Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo sầu riêng “sập giá”, nông dân cần phòng bị!

08:23, 08/09/2023

Khoảng tầm nửa tháng nữa sầu riêng Đắk Lắk vào vụ chín rộ, dư luận đang hồi hộp với những cảnh báo biến động thị trường “sập giá”.

Người nông dân sau những ngày hớn hở với cảnh thương lái, đầu nậu tranh nhau “cọc” giá cao, đang cần những hỗ trợ cần thiết để phòng đoán và xử lý mọi nguy cơ.

Hướng vận động quan trọng đang được đề cập là các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn cần nhập cuộc với nông dân, phát huy vai trò kết nối, hạn chế thông tin thất thiệt, giúp nông dân tránh được những rủi ro khi thị trường thật sự “sập giá”.

“Chênh” thông tin do đầu nậu?

Có thể nói, hơn 3 tháng qua, nông sản Tây Nguyên và riêng Đắk Lắk vào một cuộc chao đảo lớn, khi giá sầu riêng liên tục tăng cao, vượt ngưỡng những năm trước. Đến cuối tháng 8, giá bán sầu riêng tại các vườn được nhiều đầu nậu thu mua đặt ở mức 100.000 đồng/kg Dona loại A. Phần lớn nông dân phấn khởi và tin tưởng xu hướng này chắc chắn, bởi những dự báo đi trước về nhu cầu nhập sầu riêng chất lượng từ Việt Nam, theo dạng chính ngạch vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thu mua, chế biến sầu riêng xuất khẩu đều phản ứng trước những luồng thông tin này. Các doanh nghiệp cho biết, phía cửa khẩu, thương lái Trung Quốc đều điều đình giá nhập khẩu không thể vượt quá 92.000 đồng/kg Dona loại A. Đây là mức giá bình quân tốt nhất mà họ có thể đồng ý. Để có được giá này, những đơn hàng xuất khẩu còn phải gia công bao bì, đóng gói, vận chuyển, với chi phí dao động thường đến 25.000 đồng/kg. Cho nên, giá thu mua sầu riêng ở các vườn nhất định không thể vượt quá 70.000 đồng. Doanh nghiệp nào cố gắng lắm, cũng chỉ có thể bớt nhân công để mua đến 80.000 đồng là đã “kịch kim”. Diễn biến giá cao bất thường trong nội địa vì vậy đe dọa nguy cơ mất hợp đồng thu mua, doanh nghiệp không thể giao hàng được.

Nông dân huyện Cư M'gar thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Minh Thuận

Trong khi đó, hiện nay cũng là mùa cao điểm tiêu thụ của sầu riêng Thái Lan, với những ưu thế về thương hiệu, quan hệ hàng hóa, tiêu chuẩn xuất khẩu, chất lượng nông sản… thu hút thương lái Trung Quốc nhiều hơn. Nhất là, giá bán sầu riêng từ Thái Lan chưa bao giờ cao quá giá sầu riêng Việt Nam.

Một lý giải được giới kinh doanh đưa ra giải thích tại sao đầu nậu chốt giá cao tại các vườn, là để “ghim hàng găm giá”. Hiện tại, dư luận giá sầu riêng năm nay cao đã lan tỏa ở rất nhiều đô thị, nên các đầu nậu tin tưởng chỉ cần thu gom sẽ có thể dẫn giá thị trường tiêu thụ trong nước, giữ mức cao với người tiêu dùng. Thứ đến, việc chốt giá cao ở các vườn sẽ cản trở việc thu mua của các doanh nghiệp vốn hợp đồng tiêu thụ với nông dân, khiến họ phải thương thảo với đầu nậu để có những điều chỉnh giá, có lợi cho đầu nậu. Khi đã giữ giá cao này, vào thời điểm sầu riêng chín rộ, các đầu nậu rất dễ thao túng thị trường, ép nông dân phải bán tháo vườn sầu riêng, qua đó hưởng lợi nhiều hơn.

