Multimedia Đọc Báo in

Hóa thân cho lũa gỗ

19:58, 29/11/2014

Những gốc cây, lõi gỗ đủ chủng loại tưởng chừng như vô tri kia, dưới bàn tay của người thợ chạm khắc bỗng hóa thân sống động đến lạ kỳ. Người hóa thân cho lũa gỗ ấy là hai thanh niên còn khá trẻ ở thôn 1, xã Cư Êbur-TP. Buôn Ma Thuột.

Anh Nguyễn Văn Phương, thợ chính chạm khắc gỗ mỹ nghệ ở đây cho biết cơ sở sản xuất của anh không có tên, bảng hiệu gì cả, khách hàng là mối quen tìm đến. Người đến trước giới thiệu cho người đến sau và cứ thế nhờ uy tín, giá cả hợp lý nên ngày càng thu hút mọi người có thú chơi lũa gỗ. Cái thú này xem ra đa dạng lắm - kẻ thích tranh gỗ Tứ bình đào-lan-cúc-trúc, Cá vượt vũ môn, Lưỡng long chầu nguyệt; người khác lại mê lục bình, tượng gỗ phật Di Lặc, Lạt Ma, Tam đa, Tam tài… Song, tựu trung lại sản phẩm làm ra phải có hồn cốt thật sự. Anh Phương cho rằng, để đạt được điều đó, đòi hỏi phải có óc tư duy mỹ thuật cao và khả năng liên tưởng, sáng tạo mạnh mẽ. Bởi khi người chơi gỗ lũa đưa đến một gốc cây, lõi gỗ người thợ phải tập trung quan sát tỉ mỉ để đưa ra ý kiến tư vấn cho khách hàng nên đục đẽo, tạo ra hình thù gì cho phù hợp. Theo anh Phương, có khi mất cả vài tuần, thậm chí cả tháng trời mới nhìn ra hình thế của lũa gỗ. Và một khi đã hình dung được rồi thì người thợ chính bắt đầu đục phá (nhát đục to và thô) để tạo thế ban đầu, tiếp đó mới đục kép (nhát đục nhỏ và tinh tế hơn) để khắc họa chi tiết và sau cùng mới làm bóng cho sản phẩm bằng máy, hoặc bằng tay, tùy theo sở thích của người chơi lũa gỗ.
Anh Sơn đang  hoàn thiện sản phẩm.
Anh Sơn đang hoàn thiện sản phẩm.

Anh Nguyễn Văn Sơn, anh ruột của Phương thì chia sẻ: làm nghề này không vội vàng được, phải kỳ công và tỉ mẩn. Sơn là thợ chạm khắc chính của cơ sở mộc mỹ nghệ tại địa chỉ trên và anh là người có vai trò đục tinh cho sản phẩm. Đã hơn mười năm trong nghề nên người thợ này đã tích lũy khá nhiều kinh nghiệm. Theo anh Sơn, để tạo ra bất kỳ một sản phẩm nào đó là không khó, sự tinh tế và mỹ thuật chính là phải nhìn ra, tận dụng tối đa yếu tố tự nhiên có trong từng lũa gỗ. Ví như sản phẩm “Lưỡng long chầu nguyệt” chẳng hạn, trong thân lũa gỗ (cẩm lai) có lằn vân màu vàng óng hiện lên theo vòng xoáy đồng tâm tròn trịa thì phải tìm mọi cách giữ lại và thể hiện nó như một vầng nguyệt (mặt trăng) sinh động, giàu biểu cảm cho sản phẩm. Tương tự, những sản phẩm khác cũng thế, cứ nương theo từng đường vân, thớ gỗ mà tạo hình thì sẽ có hình tượng mỹ thuật đẹp. Có lẽ bí quyết thành công của hai anh em Sơn và Phương nằm ở đó, nên sản phẩm họ làm ra rất được dân chơi lũa gỗ ưa chuộng. Anh Nguyễn Phú Hùng, một chủ cửa hiệu mộc mỹ nghệ ở Nha Trang-Khánh Hòa đánh giá: Lũa gỗ làm ra từ đôi bàn tay của hai anh em nhà này đều rất tuyệt, sản phẩm anh nhập về từ đây rất được khách hàng lựa chọn. Vì thế từ mấy năm qua, anh Hùng là đối tác thường xuyên của cơ sở gỗ mỹ nghệ trên. Theo anh Hùng, trong bối cảnh gỗ rừng bị triệt hạ nặng nề như hiện nay để thỏa mãn nhu cầu của con người, trong đó có thú chơi gỗ như độc bình và tượng các loại… thì việc chọn lũa gỗ (nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi ấy) để sáng tạo và hóa thân nó trở thành những sản phẩm mỹ nghệ đẹp, có giá trị kinh tế cao như hai anh em Sơn, Phương là hướng đi phù hợp, vừa là sinh kế cho bản thân, vừa có ích cho cộng đồng và xã hội.

Trong câu chuyện này, cả hai người thợ trẻ ấy cũng đồng tình như thế. Vì thế, khi học hết cấp 3, hai anh em đã khăn gói ra quê cũ của mình - làng nghề mộc mỹ nghệ Hải Minh (huyện Hải Hậu, Nam Định) để học nghề. Hơn 10 năm qua, nghề này đã giúp họ có cuộc sống ổn định và ngày càng khá giả. Anh Phương tâm sự: ““Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, cha ông dạy chí phải!”. Bởi vậy họ không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề để làm ra sản phẩm ngày một hoàn mỹ hơn. Anh Phương còn cho biết thêm: hiện đang thu nhận bốn học trò ở tại địa phương vào học nghề này và hy vọng đây là sinh kế để các em tạo lập cuộc sống ổn định sau này như bản thân mình vậy.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc