Multimedia Đọc Báo in

Vì một nền nông nghiệp trách nhiệm và minh bạch

08:26, 23/11/2023

Niên vụ cà phê 2023 - 2024 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đáp ứng với Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) cho ngành hàng cà phê trước khi quy định này được thực thi.

Để hiểu rõ hơn về đạo luật này cũng như việc Đắk Lắk phải làm gì để thích ứng với tình hình mới trong sản xuất và xuất khẩu cà phê, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN HOÀI DƯƠNG, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT).

*Thưa ông, EUDR có tác động như thế nào đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có cà phê của Đắk Lắk?

Ngày 16/5/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua EUDR. Quy định này cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (gồm: cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu) vào Liên minh châu Âu (EU) nếu quá trình sản xuất những mặt hàng này gây mất rừng (mốc thời gian mất rừng từ ngày 31/12/2020 trở đi). Theo đó, bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào đưa những mặt hàng này vào thị trường EU phải chứng minh các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng. Quy định này nhằm giải quyết các vấn đề phá rừng, suy thoái rừng, bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học.

Đối với Việt Nam, có 3 ngành hàng xuất khẩu chính bị ảnh hưởng khi quy định này được áp dụng là gỗ, cà phê, cao su. Riêng với ngành cà phê, các nhà xuất khẩu phải bảo đảm họ không lấy nguồn cà phê từ đất bị phá rừng hoặc suy thoái. Chỉ khi đó, họ mới có thể xuất khẩu cà phê sang EU.

Tuy nhiên, đối với vùng trồng cà phê của Việt Nam, trong đó có Đắk Lắk thì khá ổn, với diện tích 210.000 ha cà phê của tỉnh hiện nay cơ bản không phải do phá rừng mà có (tính từ năm 2020 trở lại đây). Và sản lượng cà phê sản xuất trên diện tích này cơ bản đã bảo đảm các điều kiện để xuất vào thị trường EU.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT đang trao đổi với phóng viên về vấn đề cà phê không gây mất rừng.

* Như vậy có thể nói, sản phẩm cà phê của Đắk Lắk không phải lo lắng gì về EUDR, đúng không, thưa ông?

Trên thực tế thì đúng là như vậy, nhưng vấn đề ở đây là phía EU đòi hỏi những vùng trồng cà phê này phải chứng minh được là không có nguồn gốc từ phá rừng. Vì theo quy định này, 100% một sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đặc biệt là cà phê khi nhập khẩu vào thị trường EU đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám. Điều này đặt ra một loạt thủ tục, thách thức đối với Tây Nguyên, Đắk Lắk bởi đây là vùng nguyên liệu cà phê lớn của cả nước. Quan trọng hơn là những công việc này phải triển khai ngay trong niên vụ cà phê 2023 - 2024 để có đầy đủ các hồ sơ, thủ tục trình EU xem xét, truy xuất nhằm bảo đảm kịp thời cho những lô hàng cà phê xuất khẩu vào năm 2024. Và để làm được điều này cần có sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với khu vực tư nhân, các tổ chức trong và ngoài nước để chuẩn bị sẵn sàng thông tin đáp ứng các quy định của EU, đảm bảo sinh kế cho nông dân. Ngành NN-PTNT coi việc tuân thủ quy định này không chỉ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào thị trường EU, mà đây còn là cơ hội để đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.

* Theo ông, chúng ta cần có những hành động cụ thể nào để thích ứng?

 Đắk Lắk và Lâm Đồng là hai tỉnh đã được Bộ NN-PTNT chọn thực hiện thí điểm các giải pháp thích ứng với EUDR. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ NN-PTNT tại Khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định không gây mất rừng của EU, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp thích ứng với EUDR, thí điểm tại các huyện: Krông Năng, Cư M'gar và Ea H'leo, Krông Ana, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột. Từ các mô hình thí điểm này sẽ làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành hàng cà phê Việt Nam, dữ liệu quốc gia và cơ chế chia sẻ thông tin phản hồi với EU. Đây cũng là tiền đề cho việc mở rộng đến các vùng trồng cà phê khác trong toàn tỉnh.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có một quy định chung để hướng dẫn thực hiện EUDR từ phía EU cho các nước thực hiện. Việc chứng minh được sản xuất cà phê không gây mất rừng là phải khớp được các hồ sơ về đất đai ở các vùng trồng, trong khi có nhiều vùng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có hồ sơ minh chứng, có tọa độ, vị trí); diện tích hầu hết do nông hộ quản lý nhỏ lẻ, manh mún, tốn kém về chi phí khi thực hiện. Bên cạnh đó, còn có một loạt thủ tục theo yêu cầu của EU đòi hỏi Việt Nam phải chứng minh cũng khá rườm rà và phức tạp. Đây là khối lượng công việc rất lớn và tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương liên quan. Hiện các đơn vị liên quan đang gấp rút triển khai thực hiện và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đảm bảo cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu cà phê sang thị trường EU được thuận lợi nhất. Đắk Lắk cũng được tổ chức IDH, Tập đoàn JDE, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk và các doanh nghiệp khác phối hợp hỗ trợ về mặt nhân lực, kỹ thuật, kinh phí thực hiện.

* Xin cảm ơn ông!

 Minh Thuận (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc