Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở Krông Ana

09:40, 01/11/2018

Từ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh (NTHVS) của Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB), nhiều hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn một số xã ở huyện Krông Ana có điều kiện sống trong môi trường trong sạch, từng bước cải thiện hành vi vệ sinh của người dân.

Xây dựng NTHVS là hợp phần quan trọng của Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn WB giai đoạn 2016 – 2020 được triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, huyện Krông Ana là một trong những địa phương đầu tiên được lựa chọn để thực hiện từ năm đầu tiên với mục tiêu xây dựng 3 xã Quảng Điền, Bình Hòa và Đray Sáp đạt “Vệ sinh toàn xã” vào năm 2017. Theo đó, có gần 400 hộ dân được hỗ trợ kinh phí xây dựng NTHVS (50 USD/hộ). Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đó không chỉ là cải thiện được điều kiện sống, phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho các hộ được thụ hưởng mà trên hết là thay đổi nhận thức, hành vi trong việc xây dựng, sử dụng NTHVS của nhiều hộ dân khác.

Bà Huỳnh Thị Thanh Loan (thôn Hải Châu, xã Bình Hòa) được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Bà Huỳnh Thị Thanh Loan (thôn Hải Châu, xã Bình Hòa) được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Đơn cử như ở xã Bình Hòa, Chương trình đã hỗ trợ xây dựng NTHVS cho 189 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đối với các hộ dân này, số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng cũng là động lực, cơ sở giúp họ đầu tư thêm để xây dựng NTHVS. Bà Trần Thị Nam (thôn Hải Châu) bày tỏ, trước đây, mọi nhu cầu vệ sinh cá nhân của gia đình đều phải đi nhờ nhà bố mẹ ở cạnh bên hoặc ra vườn cà phê. Do đó, khi được hỗ trợ một phần xây dựng nhà tiêu, gia đình bà đã bỏ thêm gần 2 triệu đồng để xây dựng cả nhà tắm và NTHVS. Bây giờ, mọi nhu cầu vệ sinh cá nhân của các thành viên trong gia đình không còn gặp phải tình cảnh như trước nữa; đặc biệt môi trường sống cũng không bị ảnh hưởng và ô nhiễm. Còn gia đình bà Huỳnh Thị Thanh Loan (thôn Hải Châu) do điều kiện kinh tế quá khó khăn nên với số tiền hỗ trợ, vợ chồng bà chỉ xây dựng được nhà tiêu tách biệt với nhà ở. Dù không được bề thế, đầy đủ như các hộ khác nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu đặt ra.

Theo ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, điều đáng vui mừng nhất là sau khi thấy các hộ dân xây dựng NTHVS, nhiều hộ khác trong các thôn, buôn cũng đã dần “bắt chước” làm theo mà không có sự hỗ trợ nào. Được biết, trong năm 2017, xã Bình Hòa đã vận động được hơn 40 hộ dân tự bỏ kinh phí xây dựng NTHVS. Đến nay, tỷ lệ hộ dân có NTHVS được nâng lên trên 90%.

Ở xã Đray Sáp, với đặc thù đời sống của người dân địa phương còn nhiều khó khăn cũng như nhận thức còn hạn chế của một bộ phận người dân nên trước năm 2017, số hộ có NTHVS mới đạt trên 70%. “Khi Chương trình được triển khai, địa phương có 141 hộ được hỗ trợ xây dựng NTHVS. Qua đó, đã góp phần thay đổi tập quán, thói quen của cộng đồng về sử dụng, bảo quản NTHVS, nhất là ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Chính thói quen không sử dụng nhà tiêu mà phóng uế bừa bãi dẫn đến những vấn đề đáng lo ngại đối với sức khỏe, môi trường sống và cản trở cả tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương”, ông Hòa Quang Trịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đray Sáp cho biết. Cũng như xã Bình Hòa, sau khi triển khai Chương trình này, xã Đray Sáp cũng đã vận động được thêm hơn 30 hộ dân tự đầu tư kinh phí xây dựng NTHVS, nâng tổng số hộ dân có NTHVS lên khoảng 80%.

         Gia đình bà H'Bia Kđok (buôn Kala,  xã Đray Sáp) xây dựng  nhà tiêu  hợp vệ sinh  từ nguồn vốn hỗ trợ.
Gia đình bà H'Bia Kđok (buôn Kala, xã Đray Sáp) xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh từ nguồn vốn hỗ trợ.

Có thể nói, đối với nhiều địa phương, việc xây dựng NTHVS là một bài toán nan giải do tập quán của người dân và các hành vi vệ sinh cá nhân chậm thay đổi. Thêm vào đó, để xây dựng một NTHVS cũng phải tốn kém chi phí trên dưới 2 triệu đồng, trong khi điều kiện sống của nhiều hộ gia đình, nhất là những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn quá khó khăn. Chính vì thế, việc thay đổi hành vi vệ sinh cho mỗi người ngoài việc vào cuộc mạnh mẽ trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của các gia đình, nhất là đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa thì những chương trình, dự án hỗ trợ như trên rất là thiết thực nhằm nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân ở vùng nông thôn.

Theo kế hoạch triển khai Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016 – 2020 của UBND tỉnh, huyện Krông Ana có 6 xã được hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh với trên 1.000 hộ dân được thụ hưởng, gồm: Quảng Điền, Bình Hòa, Đray Sáp, Băng Adrênh, Dur Kmăn và Ea Na. 

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.