Multimedia Đọc Báo in

Tây Nguyên trong mắt những người tôi đã gặp

06:30, 14/02/2016

Họ không phải là người bản địa, nhưng cực kỳ say mê vốn văn hóa đặc sắc và độc đáo của Tây Nguyên. Mỗi lần được gặp gỡ, chia sẻ với họ, tôi cảm thấy vốn hiểu biết của mình như “giàu có” thêm, để từ đó hiểu và yêu mảnh đất, con người ở đây nhiều hơn.  

1. Tôi cũng đã từng “mất ngủ” với âm thanh huyền hoặc ấy từ khi đặt chân lên Tây Nguyên lập nghiệp. Hơn hai mươi năm có lẻ, giữa đại ngàn mênh mông kia, tiếng chiêng của các tộc người ở đây lúc trầm, lúc bổng theo từng khúc quanh lịch sử. Ở đó, đã có lúc tôi đã nghe ra người già buông một tiếng thở dài: “Cái cồng, cái chiêng không còn nữa rồi! Bởi một phần thì mất mát, phần thì bị chính chủ nhân của nó xa rời…”. Trong tình cảnh ấy, tôi đã gặp một người- GS,TSKH Tô Ngọc Thanh (Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam), để rồi từ nguồn cảm hứng ở ông, tôi cũng như nhiều người khác hy vọng và tin  rằng: Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sẽ không bao giờ mất, dù trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào. 

Niềm tin ấy cứ bồi đắp và lớn dần trong tôi sau mỗi lần được tiếp xúc, trò chuyện với vị giáo sư khả kính trên. Còn nhớ, lần đầu tiên được diện kiến GS-TSKH Tô Ngọc Thanh là vào đầu tháng 6-1997, khi ông cùng với các nhà nghiên cứu có uy tín khác vào Buôn Ma Thuột tham dự Hội thảo bảo tồn, phát huy Di sản Cồng chiêng Tây Nguyên do Viện Khoa học - Xã hội (KH-XH) và Nhân văn phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì. Trước ngày diễn ra hội thảo, tôi tìm đến khách sạn Thắng Lợi - nơi Giáo sư lưu trú để thực hiện cuộc phỏng vấn xung quanh nội dung mà hội thảo đặt ra. Bấy giờ, hiểu biết về cồng chiêng nói riêng và vốn văn hóa Tây Nguyên nói chung, tôi chỉ mới tiếp cận sơ lược qua thực tế đời sống của một số nghệ nhân người dân tộc thiểu số như cụ Yzơn (Ea H’leo), cụ K’Ngân (Krông Nô), cụ Y Bhiu Niê (Krông Búk)… cùng một ít tư liệu hiếm hoi từ các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử - dân tộc trong và ngoài nước được bạn bè, đồng nghiệp lưu chép gửi tặng. Đó là cuốn “Sơ lược Văn hóa người Thượng xứ Cao nguyên Trung phần” của hai học giả Nguyễn Kính Chi, Nguyễn Đổng Chi và những trang hồi ký có tính chất sự vụ của các viên công quyền người Pháp - Henri Maitre, Sabatie… trích đăng trên những tạp chí khoa học chuyên ngành văn hóa, dân tộc học trước năm 1975. Với “vốn liếng” về văn hóa Tây Nguyên chỉ có vậy mà dám đến “thọ giáo” GS. Thanh thật không phải chuyện dễ dàng. Song, tôi tự vấn với mình: Báo chí phỏng vấn cốt nhất là vấn đề “bình đẳng với nhau trong thông tin”, biết đến đâu thì trao đổi đến đó, không sao!

