Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh mùa tựu trường cho trẻ

09:56, 23/08/2010

Mùa tựu trường cũng là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, trẻ đi học cũng có những thay đổi về thói quen sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ nên chưa kịp thích nghi, nhất là ở trẻ lần đầu đi học. Do đó các gia đình có con em tới trường cần chuẩn bị cho các em một tinh thần sảng khoái và sức khỏe tốt để các em đạt kết quả cao trong học tập.

Một số bệnh truyền nhiễm dễ mắc ở trẻ: Việc sinh hoạt tập thể sẽ không tránh khỏi lây lan các bệnh truyền nhiễm như ho, hắt hơi, sổ mũi, bệnh trái rạ, quai bị, tay chân miệng, các bệnh lý về mắt… bởi các em cùng chơi chung, ăn chung, ngủ chung. Đồng thời, mùa tựu trường cũng trong thời điểm mùa mưa nên những bệnh như sốt xuất huyết, nhiễm siêu vi, cảm cúm và hen suyễn xảy ra phổ biến. Trẻ đi học thường ít uống nước nên dễ gây khô họng và dẫn đến viêm họng. Nhiều trẻ ít uống nước vì sợ phải đi tiểu nhiều, dẫn đến tình trạng táo bón, hoặc nín tiểu vì phòng vệ sinh không sạch, sợ cô giáo la… dẫn đến dễ bị nhiễm trùng tiểu. Đây là tình trạng rất hay gặp ở lứa tuổi mẫu giáo và những năm đầu cấp một. Vì vậy các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi chủng ngừa đầy đủ để cơ thể tạo nhiễm dịch chống lại bệnh tật.

Nếu trẻ than hay thấy trẻ có tiểu rát, tiểu lắt nhắt, muốn đi tiểu mà không tiểu được hoặc trẻ có tiểu són, nước tiểu có thể đục hoặc tiểu máu, trẻ có thể sốt và kêu đau bụng, đau hông lưng thì cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám.

Biếng ăn: Những thay đổi về món ăn, cách chế biến, khẩu vị, thời gian ăn, chỗ ngồi ăn, người cho ăn… rất dễ khiến trẻ biếng ăn, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho các loại bệnh xâm nhập. Biếng ăn có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Vì thế, cha mẹ cần trao đổi trực tiếp với cô giáo ở trường, tìm hiểu thêm về tình hình của trẻ để có sự phối hợp chăm sóc trẻ tốt hơn.

Gia đình có thể cung cấp thêm cho cô giáo những đặc điểm, thói quen của trẻ để cô giáo biết rõ hơn và có phương pháp chăm sóc thích hợp. Mặt khác, khi về nhà, gia đình cố gắng hỗ trợ dinh dưỡng và tình cảm như cùng ăn, cùng chơi với trẻ sẽ giúp trẻ cải thiện tình hình.

Rối loạn tâm lý: Những trẻ lần đầu đến trường, sẽ gặp nhiều khó khăn để thích nghi vì còn lạ lẫm và trẻ lại lo lắng không dám yêu cầu như ở nhà, ví dụ: con đói, con khát, con muốn đi tiểu, ngồi bô, con nhớ mẹ… Một số trẻ còn có biểu hiện sợ hãi như khóc la, phản kháng, không chịu đến trường. Khi trẻ sợ hãi hay lo lắng sẽ dần đến rối loạn ăn uống hoặc rối loạn giấc ngủ, sẽ có biểu hiện thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, thường xuyên rối loạn tiểu tiện (đái dầm, nhịn tiểu).

Để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi, sự lo lắng, cha mẹ cần dành thời gian chuẩn bị tâm lý cho trẻ, nhẹ nhàng trò chuyện, giải thích cho trẻ biết sự cần thiết phải đến trường. Khuyến khích tính độc lập và tự tin của trẻ, giúp trẻ giao tiếp với bạn bè. Việc tạo sự an tâm cho trẻ sẽ hạn chế những rối loạn tâm lý giúp trẻ dễ dàng hòa hợp với môi trường học đường.

Để trẻ vui khỏe đến trường: Một vài ngày trước khi nhập học không nên cho trẻ đi chơi xa hay thức khuya, có giờ giấc học tập rõ ràng đồng thời kiểm tra thị lực cho trẻ. Tạo thói quen giữ vệ sinh thân thể, rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Chuẩn bị nước cho trẻ mang theo nếu như ở trường chưa có đủ nước sạch để uống. Cho trẻ ăn uống điều độ, nhất là phải ăn sáng đầy đủ để không bị hạ đường huyết khi đi học. Sau khi đi học về, cần cho trẻ tắm rửa và thay quần áo rộng rãi và sạch sẽ ngay. Nếu trẻ có bị bệnh lây nhiễm phụ huynh nên giữ ở nhà tránh lây lan cho các bạn cùng lớp. Rèn thói quen ăn trái cây và rau quả mỗi ngày và tập thể dục để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

 

Liên Chi

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.