Bởi những món lợi đó, các đầu nậu, thương lái trung gian không ngại vào tận các vườn sầu riêng, đặt giá thu mua cao và nhận được sự hưởng ứng từ các chủ vườn là nông dân. Thậm chí một số nông dân còn sẵn sàng “bẻ cọc” với doanh nghiệp đã hợp đồng chăm sóc, thu mua sầu riêng từ trước.

Cần một tinh thần liên hợp

Một doanh nghiệp thu mua sầu riêng tại Cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, tính đến ngày 5/9, giá sầu riêng được thương lái thu mua chốt tại các vườn đang giảm, còn từ 88.000 – 92.000 đồng/kg Dona loại A. Tại các vườn ở TX. Buôn Hồ, huyện Krông Pắc, nông dân đã bán giá 84.000 – 86.000 đồng. Tất cả dự báo đều nhận định chiều hướng giảm giá sẽ rất nhanh trong những ngày tới, và đây mới là câu chuyện gian nan cho người trồng sầu riêng. Doanh nghiệp hiện đã phát đi thông tin sẵn sàng giúp các hộ chủ vườn thu hoạch nhanh sầu riêng chín nếu bị đầu nậu “bom vườn”, đặt cọc giá cao rồi… biến mất.

Công nhân Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắc xử lý sạch vỏ trái sầu riêng trước khi đóng thùng đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Minh Thuận

“Điều khiến chúng tôi lo ngại là đa số nông dân tin vào thông tin do các đầu nậu tung ra, nhất định chờ giá thật cao mới bán. Đến nay, khi mùa vụ bắt đầu chín, họ không có cách nào ứng phó kịp. Cho nên, đã đến lúc các hợp tác xã nông nghiệp, đầu mối kết nối nông dân với doanh nghiệp cần lập tức vào cuộc, hỗ trợ nông dân nắm chắc lại thông tin, cùng tuyên truyền hướng dẫn nông dân chọn lọc lại thông tin”, đại diện doanh nghiệp trên phân tích.

Thực tế theo phản ánh của một số doanh nghiệp thu mua, những thông tin đồn thổi giá thị trường cao vừa qua đã khiến họ rất khó tiếp cận các vườn. Cũng có một số hợp tác xã tại các địa bàn do thiếu chắt lọc thông tin, hướng niềm tin vào các đầu nậu và các đơn vị thu mua không có hợp đồng trước với nông dân, gây nên những hạn chế nhất định cho các doanh nghiệp đầu tư hợp tác.

Tính toán của các doanh nghiệp cho thấy, để tổ chức được các vùng sầu riêng chuyên canh đạt chất lượng xuất khẩu, phần lớn đơn vị hợp tác nông dân phải tổ chức lại vùng trồng, đạt các tiêu chí mã vùng trồng chính thức, rồi đầu tư chi phí sản xuất với nông dân, bình quân cũng mất hàng trăm triệu đồng. Nếu vào vụ chín, nông dân không giữ đúng hợp đồng, bán cho đầu nậu hay đơn vị thu mua bên ngoài, chắc chắn các doanh nghiệp hợp tác sẽ thua lỗ, dẫn đến vỡ các kế hoạch kết nối sản xuất dài lâu. Đây là thực trạng đáng báo động, rất cần chính các hợp tác xã nông nghiệp, vốn giữ vai trò trung gian kết nối ở giữa, phải hết sức ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư, vận động nông dân tuân thủ các hợp đồng. Được như vậy, mùa vụ sầu riêng năm nay sẽ tránh những tổn thất phát sinh nếu thị trường “sập giá” trong những ngày tới, và những hệ lụy phát triển vùng trồng phía sau.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau lễ 2/9, đã có một số hợp tác xã tại Đắk Lắk lên tiếng cảnh báo thị trường, hy vọng sẽ kịp can thiệp để bảo đảm giúp nông dân phòng liệu được tình hình, bớt đi những lo toan sắp tới.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc