Multimedia Đọc Báo in

Xuân về, cùng chúc sức khỏe người già

19:34, 09/02/2024

Khi những nàng gió xuân ham chơi tung tăng tràn về các thung lũng cao nguyên, cũng là lúc mùa “ăn năm uống tháng”, mùa “khai ning nơng” đến.

Lúa bắp đã chất đầy kho, cà phê phơi tím rịm trên sân nhà là lúc đồng bào các buôn làng Êđê bận rộn với các lễ chúc sức khỏe cho người già, đón duyên mới cho người trẻ, mời bạn bè đến ăn hạt cơm gạo mới thảo thơm, còn phải dọn cho bến nước sạch sẽ để đón nguồn nước sạch của một năm mới...

Chúc sức khỏe cho người cao tuổi là việc làm thường xuyên khi người già trong gia đình được 50, 60, 70 mùa rẫy. Năm nay Aduôn Giang bước sang mùa lúa thứ 70. Lễ chúc sức khỏe theo truyền thống Êđê của gia đình Aduôn Giang xuân này có 1 con heo và 3 ché rượu.

Công việc chuẩn bị đã được gia đình nhóm họp phân công từ trước đó vài tháng (đủ thời gian để ủ những ghè rượu thật ngon). Đến ngày trăng tròn đã chọn cứ thế mà thực hiện. Trước đó một ngày, Ama Giang đã mang bộ ching knah ra lau chùi sạch sẽ. Chiếc trống h’gơr một đầu bịt da trâu đực, một đầu bịt da trâu cái đặt trên ghế kpan, giữa cột kmeh và vách nhà, có tuổi gần 100 mùa rẫy cũng được phủi bụi thời gian. Đêm trước, dàn ching đã tấu lên, vừa để thử âm thanh, vừa báo tin gần xa biết ngày mai dòng họ có lễ.

Người thân đeo vòng đồng để chúc phúc cho chủ nhân buổi lễ. Ảnh: Mai Sao

Bình minh mới ló hồng trên đỉnh núi Chư Mlim, chiếc nồi đồng đã đầy nước mát lành, 3 ghè rượu đã được cột chặt vào gơng. Mặt ché xâm xấp nước sóng sánh. Những chiếc vòng đồng treo lên tai ché. Bong bóng heo treo lên cột gơng chính giữa có búp sen ở trên đầu, vẽ hoa văn màu đỏ, 4 mảnh gỗ nhỏ đung đưa trên sợi giấy màu đỏ ở 4 góc. Mâm lễ đặt chính giữa, gồm: Đầu và đuôi heo đã nướng thơm phức, 2 chiếc chén đồng (mtih), tô cơm trắng. Lòng heo, thịt luộc, mấy xiên thịt heo nướng, mỗi thứ một tô. Chúc sức khỏe cho bà nên cũng không thể thiếu trầu cau. Con gà trống thiến vươn cao chiếc mào đỏ thẫm cột chắc chân đặt nằm đó. Vật cuối cùng là chiếc lưỡi rìu. Lưỡi rìu và vòng đồng là hai hiện vật không thể thiếu trong lễ chúc sức khỏe, bởi tượng trưng cho sự bền vững của không chỉ sức lực con người mà còn sự phát đạt của cả gia đình, thậm chí là của cả dòng họ.

Mọi thứ đã sẵn sàng, dàn ching knah đã “ngồi” lên ghế kpan, ching kram xếp ở dưới chân, mặt quay về hướng đông, tấu lên những âm thanh đầu tiên của bài Ieo wit h’gum (gọi về sum họp). Gia chủ và khách lần lượt lên nhà sàn. Nữ ngồi chiếu hoa bên đing ôk, nam ngồi chiếu hoa bên đing gar. Giữa nhà là chiếu hoa dành cho thầy cúng.

Hết bài ching, thầy cúng nói lời mở đầu lý do của buổi lễ, chúc sức khỏe và cảm ơn tất cả mọi người đã đến tham dự. Ông kính cẩn mời già làng và Aduôn Giang ra ngồi nơi chiếu giữa. Tiếng ching knah lại nổi lên, 5 thiếu nữ Êđê xinh như hoa dã quỳ buổi sớm cùng tiến ra múa vũ điệu Pah kngan drong Yang (Vẫy tay mời Yang). Thầy cúng mời con cháu trong gia đình tặng quà cho Aduôn. Vợ chồng con gái lớn tặng một bộ váy áo, vợ chồng con trai thứ hai tặng tấm mền thổ cẩm…; lần lượt những người khác tặng quà, từ khăn, áo, chăn, tiền, nhẫn vàng… ai có gì trao thứ đó. Không có cũng không sao, chỉ cần nắm lấy bàn tay ấm áp của bà nói lời cầu chúc.

Thầy cúng tiến đến ngồi bên các ché rượu, ôm con gà sống thiến, khấn với các Yang Atâo, Yang phía đông, phía tây… về việc gia đình làm lễ chúc sức khỏe cho Aduôn Giang. Ông quay con gà 3 vòng, rồi đưa cho đứa cháu mang đi và mời nữ chủ nhân gia đình uống thử ngụm rượu đầu tiên ở ché dành cho các Yang A tâo. Trong tiếng ching knah nhè nhẹ, ông hút rượu ra chén đồng, mang theo vài miếng đồ ăn, tiến đến cửa sổ nhà sàn phía đông, đổ rượu thịt vào vách, báo với Yang sang (thần nhà). Rồi thầy cúng mời Aduôn Giang tới ngồi trước ghè rượu thứ nhất.

Nữ chủ nhân rót rượu ra chén đồng, dùng bông gòn nhúng rượu rửa chân cho bà cùng lời cầu chúc cho “mạnh chân khỏe tay”, rồi mời bà uống cần rượu đầu tiên. 5 cô gái mang những ống nứa tiếp nước cho bà theo hình thức thác rượu (drei kpie). Aduôn Giang uống hết cữ rượu, thầy cúng mời tiếp những người trong dòng họ tiếp cần cho bà, theo thứ tự từ tuổi cao trở xuống, nữ trước, nam sau, uống rượu theo hình thức truyền thống mnăm ring (chuyền tay) của người Êđê.

Trước khi chuyển sang ghè rượu thứ hai dành cho mình, Aduôn Giang hút rượu ra chén đồng, bưng mời lại thầy cúng, bày tỏ sự cảm ơn. Rồi bà đạp chân lên chiếc rìu, để thầy cúng rót rượu ra chén đồng rửa chân lần thứ hai, cầu cho đôi chân bà mạnh mẽ, đi tiếp trong đời với sức lực bền bỉ, sau đó trao vòng đồng cầu phúc. Ông cũng mời bà uống cần rượu, ăn chút cơm, thịt đã được thần linh chứng giám. Nhẩn nha hút hết tuần rượu do các cô gái tiếp nước drei kpie, bà trao cần cho người em trai (dăm dei) và lần lượt trong gia đình. Aduôn Giang ngồi lại mâm lễ, chờ mọi người cùng quây quần ăn miếng cơm thịt đồng cảm, chúc phúc, rồi bà chuyển sang cầm cần rượu ở ché thứ ba, dành chúc sức khỏe cả gia đình, dòng họ. Từ ghè rượu thứ ba này, thầy cúng trao vòng đồng cho từng người trong gia đình, dòng họ, khách gần xa, với lời cầu chúc sức khỏe, làm ăn phát đạt. Dòng người trong nhà dài cứ thế di chuyển, chuyền tay từng cần rượu qua ba chiếc ghè, rồi nhận vòng đồng chúc phúc và cùng ăn miếng cơm thịt cộng cảm… trong tiếng ching kram lanh tanh, vũ điệu chim Grứ phiơr uyển chuyển, dịu dàng. Tiếng sáo đing buôt trong trẻo vút lên trong nhà dài, câu hát k’ưưt ngẫu hứng chúc sức khỏe cho bà cũng rủ rỉ cất lên. Từ cầu thang nhà dài, tiếng đing năm của ai đó đến muộn đang dìu dặt tha thiết. Aduôn Giang thấy mình như được tiếp thêm năng lượng trong sự thương quý và niềm vui của cả dòng họ.

 Lễ chúc sức khỏe xưa kia theo phong tục Êđê, qua từng độ tuổi, sẽ có các loại lễ vật khác nhau, theo điều kiện của từng gia đình; gồm 1 heo – 3 ché, 1 heo – 5 ché, 1 heo đực thiến - 5 ché hoặc 1 heo đực thiến - 7 ché. Thường khi kéo dài từ 1 - 3 ngày, thậm chí nhà giàu có khi ăn trâu, tới 7 ngày. Ngày nay, lễ chỉ gói gọn trong một ngày, nếu gia đình đã chuyển đổi tín ngưỡng, sẽ không có thầy cúng rieo Yang (mời Yang), mà chỉ có già làng hoặc mục sư thay mặt gia chủ đứng ra làm lễ. Tuy nhiên, mọi trình tự chúc sức khỏe, tặng quà, uống rượu chuyền tay mnăm ring vẫn được giữ nguyên, cùng với tiếng ching knah vẫn không bao giờ thiếu. Trước đây người ta chỉ múa chim Grưh phiơr trong lễ tang, ngày nay trong các buổi lễ, ching và múa không còn mang tính thiêng, mà chỉ còn là vẻ đẹp của nghệ thuật dân gian Êđê nên ngoài múa Pah kngan drông Yang, còn có cả múa chim Grưh. Hình thể uyển chuyển, xinh đẹp của các cô thiếu nữ trong trang phục truyền thống làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Êđê.

Lại một mùa xuân, mùa “ăn năm uống tháng” về trên cao nguyên đất đỏ, tiếng ching knah vang xa trong nắng trong gió, kể về những di sản của nhân loại vẫn đang hiện diện cùng đất trời và con người Tây Nguyên…

Linh Nga Niê Kdăm


Ý kiến bạn đọc