Như đã hẹn, sau bữa cơm tối, trước tiền sảnh khách sạn Thắng Lợi. GS.Thanh tiếp tôi với thái độ ôn tồn cùng nụ cười lúc nào cũng như nở trên môi. Ông chủ động hỏi tôi trước: “Cậu làm nghề báo đã lâu chưa?”. “Dạ được…hai năm” - Tôi trả lời. Ông lại tiếp: “Đi nhiều và nghe cồng chiêng nhiều chứ?”. “Dạ có nghe, có để ý coi nó đặc sắc và độc đáo như thế nào? Và hôm nay, gặp Giáo sư cũng không ngoài mục đích ấy”- Tôi tinh tế, chân thành nhập cuộc. Dường như ông cười tươi hơn rồi bất ngờ bảo: “Cậu biết về cồng chiêng Tây Nguyên thế nào cứ nói tôi nghe”. Lúc này tôi hơi bối rối, vì không biết phải bắt đầu từ đâu và hơn nữa - tôi nghĩ đến đây là để được nghe vị Giáo sư danh tiếng này kiến giải, chứ đâu phải là mình. Chiếc máy ghi âm băng từ (cỡ nhỏ) của tôi bỗng trở nên vô duyên và thừa thãi trong túi xách, bởi đối tượng được phỏng vấn không nói mà chính người đi phỏng vấn phải…nói. Tôi nhấp ngụm nước rồi vận hết “công lực” bắt đầu: “Cháu thấy cồng chiêng người Tây Nguyên hiện diện khắp nơi - từ cúng Yàng, lễ hội, đãi đằng khách khứa… đều không thể thiếu loại hình âm nhạc này. Và hơn thế, điều đặc biệt là đằng sau mỗi âm thanh kia, hình như người Tây Nguyên đã “mã hóa” những thông tin sâu kín, nhiều tầng nấc trong đó, chỉ có họ mới biết. Nên chi, khi tiếng chiêng cất lên, người ta biết ở đó đang xảy ra việc gì và phải ứng xử với nó như thế nào”. Nói đến đây thì GS. Thanh gật gù và tỏ ra hài lòng với kẻ hậu sinh mà đã ít nhiều lĩnh ngộ được cái cốt lõi của Văn hóa cồng chiêng được những bậc tiền bối như học giả Nguyễn Kính Chi, Nguyễn Đổng Chi tìm hiểu và đúc rút lại! Thú thật, tôi được ông khen mà trong lòng thấy vui mừng lắm và cảm giác ấy khiến tôi tin là cuộc phỏng vấn sẽ thành công, đem đến cho độc giả nhiều thông tin bổ ích.

Không ngờ GS. Thanh đứng dậy, đi thẳng vào phòng một lúc rồi cầm tập tài liệu đưa cho tôi và nói: “Cậu đem về nghiên cứu thêm. Đây là tham luận của nhiều nhà nghiên cứu có uy tín đóng góp vào công trình (hồ sơ) đề nghị UNESCO công nhận Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản phi vật thể của nhân loại đấy!”. Tôi thầm cảm ơn ông - và tất nhiên vừa mừng vừa lo. Mừng là được Giáo sư tặng sách và tài liệu quý mà mình đang cần; lo là bởi ông chưa nói gì về mối quan tâm mà tòa soạn và bạn đọc giao cho tôi: Thực hiện cuộc phỏng vấn nhân vật có tầm cỡ, đứng ra dẫn nhập chương trình, nội dung Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sắp diễn ra. Tôi chưa biết phải xoay xở thế nào thì ông bảo ngồi xuống rồi chậm rãi: “ Trước ngày thống nhất đất nước, mình cũng tiếp cận văn hóa các tộc người Tây Nguyên qua sách vở mà thôi. Từ năm 1983, mới có dịp đi điền dã trong đó. Ở vùng Mang Yang, Kông Cho Ro, Đắk Đoa (Gia Lai), mình thấy đời sống của bà con rất khó khăn, không có điều kiện để tổ chức lễ hội, hay một nghi lễ nào đó, thành ra chức năng xã hội, tâm linh của cồng chiêng trong đời sống các tộc người ở đây bị giảm thiểu, hay mất đi ít nhiều. Tuy nhiên, chức năng biểu hiện cảm xúc, hay nói cách khác là hình tượng nghệ thuật đặc sắc và độc đáo ấy vẫn còn như cũ - nó luôn mô tả, chuyên chở mọi trạng thái cảm xúc của cộng đồng trước một hiện thực xã hội nhất định. Ví dù không tổ chức được “Lễ ăn trâu”, song cái chất hào hùng vẫn được loại hình âm nhạc này thể hiện đầy đủ và sinh động. Vì thế, có thể nói Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không bao giờ mất đi, vì ngay từ khi sanh thành nó đã mang trong mình bản chất, tính đa nghĩa của một giá trị văn hóa tiêu biểu để không ngừng đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần vốn đa dạng, phong phú của con người”. 

