Multimedia Đọc Báo in

Chính sách tài khóa và tiền tệ phải nhịp nhàng

09:39, 19/11/2011

NHNN cần có những cam kết mạnh mẽ trong việc chống lạm phát, phải giữ lạm phát thấp ít nhất trong vòng 6 tháng. Còn chính sách tài khóa phải quyết liệt hơn nữa trong vấn đề giảm chi tiêu công.

 

a

Ảnh minh họa

 

Ngày 18-11-2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Học viện Ngân hàng và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo “Chính sách tiền tệ phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong điều kiện kinh tế thế giới biến động”.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện cho ADB, ông Tomoyuki Kimura đánh giá: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, Chính phủ Việt Nam đã có những phản ứng chính sách rất kịp thời và mạnh mẽ, giúp cho Việt Nam đối phó được những khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra tốt hơn so với nhiều nước khác. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2011, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng lạm phát hai con số, dự trữ ngoại hối giảm và đồng Việt Nam yếu đi. Chính vì thế, tháng 2-2011 Chính phủ đã áp dụng gói chính sách toàn diện bao gồm chính sách tiền tệ (CSTT) và tài khóa chặt chẽ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, ông Tomoyuki Kimura khẳng định: Trong ngắn hạn đến trung hạn, việc tăng cường hiệu quả CSTT sẽ đòi hỏi phải dần dần chuyển sang áp dụng các công cụ dựa vào thị trường nhiều hơn, điều này đỏi hỏi phải phát triển và củng cố khu vực tài chính. Phối hợp chặt chẽ CSTT với các chính sách vĩ mô khác cũng là yếu tố cần thiết để bảo đảm ổn định vĩ mô. Khôi phục ổn định vĩ mô là ưu tiên trước mắt, song giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của lạm phát cao đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn trong việc cải cách cơ cấu nền kinh tế.

Cùng quan điểm này, theo ông Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng: Sử dụng hiệu quả và đồng bộ CSTT và chính sách tài khóa là giải pháp quan trọng hàng đầu để ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ sở để thực hiện việc phối hợp này là do CSTT sẽ duy trì mức lạm phát mục tiêu và góp phần tăng trưởng kinh tế còn chính sách tài khoá thì cân bằng ngân sách ở mức hợp lý, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững. Thời gian tới, ông Hưng kiến nghị, NHNN cần có những cam kết mạnh mẽ trong việc chống lạm phát, phải giữ lạm phát thấp ít nhất trong vòng 6 tháng. Còn chính sách tài khóa phải quyết liệt hơn nữa trong vấn đề giảm chi tiêu công. Đặc biệt, hạn chế tình trạng đảo chiều liên tục trong điều hành CSTT và chính sách tài khóa, cũng như cần tính đến độ trễ để xác định được thời điểm, liều lượng và mức độ tác động hợp lý. 

Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị: Đổi mới điều hành CSTT theo hướng sử dụng các công cụ phù hợp với cơ chế thị trường, hạn chế sử dụng các giải pháp hành chính; CSTT cần ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD), có chú trọng yếu tố ổn định, an toàn hệ thống TCTD trong điều hành CSTT; Từng bước triển khai các giải pháp chống đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế; nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng, xử lý nghiêm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các TCTD; thực hiện các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD, nâng cao năng lực tài chính của các TCTD, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước.

 L.N (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc