Multimedia Đọc Báo in

“Địa chỉ đỏ” trên sông Sêrêpốk

08:36, 11/06/2023

Năm nay đã 88 tuổi, thế nhưng mỗi lần nhắc về ký ức đường Trường Sơn, trong tâm khảm ông Lê Xuân Bá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 (Binh đoàn 12) vẫn vẹn nguyên cảm xúc tự hào và xúc động khi cách đây đúng 50 năm, ông cùng đồng đội tiến thành xây dựng Bến phà vượt sông Sêrêpốk, nay là một Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, một “địa chỉ đỏ” ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn).

Đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh là mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam, đi qua miền Trung, hạ Lào và Campuchia. Hệ thống giao thông này đóng vai trò cung cấp binh lực, lương thực và vũ khí, khí tài để chi viện cho quân giải phóng miền Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 16 năm (1959 - 1975) của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Ông Lê Xuân Bá kể, đầu mùa khô năm 1973, Trung đoàn 4, Sư đoàn 470 công binh (Bộ Tư lệnh Trường Sơn), do ông làm Sư đoàn trưởng, được lệnh tham gia mở đường Trường Sơn, đoạn từ đường 19 vào Nam Tây Nguyên, nhằm bảo đảm đường ngang hướng đi Buôn Ma Thuột; tu sửa và mở thêm các ngầm, bến phà vượt sông Sêrêpốk, để chuẩn bị cho các chiến dịch lớn.

Ông Lê Xuân Bá (thứ ba từ trái sang) trong một chuyến thăm Bến vượt sông Sêrêpốk - Di tích quốc gia đặc biệt.

Việc mở đường cần đảm bảo yếu tố bí mật, tuân thủ nguyên tắc “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, tất cả vì mục tiêu vận chuyển lương thực, thuốc men, vũ khí, con người vào miền Nam chiến đấu, nên từ mùa khô năm 1973 đến tháng 5/1975, ông cùng các đồng đội đã trực tiếp thi công và chiến đấu bảo vệ khoảng 80 km đường Trường Sơn, từ Gia Lai đến bến phà sông Sêrêpốk; trong đó ở đoạn chảy sông Sêrêpốk, thuộc địa phận xã Krông Na, đơn vị vừa chiến đấu vừa thi công các hạng mục: bến phà, bến ngầm, cầu nối để xe tăng, ô tô, pháo binh và bộ binh vượt sông.

Ông Bá chia sẻ, ngày đó, để vượt sông Sêrêpốk, đơn vị của ông đã làm một cầu nổi có tên LPP, với chiều dài khoảng 80 m, cùng cách làm sáng tạo là ghép những chiếc thuyền sắt vào nhau thành một hệ thống cầu có khả năng cơ động cao; mặt cầu thì được làm bằng gỗ kết lên các thuyền sắt để bảo đảm an toàn. Công trình hoàn thành được xem là một điểm trọng yếu, giúp các binh đoàn chủ lực, xe tăng, xe cơ giới cấp tập vượt sông, tiếng hành các hoạt động quân sự và sau này tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Cũng trong quá trình xây ngầm, bắc cầu nối hai bờ sông Sêrêpốk, không quân và pháo binh Mỹ, Ngụy đánh phá ác liệt khiến 57 chiến sĩ của Trung đoàn 4 công binh và Tiểu đoàn Bộ binh 21 thuộc Sư đoàn 470, đã anh dũng hy sinh.

Với thành tích đặc biệt trong chiến đấu, ngày 3/6/1976, Sư đoàn 470 và Trung đoàn 4 Công binh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận Bến phà vượt sông Sêrêpốk tỉnh Đắk Lắk là di Di tích quốc gia đặc biệt.

Ông Lê Xuân Bá cùng các đồng đội trong một chuyến thăm về Bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Bến vượt sông Sêrêpốk.

Bồi hồi về những năm tháng mở đường Trường Sơn, ông Lê Xuân Bá tâm sự, những người lính Trường Sơn luôn mang trong mình lý tưởng cao đẹp, quyết tâm mở đường vào miền Nam chiến đấu; mồ hôi và xương máu của bộ đội Trường Sơn đã thấm đượm từng thước đất trên tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, cùng khát khao hoàn thành công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Hiện nay, Bến phà vượt sông Sêrêpốk đã được xây dựng, tôn tạo cảnh quan, là một trong những chứng tích lịch sử có giá trị vô cùng quý giá, một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, du lịch về nguồn cho nhân dân địa phương và du khách.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc