Multimedia Đọc Báo in

Lâm vào hoàn cảnh bi đát vì tai nạn giao thông

18:11, 27/12/2016

Tai nạn giao thông xảy ra cách đây 3 năm đã khiến một gia đình tan nát khi người chồng tử vong, người vợ trẻ bị liệt vĩnh viễn không thể lao động để nuôi cô con gái nhỏ… Hậu quả mà vụ tai nạn để lại thật sự nặng nề và dai dẳng.

Người phụ nữ trẻ Đinh Thị Thanh Thủy (SN 1992) xanh xao, gầy gò phải nằm liệt trên giường trong ngôi nhà nhỏ nằm sát Quốc lộ 26 thuộc xã Cư Mta, (huyện M’Đrắk) suốt 3 năm nay kể từ khi xảy ra vụ tai nạn xe khách kinh hoàng trên sông Sêrêpốk năm 2012. Chuyện về gia đình chị Thủy là câu chuyện đẫm nước mắt bởi những bất hạnh do tai nạn giao thông gây nên. Mẹ mất khi chị Thủy mới 6 tuổi; 10 năm sau, bố chị cũng bị tai nạn chấn thương sọ não, hiện nay vẫn còn di chứng nặng nề. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, khi mới 15 tuổi, chị Thủy phải đến Bình Phước làm thuê rồi lấy chồng. Đầu tháng 5-2012, chị và chồng là anh Nguyễn Xuân Côi (SN 1986) cùng con gái Nguyễn Thị Thủy Tiên (SN 2009) về M’Đrắk dự đám cưới em gái. Sau đám cưới, trên đường vợ chồng chị trở về Bình Phước thì xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại cầu 14 trên sông Sêrêpốk. Anh Côi chết tại chỗ, cháu Tiên bị gãy chân, bản thân chị Thủy bị gãy xương cổ, cột sống lưng, dập thận, dẫn đến liệt nửa người vĩnh viễn, 2 chân ngày càng teo tóp.

Chị Đinh Thị Thanh Thủy (xã Cư Mta, huyện M’Đrắk) phải nằm bất động trên giường 3 năm nay sau vụ tai nạn giao thông kinh hoàng.
Chị Đinh Thị Thanh Thủy (xã Cư Mta, huyện M’Đrắk) phải nằm bất động trên giường 3 năm nay sau vụ tai nạn giao thông kinh hoàng.

Không đành lòng nhìn cảnh cháu gái chỉ mới 20 tuổi phải chịu cảnh tàn tật, ông bà nội cùng các cô chú chị Thủy đã vận động anh em, họ hàng, lối xóm góp tiền đưa chị đến Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Khánh Hòa điều trị. Em gái của chị là Đinh Thị Miền lúc bấy giờ đang học lớp 7 cũng phải bỏ học để vào bệnh viện chăm sóc chị. Thời gian điều trị tại bệnh viện, mỗi tháng, gia đình chị phải tiêu tốn hơn 5 triệu đồng chi phí ăn ở, thuốc men; các bác sĩ cho biết với di chứng quá nặng, chị Thủy phải điều trị ít nhất 5 năm mới xác định có thể đi lại được không. Với thời gian 5 năm, gia đình phải chu cấp khoản tiền hơn 300 triệu đồng để chữa trị cho chị - con số quá lớn trong khi ông bà nội của chị đã già, các cô chú, anh chị em cũng khó khăn. Vì thế, sau vài tháng chữa trị, chị Thủy xin về nhà. Hiện tại mọi chi phí sinh hoạt của mẹ con chị chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp hằng tháng 900.000 đồng và sự giúp đỡ của người thân. Điều đáng nói là, do không có điều kiện chữa trị đến nơi, đến chốn nên sức khỏe của chị Thủy hiện rất yếu, các vết thương thường xuyên đau nhức khiến chị không thể tự sinh hoạt, phải nằm bất động trên giường và nhờ vào sự chăm sóc của người em gái. Chị Thủy nghẹn ngào: “Thương lắm con gái nhỏ của tôi khi cha mất, mẹ thì bệnh tật như thế này. Tôi chỉ ước có phép màu nào đó giúp mình chữa lành các vết thương, khỏe mạnh trở lại để lao động kiếm sống và chăm sóc cho con gái của mình, không còn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người thân như hiện nay”.

 Mỹ Sự - Thúy Diệp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.