GS.Thanh càng nói, tôi càng sáng ra nhiều điều mà bấy lâu nay mình quan tâm. Ông đi vào trọng tâm của Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên một cách rốt ráo: “Cồng chiêng của bất kỳ bộ tộc nào cũng chỉ được diễn tấu trong “môi trường thiêng” của nó, không gian ấy được sinh thành một cách tự thân, thuận theo nhu cầu tinh thần trong đời sống và sinh hoạt của mỗi cộng đồng. Nó có mà cũng như không, hữu hình mà lại vô hình nên không dễ gì nắm bắt, xác định hoặc “khoanh vùng” theo kiểu tư duy vật lý được! Nên tìm hiểu không gian này theo phương pháp tiếp cận đa ngành, chứ không phải là sự đơn lẻ, hay khu biệt một hoạt động, một giá trị văn hóa cụ thể nào đó. Chẳng hạn, khi xem diễn xướng cồng chiêng, người thưởng thức không dừng lại ở mức cảm nhận riêng âm thanh, tiết tấu, nhịp điệu… của âm nhạc thuần túy, mà phải hiểu thêm đằng sau đó tiếng chiêng “nói gì” và mang ý nghĩa thông báo ra sao với cộng đồng? Có như thế - như cậu đã đề cập ban đầu, một khi tiếng chiêng ngân lên là mọi người tụ họp lại và hiểu ra ở đó đang diễn ra việc gì: lễ mừng mùa, cúng người chết, bỏ mả, thổi tai, đón khách hay thông đạt với thần linh điều gì? Chính sự độc đáo của không gian văn hóa này mà chúng tôi mở ra hội thảo trên để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản nhân loại”.

Quả đúng như vậy, sau 9 năm nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu trên, trong đó có tâm huyết của GS. Thanh - Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh vào cuối tháng 11-2005. Dịp các dân tộc ở Tây Nguyên tổ chức đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại tại Gia Lai, ông lại vào chia vui.  Sau đó nữa, những cuộc hội thảo, Festival cồng chiêng được tổ chức tại Buôn Ma Thuột - năm 2007 và phố núi Pleiku - năm 2012… bao giờ ông cũng có mặt, dù tuổi tác đã ngoài “thất thập cổ lai hy”. Những dịp như thế, GS. Thanh đau đáu một điều: Làm sao bảo tồn và phát huy giá trị lớn lao của di sản này trong đời sống hôm nay? Và ông thật lòng khuyên: “Phải có thái độ ứng xử đúng mực với Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trước cuộc sống đương đại. Bảo tồn đi cùng với phát triển các giá trị mới trong đời sống hôm nay phải phù hợp và hài hòa…”. Theo ông, trong quá trình ấy, tuyệt đối không được phép “có mới, nới cũ” như đã từng xảy ra trên thực tế. Bởi việc làm đó là hết sức nguy hiểm đối với một Di sản văn hóa nhân loại như Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Bao giờ, ông cũng lạc quan rằng: “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền miệng và Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại là dĩ nhiên, vì đó là một phần không thể tách rời trong dòng chảy lịch sử- văn hóa của các cộng đồng dân tộc ở đây. Thêm nữa, đó còn là một biểu tượng đặc sắc cho trí tuệ, tài năng sáng tạo văn hóa âm nhạc độc đáo của các tộc người bản xứ. Những giá trị đó phải được bảo tồn, gìn giữ nguyên dạng dưới mọi đặc trưng của nó”. 

