Multimedia Đọc Báo in

Nhân rộng mô hình "Cụm dân cư an toàn giao thông"

09:46, 01/06/2015

Từ năm 2012 đến nay, mô hình “Cụm dân cư an toàn giao thông” ở huyện Krông Pak đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi ý thức và hành vi của người tham gia giao thông.

Huyện Krông Pak là một trong những địa phương của tỉnh có tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) phức tạp, là “điểm nóng” về tai nạn giao thông (TNGT). Trên địa bàn huyện có hơn 50 ki-lô-mét Quốc lộ 26 đi qua, hàng trăm ki-lô-mét tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn. Bên cạnh ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế thì cơ sở hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, tình trạng đường xuống cấp nghiêm trọng trong mùa mưa cũng là nguyên nhân làm gia tăng TNGT. Mặt khác, những năm gần đây, khi đời sống ngày càng được nâng cao, người dân đã mua sắm nhiều phương tiện giao thông để thuận tiện trong việc đi lại. Trung bình mỗi năm, Công an huyện thực hiện đăng ký mới gần 10 nghìn phương tiện giao thông các loại (tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay có gần 5 nghìn phương tiện giao thông được đăng ký mới). Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) còn mỏng nên khó kiểm soát hết địa bàn rộng lớn. TNGT trên địa bàn huyện đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp. Theo thống kê, bình quân hằng năm trên địa bàn huyện xảy ra vài chục vụ TNGT, làm hàng chục người chết và bị thương. Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn huyện xảy ra 10 vụ TNGT, làm chết 13 người, bị thương 10 người, hư hỏng 20 phương tiện giao thông các loại (2 ôtô, 16 môtô, 2 phương tiện khác); so với cùng kỳ năm 2014, TNGT tăng 3 vụ, tăng 6 người chết và 8 người bị thương.

Lực lượng CSGT (Công an huyện Krông Pak) làm nhiệm vụ tuần tra,  kiểm soát giao thông trên địa bàn huyện.
Lực lượng CSGT (Công an huyện Krông Pak) làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trên địa bàn huyện.

Trước thực trạng đó, để bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường, thời gian qua, Ban ATGT huyện và ngành chức năng địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Từ năm 2012 đến nay, Ban ATGT huyện đã triển khai mô hình “Cụm dân cư ATGT” đến các xã, thị trấn. Theo đó, hằng tháng, hằng quý, Đội CSGT (Công an huyện) cử cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị xuống địa bàn phối hợp với chính quyền sở tại tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. Với những nơi có đông đồng bào có đạo sinh sống, lực lượng CSGT phối hợp với các chức sắc, chức việc cùng trực tiếp tham gia giáo dục, tuyên truyền pháp luật về ATGT cho đồng bào. Đối với các cơ sở giáo dục, Công an huyện phối hợp với trường học tổ chức cho phụ huynh và học sinh ký cam kết không vi phạm Luật GTĐB; phối hợp với Huyện Đoàn tổ chức chương trình “Mùa hè xanh”, qua đó vận động đoàn viên, thanh niên tham gia điều hành, hướng dẫn giao thông tại các chốt đèn tín hiệu vào giờ cao điểm. Đối với người dân ở những buôn làng xa xôi, Đội CSGT cử cán bộ, chiến sĩ xuống tận nơi tuyên truyền Luật GTĐB thông qua các buổi họp dân, từ đó nhằm quán triệt sâu hơn mục đích, ý nghĩa và các tiêu chí của mô hình “Cụm dân cư ATGT”…

Đặc biệt, định kỳ 6 tháng, lực lượng CSGT phối hợp với Công an các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách những đối tượng là thanh - thiếu niên thường xuyên gây rối, vi phạm Luật GTĐB để đưa ra kiểm điểm, giáo dục trước cộng đồng. Đồng thời, yêu cầu phụ huynh các đối tượng này ký cam kết không để con em tái phạm, không giao xe cho những trường hợp chưa đủ tuổi hoặc không có Giấy phép lái xe; sau đó, bàn giao về địa phương để tiếp tục quản lý, theo dõi và giáo dục. Trung tá Trần Ngọc Lương, Đội trưởng Đội CSGT (Công an huyện Krông Pak) cho biết: “Việc kiểm điểm, giáo dục trước cộng đồng được lực lượng chức năng của huyện thực hiện rất kiên quyết, nhưng cũng khá nhẹ nhàng, mềm mỏng và gần gũi như tại cuộc họp thôn, buôn, tổ dân phố, mục đích chính là uốn nắn để các em tự giác khắc phục, sửa chữa, từ đó thay đổi hành vi khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, những trường hợp đã được giáo dục và phụ huynh đã ký cam kết mà vẫn vi phạm, lực lượng CSGT buộc phải tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật”.

Nhờ sự quyết liệt của lực lượng chức năng và sự ủng hộ của người dân, thời gian qua, mô hình “Cụm dân cư ATGT” mang lại hiệu quả thấy rõ, ý thức người tham gia giao thông được nâng lên. Đơn cử, nhiều người đã chấp hành tốt quy định đội mũ bảo hiểm, đi đúng làn đường, phần đường, chạy đúng tốc độ cho phép và không uống rượu, bia khi tham gia giao thông; các bậc phụ huynh thì quản lý con em chặt chẽ hơn trong việc sử dụng xe máy; thanh - thiếu niên đã có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh Luật GTĐB, không còn tụ tập đi xe dàn hàng ngang, rú ga, nẹt bô và bóp còi inh ỏi như trước nữa...

Với những kết quả đạt được, thời gian tới, mô hình này cần tiếp tục được phát huy, nhân rộng ở các địa phương khác trong toàn tỉnh nhằm góp phần giữ gìn trật tự ATGT, giảm thiểu TNGT.

 Thế Hùng 


Ý kiến bạn đọc