Multimedia Đọc Báo in

Những người cao tuổi làm kinh tế giỏi

08:24, 05/09/2023

Yêu lao động, chăm học hỏi, hàng trăm người cao tuổi ở huyện Krông Pắc hiện đang làm chủ nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tích cực đóng góp cho nhiều chương trình an sinh xã hội ở trong và ngoài địa phương.

Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Lê Đình Tuấn và vợ là bà Lê Thị Vui, hội viên Chi hội Người cao tuổi thôn 19/5 (xã Ea Yông) vẫn điều hành việc kinh doanh xăng dầu, cây giống, trồng và sơ chế sầu riêng với tổng thu nhập hằng năm lên đến 3 – 4 tỷ đồng.

Ông Tuấn tâm sự, vợ chồng ông đều là thế hệ công nhân đầu tiên của Nông trường Phước An (tiền thân của Công ty Cổ phần Cà phê Phước An ngày nay), cùng hàng nghìn thanh niên thời ấy đóng góp thanh xuân vào công cuộc phát triển kinh tế của vùng đất này. Trải qua 5 năm đầu tham gia lực lượng bảo vệ của nông trường truy quét FULRO, ông Tuấn được tổ chức tạo điều kiện tham gia nhiều khóa học nâng cao trình độ, kỹ năng và tiếp tục được trau dồi, rèn luyện qua quá trình công tác.

Ông Lê Đình Tuấn và vợ (bìa trái) giới thiệu về mô hình sơ chế, cấp đông sầu riêng.

Khi nghỉ hưu theo chế độ, vợ chồng ông Tuấn không nghỉ ngơi mà tập trung chăm sóc, cải tạo hơn 3 ha vườn cây kết hợp với kinh doanh xăng dầu, nông sản. Nhờ cần cù, ham học hỏi lại nhanh nhạy trong sản xuất, kinh doanh, các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế tốt. Hiện, ông bà đang sở hữu 3 ha sầu riêng, 1 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 1 cơ sở cây giống và kho lạnh sơ chế sầu riêng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động cùng việc làm thời vụ cho hơn 20 lao động địa phương.

Sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ông bà luôn chấp hành tốt các quy định về điều kiện kinh doanh, nghĩa vụ thuế và tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Mặt khác, ông bà cũng chủ động dành một phần kinh phí trong lợi nhuận hằng năm để hỗ trợ đồng bào các vùng gặp thiên tai, cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số mượn vốn không tính lãi, giúp một phần kinh phí cho các hộ nghèo xây, sửa nhà ở. Theo gương cha mẹ, cả bốn người con của ông bà đều ăn học thành tài, có sự nghiệp riêng, các cháu nội ngoại đều chăm ngoan, hiếu thảo. Đó chính là “quả ngọt” lớn nhất mà ông bà có được.

Cũng là một nông dân gắn bó với vườn tược, ông Nguyễn Văn Du, hội viên Chi hội Người cao tuổi thôn Tân Lập (xã Hòa Đông) cũng có thu nhập đáng mơ ước nhờ biết bố trí canh tác hợp lý. Ở tuổi 64, ông vẫn ngày ngày cần mẫn chăm sóc 1,4 ha với nhiều loại cây trồng giá trị cao như sầu riêng, dổi, nhãn, vải, bưởi… Ông Du chia sẻ, trước kia, ông từng tham gia công tác tại Hội Nông dân xã và cũng bỏ nhiều công sức tham quan, học hỏi mô hình sản xuất ở khắp nơi. Khoảng 10 năm trước, ông mới bắt đầu cải tạo vườn cà phê già cỗi và chuyển sang trồng các loại cây ăn trái.

Ông Nguyễn Văn Du (đứng giữa) chia sẻ về kỹ thuật canh tác sầu riêng.

Để tiết kiệm sức lao động, ông quy hoạch vườn cây rất bài bản, đánh số cho từng cây, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, phun thuốc tự động... Ông còn khéo léo ứng dụng các kỹ thuật điều tiết ra hoa để đảm bảo có nguồn thu quanh năm. Nhờ được chăm sóc tốt, cây trồng nào cũng trĩu quả, đặc biệt là sầu riêng. Ông dự kiến, vụ thu hoạch này, chỉ với 140 cây sầu riêng, ông thu hoạch trên 22 tấn quả, trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Hơn 17 năm trước, lúc kinh tế còn khó khăn, gia đình ông Du đã tình nguyện bỏ ra 38 triệu đồng xây dựng cầu bê tông qua suối, giúp bà con trong vùng đi lại thuận tiện. Ông còn duy trì hỗ trợ nuôi dưỡng một cháu nhỏ tàn tật suốt gần 10 năm qua với số tiền 200.000 đồng/tháng. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở trong và ngoài tỉnh cũng được vợ chồng ông tích cực tham gia, ủng hộ. Vườn của ông trở thành nơi người dân trong vùng đến tham quan, học tập kinh nghiệm và nhiều hộ đã áp dụng thành công để cải thiện kinh tế gia đình. Vào các ngày cuối tuần, ông lại đi bộ khắp các con đường trong vùng để dọn dẹp rác thải, góp sức giữ gìn cảnh quan môi trường cho thôn xóm.

Nói về tinh thần lao động của người cao tuổi, ông Y Bhem Knul, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Krông Pắc cho biết, dù tuổi cao nhưng người cao tuổi vẫn phát huy trí tuệ cùng kinh nghiệm sản xuất để duy trì hiệu quả các mô hình sản xuất, mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội. Những tấm gương ấy đã tạo sức lan tỏa, có giá trị lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ biết quý trọng sức lao động, tự lực vươn lên làm giàu chính đáng theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lao động là sự nghiệp quang vinh, vẻ vang, vui thú và anh dũng”. Giai đoạn 2018 – 2023, toàn huyện có 122 người cao tuổi làm kinh tế giỏi với mức thu nhập bình quân hằng năm từ 200 triệu đồng trở lên.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc