Multimedia Đọc Báo in

Nữ cảnh sát giao thông "cõng" luật về buôn làng

14:45, 28/10/2019

Hơn 20 năm trong nghề, Trung tá H’Dona Êban (SN 1978, cán bộ Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm hành chính thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh) luôn năng nổ, nhiệt tình hoàn thành tốt công việc được giao.

Trung tá H’Dona đã tốt nghiệp Trường Đại học An ninh nhân dân, công tác ở nhiều đơn vị khác nhau thuộc Công an tỉnh và đến năm 2012 được điều động về nhận nhiệm vụ tại Phòng CSGT, phụ trách công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Với nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Trung tá H’Dona cùng đồng đội đã tích cực đi đến tận các buôn làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATGT đến mọi đối tượng từ học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân, viên chức đến đội ngũ lái xe, nông dân... Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông(TNGT) trên địa bàn.

Trung tá H’Dona Êban tuyên truyền Luật GTĐB tại xã Ea Trul (huyện Krông Bông).
Trung tá H’Dona Êban tuyên truyền Luật GTĐB tại xã Ea Trul (huyện Krông Bông).

Làm công tác tuyên truyền đối với nam đã vất vả thì đối với nữ càng vất vả hơn nhiều lần. Ngoài công tác chuyên môn, chị còn phải chăm lo cho gia đình của mình. Những hôm đi sớm về khuya hay đứng dưới cái nắng 40 độ C để tuyên truyền, phát mũ bảo hiểm cho người đi đường dường như đã trở nên quen thuộc đối với chị. Tuy vậy, chị đã thu xếp mọi việc một cách khoa học, cộng thêm sự thấu hiểu của chồng, sự giúp đỡ của hai bên nội ngoại giúp chị yên tâm công tác, làm tròn trách nhiệm với gia đình và nhiệm vụ đơn vị giao, được đồng đội, lãnh đạo tin tưởng, quý mến.

 
“Người dân ở các buôn làng, ban ngày phải lên nương rẫy, tối mịt mới về nhà, nên công tác tuyên truyền Luật GTĐB thường phải vào buổi tối. Tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa phải kiên trì, linh hoạt, gắn với thực tiễn đời sống để người dân hiểu, dễ nhớ...”.
 
Trung tá H’Dona Êban

Có dịp theo chân chị H’Dona trong những ngày “cõng luật” về với buôn làng mới cảm nhận được khó khăn, vất vả của chị và đồng đội. Để một chương trình tuyên truyền diễn ra thành công, chị cùng đồng đội phải đầu tư rất nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đời sống, nhu cầu của người dân; nắm tình hình, hoạt động giao thông của từng địa bàn, đặc biệt là nguyên nhân dẫn tới các vụ TNGT. Từ đó, lựa chọn hình thức, biện pháp tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với trình độ nhận thức của người dân, phong tục tập quán từng dân tộc. Thông thường, khi tuyên truyền ở các buôn làng là người đồng bào Êđê sinh sống thì chị H’Dona sử dụng hai ngôn ngữ (tiếng Êđê và tiếng Kinh) để giải thích cho người dân dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ Luật Giao thông đường bộ (GTĐB). Nội dung tuyên truyền cũng hết sức phong phú, với nhiều hình thức như chiếu hình ảnh, chỉ ra những hành vi thường hay vi phạm khi tham gia giao thông, phát tờ rơi... nên hiệu quả rất cao. 

Trung tá H’Dona Êban tuyên truyền, phổ biến Luật GTĐB tại xã Ea Trul (huyện Krông Bông).
Trung tá H’Dona Êban tuyên truyền, phổ biến Luật GTĐB tại xã Ea Trul (huyện Krông Bông).

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Vịnh, Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh, trong những năm qua, Trung tá H’Dona có trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, có nhiều sáng kiến hay trong công tác tuyên truyền, nhiều năm liền chị được các cấp tuyên dương, khen thưởng trong công tác giữ gìn TTATGT và thực hiện các phong trào thi đua. Tuy nhiên, đối với chị điều quan trọng nhất là được góp một phần công sức nhỏ bé của mình, mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.