2.Như một sự sắp đặt kỳ lạ, năm 2005 Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh, thì đây cũng là dấu mốc đáng nhớ về việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng Sử thi Tây Nguyên”. Trong dự án này, một trong những người góp phần “khơi dòng sử thi” từ trong ký ức của người già chảy ra giữa cộng đồng, buôn làng Tây Nguyên là Phó GS,TS. Ngô Đức Thịnh (Trung tâm KH-XH và Nhân văn Quốc gia).

TS. Ngô Đức Thịnh luôn đam mê với vốn văn hóa Tây Nguyên.  Ảnh: Nguyễn Đức Trường
TS. Ngô Đức Thịnh luôn đam mê với vốn văn hóa Tây Nguyên. Ảnh: Nguyễn Đức Trường

Khi dự án bắt đầu khởi động, tôi đã có dịp theo ông đi gặp gỡ một số nghệ nhân hát kể Khan người Êđê và phát H’mon người Jrai trong các buôn làng. Bởi như ông nói: “Chỉ thông qua họ, mới có cơ sở đánh giá và khảo sát nguồn sử thi hiện có”. Đi và làm việc với TS. Thịnh, tôi nhận ra ở nhà nghiên cứu khoa học này có những mối quan tâm, trách nhiệm đặc biệt và trên hết là phải tìm cho được những nghệ nhân hát kể sử thi; tập huấn, nâng cao phương pháp nghiên cứu sử thi cho các nhà chuyên môn ở Trung ương lẫn địa phương. Trong đó, cần chú trọng đến ngôn ngữ, văn hóa bản địa của bốn tộc người cơ bản (Êđê, Jrai, Ba Na và M’nông) nhằm bảo đảm tính chính xác và khoa học trong việc sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch. Về vấn đề dịch và chú giải, theo TS. Thịnh: càng chính xác và trung thực càng tốt. Bởitrong thời gian qua, phần lớn sử thi được sưu tầm, phát hiện đều thông qua những người làm văn hóa ở địa phương nên không đảm bảo được tính nghiêm túc và chính xác đặt ra. Chẳng hạn, một sử thi của một dân tộc nào đó được các nhà nghiên cứu, sưu tầm được, nhưng khi dịch sang tiếng Việt, do không hiểu thấu đáo văn hóa, xã hội và bối cảnh lịch sử cũng như tín ngưỡng, phong tục, tập quán của dân tộc ấy nên tác phẩm dịch ra đã không còn mang gương mặt chân thật vốn có của nó nữa. TS. Thịnh cho rằng, tất cả sử thi Tây Nguyên đã sưu tầm và biên dịch trước đây mà không có văn bản ngôn ngữ gốc để so sánh, đối chiếu nhằm tạo sự thuyết phục cũng buộc phải làm lại từ đầu. Bởi nói cho cùng sử thi Tây Nguyên là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Để cho mọi người (trong nước và quốc tế) công nhận thì đòi hỏi những người thực hiện dự án này không được phép cẩu thả, qua loa trong bất cứ khâu nào khi điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản.

