Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Nhiều khu vực chìm trong nước lũ

09:11, 09/08/2019

Sau 3 ngày mưa lớn, nhiều nhà cửa, tài sản của các hộ dân khu vực trung tâm TP. Buôn Ma Thuột bị chìm trong nước…

Bàng hoàng sau mưa lũ

Tối 7-8, gần 20 người trong đại gia đình chị Trương Thúy Liễu (18/3 Đặng Nguyên Cẩn) phải chen chúc trên căn gác nhỏ của gia đình bố mẹ vì nước lũ lên quá nhanh. Vẫn chưa hết bàng hoàng, chị Liễu kể: “Đêm 7-8, mưa to nước suối dâng lên cao gây ngập nhẹ, đến rạng sáng 8-8, nước dâng nhanh cao lên đến quá ngực, kèm theo gió to, cả nhà tôi hô hoán nhau chạy tránh lũ không kịp mang theo bất kỳ thứ gì. Hai ngày nay, cả đại gia đình tôi phải sống trong cảnh không điện, không nước, phải mua nước bình về sử dụng. Đến bữa nấu mì tôm ăn qua ngày, bất cứ đồ dùng gì trong nhà cũng ướt sũng. Nhà tôi bị sập một bên mái tôn, một số gỗ tích cóp được để chuẩn bị làm nhà mới cũng không còn”.

Khu vực đường Đặng Nguyên Cẩn ngập sâu 1,5 m.
Khu vực đường Đặng Nguyên Cẩn ngập sâu 1,5 m.

Còn nhà anh Phạm Duy Đăng (13 Đặng Nguyên Cẩn) thì xót xa: “Tôi sống ngay cạnh suối Ea Tam, nhưng chưa bao giờ bị nước ngập vào nhà. Tôi nghĩ mưa lũ cũng chỉ như mọi năm nên khá chủ quan, tối ngày 7-8 nước tràn vào nhà, dâng lên cao đến khóa cửa khiến tôi không kịp trở tay. Tôi và vợ chỉ kịp bế con chạy lên trên nhà ông bà nội ngay trên đó. Sáng 8-8, khi nước lũ rút, tôi xuống kiểm tra thì phát hiện một phần tường nhà bị đổ, máy móc thiết bị điện như tủ lạnh, máy giặt… trôi nổi trên mặt nước đen ngòm, hư hỏng hết toàn bộ”.

Ông Lương Văn Thiếp (Khối 8, phường Tự An) nhìn về phía ao cá với vẻ buồn rầu. Cả nhà ông trông chờ vào lứa cá giống đợt này, không ngờ qua mấy ngày mưa lớn, toàn bộ diện tích ao hồ hơn 1 ha của gia đình bị ngập băng, tất cả cá giống trôi theo nước lũ. Ước tính lần này gia đình ông mất hơn 6 tấn cá giống, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Mấy ngày nay ông mất ăn mất ngủ, giờ không biết phải xoay xở thế nào, lấy đâu ra vốn để tái sản xuất. Không những mất hết cá, một số hồ cá bờ bị vỡ, hư hỏng cần phải sửa chữa lại.

Chuồng trại tan hoang sau cơn lũ bất ngờ, ông Nguyễn Bá Hồng (chủ trang trại Hồng Tiến ở TDP 7, phường Tân Lập) chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc nước ập vào nhà. Khoảng 14 giờ ngày 7-8, nước bắt đầu lên nhanh, ông cùng vợ con chỉ biết đóng tất cả cửa lại để ngăn không cho nước tràn vào bên trong nhà. Tuy nhiên, do địa hình thấp hơn so với mặt đường lại gặp dòng nước chảy xiết khiến nước dâng cao trong tích tắc, ông và vợ chỉ biết xếp chồng bàn ghế lên cao để hai con nhỏ đứng tránh ngập. Cánh cổng duy nhất bị dòng nước làm cho cong vênh, không thể mở ra được. Đến khi lực lượng cứu hộ tiếp cận, giải cứu cả gia đình ông mới thoát được ra ngoài. Sau lũ, ông nhẩm tính thiệt hại của gia đình lên đến 400 triệu đồng.

Con gái  7 tháng tuổi của chị  Đỗ Thị Hằng được lực lượng cứu hộ hỗ trợ đưa đến nơi  an toàn.
Con gái 7 tháng tuổi của chị Đỗ Thị Hằng được lực lượng cứu hộ hỗ trợ đưa đến nơi an toàn.

Chị Đỗ Thị Hằng (TDP 7, phường Tân Lập) cũng trải qua những giờ phút kinh hoàng tương tự. Cơn lũ xảy ra khi dãy trọ của chị chỉ có phụ nữ mang thai, có con nhỏ ở trong phòng. Thấy nước dâng, mọi người cùng phụ giúp nhau thu dọn đồ đạc, neo chằng xe gắn máy vào các cửa sổ, cột sắt để tránh trôi xuống suối. Chị leo lên gác xép trú ẩn cùng con và người hàng xóm đang mang thai. Khi được giải cứu, chị chỉ kịp vơ vội tấm áo khoác quấn quanh con gái mới 7 tháng tuổi, trao cho anh công an trong đoàn bế giúp và cùng lần theo sợi dây thừng cứu hộ thoát ra ngoài.

Kịp thời cứu hộ

Tại phường Khánh Xuân có 4 hộ dân thuộc tổ dân phố 1 và 2 phải di dời đến nơi an toàn. Hiện tại, địa phương chưa có thống kê cụ thể thiệt hại và hoa màu, cây trồng các loại. Ông Nguyễn Xuân Thăng, Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân cho biết, sau khi nhận được thông tin một số khu vực bị ngập sâu, địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ khoảng 130 người đến hỗ trợ di dời người dân và tài sản của họ đến nơi an toàn. Hiện nay, địa phương đang tiến hành thống kê thiệt hại về hoa màu, cây trồng bị ảnh hưởng do mưa lũ để có đề xuất, hỗ trợ cho bà con. Trong đó, bị ngập sâu nhất hộ anh Phạm Văn Phú ở tổ dân phố 1. Hiện tại, sau gần 3 ngày xảy ra mưa lớn, căn nhà của gia đình anh vẫn ngập hơn 50 cm. Cả gia đình đã di chuyển đến nhà ngoại ở, chờ ngày nước rút quay về nhà dọn dẹp.

 
“Ngập lụt đã khiến các phường Tân Lập, Tự An, Tân Thành phải ứng cứu, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Ngoài ra, khoảng 12 xã, phường khác cũng bị nước lũ dâng cao gây ngập cục bộ. Để giảm thiểu thiệt hại, phòng tránh những tai nạn đáng tiếc, thành phố và các xã phường đã bố trí lực lượng túc trực, bám sát địa bàn để cảnh báo nguy hiểm và hỗ trợ người dân bảo vệ tài sản, khắc phục hậu quả thiên tai”.
 
Ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột.

Phường Tân Lập là địa bàn bị ảnh hưởng nặng và có nhiều người bị cô lập sau mưa lớn ngày 7-8. Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch UBND phường Tân Lập cho hay, khi người dân báo tin, phường đã hủy cuộc họp theo dự kiến, huy động toàn bộ cán bộ, lực lượng xuống hiện trường hỗ trợ người dân, tích cực phát huy phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, các ngành công an, quân sự thành phố cũng bố trí hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện để tìm phương án an toàn nhất cứu hộ người dân bị cô lập.

Ngoài lực lượng cứu hộ của công an, quân sự và chính quyền địa phương, Xí nghiệp Thoát nước Buôn Ma Thuột (trực thuộc Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk) cũng tích cực tham gia cứu hộ, hỗ trợ người dân di dời tài sản.

Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc Xí nghiệp cho biết, ngay trong mưa lớn, đơn vị đã huy động 18 cán bộ, nhân viên túc trực tại các điểm thường xảy ra nước chảy xiết trên đường Nguyễn Tất Thành, Hồ Tùng Mậu để kịp thời ứng cứu người dân khi có sự cố xảy ra. Khi nghe tin tình trạng ngập nặng khu vực TDP 6, phường Tự An, bà lập tức điều động người đến hỗ trợ các lực lượng chức năng khác cùng người dân di dời tài sản, giải cứu các gia đình bị mắc kẹt trong nước lũ.

Theo báo cáo sơ bộ của UBND TP. Buôn Ma Thuột, tính đến sáng 8-8, trên địa bàn có nhiều vị trí bị ngập sâu. Đơn cử, tại hẻm 313 đường Nguyễn Văn Cừ (phường Tân Lập) bị ngập 2 m; cầu Cây Sung (phường Tân Thành) ngập từ 2,5 – 3 m; cầu Ông Bộ (phường Tự An) ngập hơn 1 m… Cùng với đó, nhiều hộ dân bị cô lập, đã được lực lượng chức năng và chính quyền hỗ trợ, di dời đến nơi an toàn trong chiều 7-8. Cụ thể, tại phường Tân Lập có 5 hộ; phường Tân Thành có 21 hộ; phường Khánh Xuân 4 hộ…

Hoàng Tuyết – Thùy Dung – Đinh Nga

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.