Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn lính đặc công

08:51, 12/04/2017

Mặc cho cái nắng khắc nghiệt của những ngày hè oi bức, trên thao trường huấn luyện, các chiến sĩ trẻ nhập ngũ năm 2017 tại Lữ đoàn Đặc công 198 (Bộ Tư lệnh Đặc công) - đứng chân trên địa bàn xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) vẫn miệt mài với các nội dung huấn luyện chuyên ngành của mình.

Trung tá Tạ Hồng Quang, Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn Đặc công 198 cho biết: “Đợt tuyển quân năm 2017, Lữ đoàn Đặc công 198 tiếp nhận 230 tân binh đến từ 5 địa phương trong tỉnh gồm: TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Ea Kar, Krông Pắc, Krông Năng, M’Đrắk. Công tác tuyển chọn chiến sĩ đặc công gặp rất nhiều khó khăn bởi đặc thù lính đặc công là khổ luyện. Do đó, trước đợt tuyển quân, đơn vị phải cử cán bộ trực tiếp xuống địa phương, phối hợp với chính quyền sở tại tuyển chọn tân binh”.

 “Lính mới 2017” chuyên ngành đặc công được huấn luyện các bài tập khá nặng và vất vả như: ngắm bắn súng AK bài 1, bắn phân đoạn bia số 37, ném lựu đạn bài 1, chiến đấu bộ binh, chắp nối gói buộc lượng nổ, đánh phá mục tiêu bài 1, chiến thuật - kỹ thuật từng người, đánh chiếm lô cốt, chủ động tiến công địch… Mỗi tiểu đội được chia một địa điểm khác nhau để huấn luyện. Ngoài ra, tân binh còn được học tập kỹ thuật băng bó chuyển thương hỏa tuyến, đào và sử dụng bếp Hoàng Cầm, trồng một số loại rau, củ quả, giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường doanh trại.

Huấn luyện tân binh kỹ thuật bắn súng AK bài 1 trên thao trường.
Huấn luyện tân binh kỹ thuật bắn súng AK bài 1 trên thao trường.

 

 
“Để nâng cao tính cơ động, sẵn sàng chiến đấu, trong thời gian huấn luyện, đơn vị đặc biệt chú trọng các nội dung: Võ thuật chiến đấu, chiến thuật, kỹ năng công tác bắn súng, huấn luyện nhảy dù, lái xe ô tô…” 
 
Trung tá Tạ Hồng Quang, Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn Đặc công 198

Quan sát một buổi tập trên thao trường huấn luyện, có thể thấy chiến sĩ trẻ không còn rụt rè như ngày đầu nhập ngũ mà từng động tác đã trở nên nhanh nhẹn, dứt khoát. Lau vội những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt lấm lem bùn đất, chiến sĩ Trần Đức Tài (Tiểu đội 1, Trung đội 1, Lữ đoàn Đặc công 198) tâm sự: “Vào môi trường quân đội, tôi không chỉ được giáo dục về tư tưởng, rèn luyện về thể lực mà còn được huấn luyện nhiều nội dung quan trọng. Hơn nữa, kỷ luật trong quân đội còn giúp tôi rèn tính tự giác và trách nhiệm cho bản thân”.

Cùng đơn vị với Tài, chiến sĩ trẻ Y Mê Phi Niê Kdăm (SN 1997, đến từ phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cũng đang nỗ lực thực hiện động tác tháo, lắp súng AK dưới sự hướng dẫn của cán bộ đơn vị. Y Mê Phi hồ hởi: “Được khoác lên mình màu xanh áo lính, đặc biệt là màu áo “rằn ri” của lính đặc công là niềm vinh dự và tự hào của bất cứ một chiến sĩ nào bởi trong tâm thức của nhiều người, lính đặc công là những người “đi không khói, nói không tiếng”, “mình đồng, da sắt”, tài công võ thuật hơn người. Niềm tự hào ấy là động lực để chúng tôi hoàn thành tốt các nội dung huấn luyện”.

Thượng úy Trần Đức Quân, Trung đội trưởng Trung đội 1, Lữ đoàn Đặc công 198 cho biết: “Lúc mới nhận quân, trình độ nhận thức của chiến sĩ mới không đồng đều, tuổi đời còn trẻ, thời gian huấn luyện lại là lúc thời tiết khắc nghiệt nhất, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình huấn luyện. Vì vậy, đơn vị đã chủ động tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ để kịp thời động viên cũng như phân loại chiến sĩ để có nội dung huấn luyện phù hợp. Đồng thời, chú trọng giáo dục chính trị giúp chiến sĩ ổn định tư tưởng, nâng cao trình độ chính trị. Trong quá trình huấn luyện, cán bộ luôn sâu sát, gần gũi, uốn nắn để chiến sĩ yên tâm, vượt khó hoàn thành các nội dung. Đến thời điểm này, cơ bản các chiến sĩ đã nắm vững và thuần thục được điều lệnh đội ngũ, các động tác võ, thể dục, kỹ - chiến thuật, các tư thế trong chiến đấu…”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.