Tôi thầm nghĩ, cái tâm của nhà nghiên cứu khoa học này thật sáng, trách nhiệm lại cao trước khối di sản khổng lồ như sử thi Tây Nguyên được ví như “trái chín sắp rụng” thì quả là niềm hạnh phúc cho các tộc người ở đây. Như hiểu được tâm sự của tôi, ông bộc bạch: “Mình đi nhiều nơi nghiên cứu, tìm hiểu, nhưng phải công nhận rằng sử thi Tây Nguyên vô cùng đặc sắc và độc đáo ở chỗ, nó vẫn sống trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Vì thế việc tìm cách đưa sử thi ở đây trở lại với buôn làng là vấn đề được nhiều người quan tâm, trong số đó có mình…”. Còn vì sao phải “tìm cách”, trong khi nó vẫn sống trong đời sống cộng đồng? Theo nhà nghiên cứu giàu tâm huyết này cắt nghĩa: Sử thi Tây Nguyên chỉ tồn tại trong điều kiện xã hội - lịch sử nhất định, bởi chủ thể của nó là cư dân của nền nông nghiệp truyền thống - độc canh cây lúa trên nương rẫy. Xã hội của những tộc người thiểu số ở đây có những đặc điểm của chế độ công xã nông thôn thời kỳ đầu, nhưng còn bảo lưu rất nhiều những dấu vết của xã hội nguyên thủy với chế độ mẫu hệ rõ nét, vai trò điều hành toàn diện đối với cộng đồng của già làng và luật tục luôn được coi trọng. Tín ngưỡng vạn vật hữu linh và sự sùng bái, thần thánh hóa các lực lượng siêu nhiên của con người luôn hiện hữu. Cuối cùng là mối quan hệ liền mạch giữa thế giới con cháu đang sống và cha ông đã chết - giữa quá khứ với hiện tại - vô hình và hữu hình trong mỗi cộng đồng làng, buôn bao giờ cũng được xác tín và tiếp nhận một cách tự nhiên. Tất cả đó là điều kiện, là mắt xích không thể thiếu trong môi trường sống (cũng là không gian văn hóa, lịch sử) của đồng bào Tây Nguyên ngày trước nhằm nuôi dưỡng sức sống cho sử thi. Giờ đây, môi trường ấy đã thay đổi, thậm chí không còn; thêm vào đó, những nghệ nhân biết hát kể sử thi cũng ngày càng ít đi, hoặc nếu còn thì cũng ít có cơ hội để thể hiện, nên sử thi dần biến mất khỏi đời sống cộng đồng. Chính vì thế việc đưa sử thi trở lại với buôn làng là điều quan trọng và cấp bách đặt ra.

Còn vấn đề, để sử thi sống lại trong buôn làng bằng cách nào, thì rõ ràng như TS.Thịnh từng mong mỏi rằng: Cùng với tâm huyết, thái độ trân trọng và nghiêm túc trong công việc điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên do nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm KH-XH và Nhân văn Quốc gia thực hiện, trong đó có cá nhân ông - thì những ai, cơ quan và đơn vị  có trách nhiệm liên quan cũng nên tiếp tục vào cuộc với giải pháp căn cơ, hữu hiệu nhất để giá trị văn hóa tiêu biểu này ngày càng có sức lan tỏa, lôi cuốn mọi người trong cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên.  Lần gặp ông tại Hội thảo Quốc tế sử thi Tây Nguyên được tổ chức hồi trung tuần tháng 10-2010 tại Buôn Ma Thuột, ông tỏ ra băn khoăn vì một lẽ: Hơn 70 tác phẩm sử thi ở vùng đất này đã được xuất bản và đưa về cho buôn làng và hệ thống quản lý văn hóa-giáo dục các cấp rồi, nhưng không hiểu sao người hát kể (kể cả đọc) sử thi vẫn thấy chưa nhiều. Hay nói một cách khác là chưa thật sự có một đời sống mới trong dòng chảy văn hóa Việt Nam hiện nay. Nỗi niềm đau đáu ấy tôi đã nhiều lần nhìn thấy trên gương mặt, giọng điệu của nhà nghiên cứu này mỗi khi ông xuất hiện trước màn ảnh nhỏ, hoặc trên các trang báo đề cập đến văn hóa nói chung và sử thi Tây Nguyên nói riêng, dù ông đã nghỉ hưu và sắp sửa bước vào tuổi bảy mươi.

                               Cuối năm 2015

Bút ký của Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.