đặt dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng VssID, VNeID…

Phụ nữ huyện Ea Kar cài đặt các ứng dụng Bảo hiểm xã hội số trên điện thoại.

Từ nhiều năm nay, các cấp Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã tập huấn, vận động chị em ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc, cuộc sống, bắt đầu từ việc đi chợ không dùng tiền mặt; thanh toán tiền điện, nước, học phí qua tài khoản ATM; cài đặt sổ sức khỏe điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử… Hội LHPN thị xã còn xây dựng nhóm Zalo Bách hóa phụ nữ để các hội viên có thể mua bán hàng hóa do chị em sản xuất, kinh doanh thuận tiện, dễ dàng hơn.

Bà Nguyễn Phan Minh Tiết, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Buôn Hồ cho biết, đến nay, nhiều hội viên phụ nữ đã thực hiện việc mua bán không dùng tiền mặt, đóng tiền điện nước qua thẻ ATM, thực hiện hồ sơ trực tuyến… Còn bà Nguyễn Thị Hiệp (phường An Bình) chia sẻ: "Với người cao tuổi như tôi, khi nghe cán bộ hội phụ nữ và loa truyền thanh tuyên truyền về chuyển đổi số thường có suy nghĩ chẳng biết mình có thể ứng dụng được gì không. Tuy nhiên, sau khi được hỗ trợ, chỉ dẫn việc cài đặt ứng dụng thanh toán trên điện thoại và qua một thời gian sử dụng tôi cũng đã quen dần. Bây giờ, tôi rất ít khi cầm tiền mặt đi mua hàng hóa, nhất là mua ở các cửa hàng, siêu thị bởi đến đó chỉ cần thanh toán qua tài khoản một cách dễ dàng, thuận tiện. Hơn thế nữa, tôi cũng đã đóng tiền điện, nước qua tài khoản mà không còn phải đến các điểm thu như trước đây". 

Có thể nói, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy sự chủ động, trau dồi kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động chuyên môn, lao động, sản xuất, kinh doanh và đời sống thường nhật đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của phụ nữ trong xã hội.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc